- Đạo diễn, nhà quay phim Đinh Anh Dũng, thành viên Ban giám khảo (BGK) LHP Việt Nam 17 trả lời VietNamNet về những thắc mắc liên quan đến chuyện giải thưởng cũng như lễ trao giải được cho là quá sơ sài.

Ngay cả thành viên BGK cũng chỉ hài lòng 70% với kết quả. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Thành viên giám khảo cũng không biết kết quả cuối cùng

- Cá nhân anh có bất ngờ về các giải thưởng và trước lễ trao giải, các thành viên BGK có được thông báo trước tất cả các kết quả?

- Tôi không bất ngờ bởi các thành viên BGK sau khi bàn bạc và thống nhất để cho ra kết quả cuối cùng. Tôn trọng ý kiến cá nhân, tất cả cùng bỏ phiếu cho điểm nên thống nhất là một chuyện, kết quả cho ra lại là chuyện khác. Lý do là vì tất cả đều căn cứ trên điểm số. Ví dụ từ 9,5-10 điểm thì là vàng, từ 8,5-9 là bạc chẳng hạn nhưng có người cho 9, có người cho 9,5 điểm. Chính vì thế khi cộng lại, nó không hoàn toàn chính xác như bàn bạc trước đó. Tôi nghĩ chuyện này bình thường thôi.

- Theo lẽ thường các thành viên BGK sau khi bỏ phiếu thì được họp lại để được biết kết quả bỏ phiếu cuối cùng?

- Phiên họp cuối cùng của chúng tôi diễn ra vào trưa ngày 16/12. Toàn bộ đều được bỏ phiếu kín rồi chuyển cho Chủ tịch BGK. Lúc đó Chủ tịch BGK mới lên ngồi với BTC và bóc kết quả ra, chúng tôi không can thiệp được nữa. Đó là quy định của BTC. Nói về quy chế này tôi thấy còn một số điều không hợp lý. Tôi không biết Oscar hay Cannes họ làm thế nào, BGK có quyền quyết định ra sao nhưng tôi thấy lẽ ra cả ban giám khảo chứ không chỉ có riêng Chủ tịch phải tới gặp BTC để bóc kết quả. 

- Tức là khi kết quả được công bố anh mới biết năm nay không có giải vàng?

- Ban đầu chúng tôi thống nhất có giải vàng, cũng như chuyện không phân biệt phim nhà nước và tư nhân nhưng trong quá trình bàn bạc, bỏ phiếu mỗi người lại có những suy nghĩ khác nhau. Ví dụ có người nói đến tính định hướng của điện ảnh. Tôi đồng ý nhưng hiểu thế nào về định hướng thì mỗi người có một suy nghĩ khác nhau. Người thì quan tâm đến đề tài còn tôi đến tác phẩm điện ảnh ấy ở nhiều góc độ: kịch bản, tay nghề của đạo diễn chứ không chỉ riêng đề tài. Một đề tài hay nhưng kịch bản viết dở thì cho điểm thế nào? Còn nói về tính nhân văn, một bộ phim nói về một cô điếm nhân văn hơn một bộ phim nói về một ông công nhân thì sao? Phải nhìn tính nhân văn ở góc độ nào?

Nhiều nhà báo lớn tiếng phát biểu khi họ chưa xem phim

9 thành viên BGK hạng mục Phim truyện nhựa năm nay.

- Nhưng chúng ta lại không chấm phim như một tác phẩm điện ảnh như nó vốn có mà lại bị ràng buộc bởi quá nhiều tiêu chí như tính nhân văn, tính định hướng nên một tác phẩm điện ảnh có thể được đánh giá là xuất sắc nhất nhưng lại không đáp ứng được những tiêu chí đó nên không được giải?

- Đúng là có điều đó. Tôi quan niệm một tác phẩm điện ảnh đầu tiên phải được đánh giá bởi tay nghề của người làm phim. Đó là điều quan trọng nhất. Do vậy các giải cá nhân cho thấy phần lớn quan điểm của giám khảo. Tôi thấy nhiều nhà báo lớn tiếng phát biểu khi họ chưa xem phim. Thậm chí nhiều người bạn của tôi hỏi tại sao Mùi cỏ cháy không được vàng? Tôi nói: Vậy mày đã xem Hotboy nổi loạn chưa? Họ nói chưa xem! Bạn nghĩ gì khi bạn chưa gặp một người, chưa nói chuyện với họ, chưa thấu hiểu họ mà đã đánh giá về họ. Tôi cho là không nên có suy nghĩ thành kiến như vậy.

