- Điện ảnh Việt kịp nối vào dòng chảy kinh dị thêm hai bộ phim mới: “Ngôi nhà trong hẻm” và “Bẫy cấp 3” khi dư âm “Lời nguyền huyết ngải” còn chưa tan.

Muốn phim ăn khách, hãy gom chân dài + danh hài vào trong một kịch bản hài đến mức…thật nhảm, nhớ pha thêm chút ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng để phim của bạn không bị gắn nhãn là “phản cảm” hay “vô bổ”.

 Những phim kinh dị như “Bẫy cấp ba” thường được giới thiệu như “món lạ” ngoài rạp chiếu”

Công thức trên chưa bao giờ thôi hữu hiệu trong một thị trường điện ảnh mà phần lớn khán giả đến rạp là để mua vui. Bằng chứng là những phim Việt có doanh thu “khủng” nhất gần đây đều thuộc thể loại hài, từ “Để mai tính”, “Cô dâu đại chiến”, “Long Ruồi” (trên 30 tỷ đồng cho mỗi phim) cho đến trường hợp mới nhất là “Hello Cô Ba” (ước tính trên 25 tỷ đồng).

Nhưng khi “mâm cỗ” hài hước đã quá đầy, các nhà sản xuất phim Việt đủ khôn ngoan đi tìm phong vị khác, từ võ hiệp kỳ tình đến kinh dị, siêu nhiên. Trong số này, thể loại kinh dị nổi lên với loạt bốn phim ra mắt liên tục từ tháng 12/2011 đến tháng 4/2012, gồm: “Cột mốc 23”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Ngôi nhà trong hẻm” và “Bẫy cấp 3”.

Ẩn số “Ngôi nhà trong hẻm”

Sự thất bại cả về chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu của “Cột mốc 23” và thành công tương đối của “Lời nguyền huyết ngải” khiến loạt phim kinh dị này vẫn còn là một ẩn số trên con đường xác quyết để có thể trở thành dòng chảy riêng biệt và không ngắt quãng trong dòng chảy chung của điện ảnh Việt.

Mà rất có thể, lời giải đáp đang nằm ở hai bộ phim kế tiếp là “Ngôi nhà trong hẻm” ra mắt dịp Lễ tình nhân 14/2 và “Bẫy cấp 3” dự kiến phát hành vào tháng 4 hoặc tháng 5/2012.

 Cùng với “Bẫy cấp ba”, “Ngôi nhà trong hẻm” là một trong hai phim nối vào dòng phim kinh dị Việt

Qua đoạn phim quảng bá ngắn vừa được tung ra, có thể thấy các nhà làm phim “Ngôi nhà trong hẻm” đã chuẩn bị được những gì tốt nhất trong khả năng của mình để có thể đương đầu được với loạt “bom tấn” Hollywood ra mắt cùng dịp như Harry Potter 7.2, Sherlock Holmes 2, Journey 2 hay Star Wars 3D.

Được làm hậu kỳ tại Hollywood với số kinh phí tương đương giai đoạn quay tại VN, bộ phim của đạo diễn trẻ Lê Văn Kiệt có được không khí, màu sắc khá riêng biệt nhờ hóa trang, thiết kế bối cảnh, quay phim…. Đặc biệt phần âm thanh được chăm chút theo tiêu chuẩn Dolby 5.1, tạo hiệu hứng cho những tiếng động làm thót tim khán giả như tiếng đứa trẻ khóc vọng lại, tiếng bước chân, tiếng cửa... mà một phim kinh dị cần phải có.

Một thuận lợi khác là tên tuổi của hai ngôi sao Ngô Thanh VânTrần Bảo Sơn đủ bảo chứng phần diễn xuất của bộ phim. Nhất là khi cốt truyện diễn ra trong bối cảnh chật hẹp, xoay quanh những diễn biến tâm lý nguy hiểm của một cặp vợ chồng vừa mất đứa con đầu lòng.

 
Phim kinh dị thường phải đầu tư thêm cho các khoản kỹ xảo, hóa trang, âm thanh…

Gian nan mua lấy… sợ hãi

Khác với thể loại hài, dòng phim kinh dị thường đòi hỏi các nhà làm phim phải chi thêm nhiều khoản tiền cho hiệu ứng kỹ xảo, hóa trang, âm thanh để tạo được không khí cho bộ phim. Những yếu tố này đóng góp phần lớn hiệu quả kinh dị trong các bộ phim như “Lời nguyền huyết ngải”, “Khi yêu đừng quay đầu lại” và sắp tới là “Ngôi nhà trong hẻm”.

Việc kiểm duyệt các yếu tố ma quái, mê tín, bạo lực trên phim ảnh cũng là vấn đề làm đau đầu các nhà sản xuất phim kinh dị. Rất nhiều phim kinh dị nhập ngoại đã không qua được “cửa” này, mà điển hình là hai loạt phim “The Final Destination” hay “Paranormal Activity”.

Đây là điều giúp người ta có thể hiểu vì sao đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã cố ý gọi “Lời nguyền huyết ngải” của ông là phim huyền bí chứ không phải kinh dị, dù bản thân bộ phim có rất nhiều hình ảnh kinh dị.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào sản xuất hai phim “Ngôi nhà trong hẻm” và “Bẫy cấp 3”, nhà sản xuất Trần Trọng Dần cho rằng cái khó của thể loại này không phải là chuyện kiểm duyệt. Bởi quốc gia nào cũng đặt ra những luật lệ, phong tục đối với thể loại này. “Một điểm quan trọng: làm sao bạn chắc bộ phim của bạn sẽ hay khi không bị kiểm duyệt?”. Thách thức của nhà làm phim là làm sao tuân thủ đầy đủ những luật lệ, phong tục mà vẫn gây được cảm giác sợ hãi cho khán giả.

Minh Chánh