- Xây dựng ý tưởng kịch bản, tìm nhà đầu tư, tổ chức đoàn phim…, Trần Trọng Dần chẳng cần đến 42 tỷ của Cục điện ảnh thì mới có tiền để làm phim!


Hơn lúc nào hết, điện ảnh Việt đang hiện lên rất nhiều điều nghịch lý trong mắt người làm nghề lẫn khán giả. Những quan điểm trái chiều, nơi ca thán “điện ảnh đang xuống đến đáy” nhưng cũng có nơi bình luận “phim Việt sôi động mùa cuối năm”.

  Nhà sản xuất Việt kiều Trần Trọng Dần đang bận rộn với các phim "Bẫy cấp 3", "Ngôi nhà trong hẻm" tại VN

VietNamNet có cuộc trò chuyện với nhà sản xuất Việt kiều Trần Trọng Dần – người đang bận rộn với các dự án phim như Bẫy cấp 3, Ngôi nhà trong hẻm.

- Thưa anh, công việc cụ thể của một nhà sản xuất phim là gì?

- Ở VN hay ở đâu thì nhà sản xuất cũng làm một số việc giống nhau. Vai trò này ít biết đến hơn ở VN, trong khi khán giả thường biết tới diễn viên và đạo diễn. Nhưng chính nhà sản xuất là người định hướng bộ phim sẽ như thế nào, quyết định hết mọi thứ về phim, họ chọn và cũng có thể đuổi đạo diễn. Dù vị trí đứng sau hậu trường nhưng phim được giải là trao cho nhà sản xuất. Với tôi, được về VN, có cơ hội làm một công việc trong ngành giải trí là điều vinh dự nên tôi chỉ mong mọi thứ thật tốt. Tôi không cho đây là việc làm chơi mà rất thận trọng. Không có nhiều phim được làm ở VN hiện nay, nên mình phải nắm lấy cơ hội, góp phần nào đó thúc đẩy chất lượng điện ảnh.

Có hai công việc chính mà một nhà sản xuất phim phải làm gồm quản lý sản xuất và quyết định diễn viên, đạo diễn, đối tượng khán giả, kinh phí sản xuất, phong cách nghệ thuật, kịch bản, định hướng dự án…cho bộ phim. Công việc không phải một hai ngày là xong và kéo dài trong một quá trình, nếu đi sai sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức để sửa lại mà mọi người lại không vui.

Người ta thấy Trần Trọng Dần bám rất sát các công việc trong và ngoài hiện trường sản xuất phim

- Điều gì khiến anh thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ tiền vào bộ phim của anh?

- Phải có ý tưởng, ý tưởng này thuyết phục được mình thì mình mới thuyết phục được nhà đầu tư và những người tham gia. Với “Ngôi nhà trong hẻm”, khi bắt tay vào làm, tôi không nghĩ tới chuyện làm một phim ăn theo dòng phim kinh dị đang ăn khách ở VN. Phim kinh dị là một trong những thể loại mà tôi muốn làm nhưng không phải dạng ma cà rồng, máu me. Dưới hình thức kinh dị, “Ngôi nhà trong hẻm” là một phim về tình yêu thực sự. Một người vợ gặp vấn đề về tinh thần, liệu tình yêu của người chồng có giúp được cô hay không? Chúng tôi cố ý đặt bộ phim vào bối cảnh chật chội, ngộp thở để diễn tả tâm lý nhân vật.

Sau nhiều tháng làm việc, tôi nhìn lại thấy ý tưởng này rất hay, nó buộc mình phải có kịch bản với lời thoại thú vị, hành động nho nhỏ. Khán giả hồi hộp chờ đợi vì không biết câu chuyện sẽ dẫn tới đâu. Sau khi hoàn tất kịch bản, tôi gửi đi một số nhà phát hành, diễn viên để hỏi ý kiến, họ đều nói nên làm vì phim này không giống nhiều phim kinh dị khác. Vì vậy, tôi quyết định làm “Ngôi nhà trong hẻm” mà không phải vì phim kinh dị đang ăn khách.

- Theo anh, môi trường điện ảnh Việt Nam hiện nay có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền cho các kịch bản hay?

- Tìm nhà đầu tư cho phim ảnh hiện nay cơ bản là khó khăn. Riêng tôi còn khó khăn hơn vì nhà đầu tư ở Mỹ chưa am hiểu về thị trường VN, trong khi tôi lại không có nhiều mối liên hệ làm phim ở VN. Với “Ngôi nhà trong hẻm”, tôi thuyết phục được nhà đầu tư là nhờ kịch bản. Bởi kinh dị không phải là thể loại phim có thể nhận được tài trợ của các nhãn hàng, tôi cũng muốn phim của mình là phim trước đã, không muốn sự đầu tư mang tính quyết định đường hướng của phim, dẫn tới đó không phải là phim tôi muốn.

Giống các phim Việt khác, tôi nghĩ ai ở trong ngành cũng đoán được kinh phí của bộ phim vào khoảng nào. Tôi chưa thể tiết lộ do chi phí còn biến động rất nhiều cho tới khi bộ phim hoàn tất.

Thuyết phục được những ngôi sao như Ngô Thanh Vân tham gia phim là công việc của nhà sản xuất

- Là một Việt kiều trở về nước làm việc trong ngành điện ảnh, anh gặp phải thuận lợi và khó khăn nào khi thực hiện dự án sản xuất phim?

- Tôi mới về VN làm phim, những khó khăn, ngạc nhiên là có thật mà cũng không có thật. Chẳng hạn như có nhiều mối liên hệ mà tôi chưa có. Người giỏi và chuyên nghiệp cũng có nhiều nhưng tôi chưa biết tới họ để liên hệ, mời tham dự chung. Chẳng hạn như họa sĩ Trần Trung Lĩnh đã giúp chúng tôi làm lại một ngôi nhà còn dang dở, khiến hình ảnh trên phim tốt hơn. Mặt khác, đặt một diễn viên, tôi không thể bắt họ chú tâm toàn bộ vào bộ phim do họ có nhiều công việc khác đã ký hợp đồng.

- Anh giải quyết bài toán phát hành và quảng bá phim thế nào?

- Một nhà phát hành đã ngỏ ý sẽ phát hành phim, nhưng tôi chưa quyết định. Nhưng ở nước ngoài thì tôi đã có đối tác phát hành. Tôi nghĩ khán giả sẽ muốn đến xem vài diễn viên trong phim. Chẳng hạn như đây là một vai rất khác so với Ngô Thanh Vân, cô có thể khiến khán giả phải ghét cô. Ngoài buổi họp báo ra mắt dự án, công chiếu, bộ phim có thể được khán giả lan truyền cho nhau theo cách tự nhiên.

Minh Chánh thực hiện