Tiêu chí chấm phim của chúng tôi năm nay là khách quan, trung thực và bí mật. Ít ra ở kỳ LHP này kết quả được giữ bí mật đến phút cuối. Đó là điểm cộng cho BGK. Nhiều người nói rằng năm nay giải thưởng được chia đều nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Lần chấm này hoàn toàn không có chuyện cào bằng hay mặt trận. Tại các LHP trước đây gần như phim nào làm về đề tài Bác Hồ cũng được trao giải cả nhưng đợt này thì không dù có tới hai phim truyện nhựa và 1 phim truyện video làm về đề tài này. Đơn giản vì phim chưa hay nên không đoạt giải. Chúng tôi chấm khách quan trên tác phẩm.
- Với những kết quả đã được trao. anh có hài lòng không?

- Tôi chỉ hài lòng 70-80% vì kết quả phải dung hòa với ý kiến của mọi người. Bởi tôi chỉ là 1 trong 9 thành viên giám khảo thôi. Bằng này tuổi rồi tôi nghiệm ra rằng trong cuộc đời nếu điều gì có thể hài lòng đến 70% là đã gớm lắm rồi. Bạn có một ông chồng làm mình hài lòng 70% là bạn đã cực kỳ may mắn rồi bởi sẽ chẳng có ai khiến bạn hài lòng đến 100% cả.

Đạo diễn Đinh Anh Dũng

Sân khấu lễ khai mạc và bế mạc chỉ khác nhau có 1 chữ

- Năm nay lễ trao giải bị kêu ca rất nhiều vì nó như thế nào thì mọi người đã nhìn thấy. Là tổng đạo diễn LHP 16 tại TP.HCM 2009, với tư cách là người tiền nhiệm, là một người làm phim, anh nhận xét thế nào về lễ trao giải LHP 17 vừa rồi?

- Không thể đổ lỗi cho bất cứ lý do gì. Năm nay kinh phí tổ chức LHP hạn hẹp nhưng tôi có thể dẫn chứng ngay sau đây những điều có thể làm tốt mà không bị lệ thuộc vào chuyện kinh phí. Thứ nhất, một khai mạc và bế mạc mà sân khấu giống nhau 100% là điều hơi kỳ. Tôi cảm giác sân khấu họ chỉ lấy chữ "khai" xuống và để chữ "bế" lên là xong. Thứ hai, logo của lễ khai mạc gần như cũng dùng y nguyên cho lễ bế mạc, chỉ thay một chữ, không cho người ta thấy được cảm giác mới mẻ. 

Nhiều người cũng nói về chuyện clip được phát đi phát lại. Về đề cử, chính tôi là người gửi cho đạo diễn vào trưa 16/12, tức là trước lễ trao giải tới 36 tiếng đồng hồ. Thường thì các đạo diễn luôn đoán được phim được đề cử nên họ dựng clip trước mà chẳng cần BGK gửi danh sách đề cử. Chí ít một phim có 5 đề cử thì phải có 5 clip khác nhau. Ví dụ phát clip đề cử của họa sĩ thì phải lấy những bối cảnh ấn tượng trong phim. Đề cử âm nhạc thì phải chọn những đoạn nhạc ấn tượng. Đề cử diễn viên thì phải lấy cảnh có diễn viên ấy diễn xuất chứ không thể nào tất cả các đề cử dùng chung 1 clip. Như vậy hơi kỳ.

Trước đây khi làm đạo diễn các sự kiện trao giải thế này tôi thường chọn một người trẻ làm điện ảnh lên trao giải. Tôi muốn hai thế hệ cùng lên trao giải. Còn kỳ vừa rồi nhìn những người lên trao giải tôi thấy già cỗi và buồn tẻ. Giống như tới chơi một nhà mà tôi chỉ thấy toàn người già. Nếu nhìn điện ảnh chúng ta như thế này thì thật đáng buồn. Tất nhiên làm sự kiện này cho những người trong giới xem thì không sao nhưng ở đây chúng ta đang chiếu cho truyền hình xem với hàng triệu khán giả. Họ sẽ hỏi: Những người trẻ đâu? hay đây là bộ mặt của điện ảnh VN?

Tất nhiên lễ trao giải của chúng ta bị giới hạn bởi thời lượng, chỉ có 2 tiếng đồng hồ nhưng đáng lẽ người trao giải ít nhất phải được nói 20s về nghề. Vì dụ khi trao giải về quay phim thì ít nhất người trao giải phải nói 1 chút quan niệm của mình về quay phim. Nhưng ở đây họ không nói gì... 

Nhiều nghệ sĩ lên bục trao giải không biết để làm gì. Ảnh Nguyễn Hoàng

Hạnh Phương