- Anh vẽ những cô gái Việt Nam mặc quần áo truyền thống - tạo dáng khêu gợi. Và anh gọi đó là “Sự sụp đổ”.

TIN BÀI KHÁC

Sinh năm 1981 tại Sơn Tây, Chu Việt Cường là một nghệ sĩ trẻ đã sống một cuộc sống đường phố. Bất bình với những vấn đề như cờ bạc, rượu chè và buôn bán ma túy, nghệ thuật sơn mài truyền thống giúp anh đưa cuộc đời sang một ngả đường khác.

Anh bắt đầu với những bức vẽ sơn mài về phong cảnh, sau định hình phong cách hiện thực đương đại. Sống trong thời đại chuyển giao lịch sử tại Việt Nam, phong cách sống truyền thống và văn hóa mới xâm nhập mang đến nhiều mâu thuẫn và phương thức để giải quyết những mâu thuẫn đó; anh sớm nhận ra rằng chính cuộc sống của anh cũng không là ngoại lệ. Những ý tưởng của Cường được giới yêu nghệ thuật trong và ngoài nước tại Hà Nội chú ý và ủng hộ.

“Có những thứ đổ vỡ...”

- Trong loạt tranh trưng bày, anh đã vẽ những người phụ nữ với quần áo truyền thống nhưng tạo dáng rất khêu gợi?

- Ý tưởng của tôi bắt đầu từ lâu lắm rồi. Trước đó tôi vốn sống ở nông thôn, khoảng năm 2000 – 2002 lúc lên Hà Nội được bạn bè đưa đi chơi, vào những club (câu lạc bộ), sàn nhảy. Ở đó tôi thấy những cô gái mặc áo tứ thân và nhảy nhót khêu gợi với nhạc sàn. Lần đầu tiên nhìn thấy những điều như vậy tôi rất ám ảnh. Những hình ảnh đó cứ ở trong đầu tôi đến tận bây giờ.

Tôi nhận thấy sự giao thoa giữa truyền thống và những xu hướng mới. Chúng gặp nhau và có những thứ bị đổ vỡ. Tôi không khiển trách, cũng không phán xét. Tôi vẽ để đánh dấu thời gian chuyển giao của xã hội Việt Nam và chính bản thân tôi trong thời thế mới, và để mọi người tự hiểu về xã hội này.
 Tranh sơn mài của Chu Việt Cường trong bộ “Sụp đổ”

- Được biết quá trình vẽ tranh sơn mài trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Tôi thấy anh triển lãm 3 bức tranh và chỉ sử dụng tông màu lạnh, tại sao không phải là nhiều tranh hơn?


- Thực ra khi mình nắm vững kĩ thuật rồi thì làm cũng đơn giản (cười). Series này tôi không chỉ vẽ 3 bức, mà còn nhiều hơn nữa. Hiện tại tôi mới chỉ trưng bày 3 bức này. Tôi có làm với tông màu nóng đan xen, nhiều sắc độ nữa, chứ không chỉ sử dụng tông lạnh.

Tôi chưa vẽ hết nên chưa thể nói con số cụ thể, mới hoàn thành 3 bức này và còn đang tiếp tục vẽ. Dự án này tôi bắt tay vào làm từ trước Tết Nguyên đán cho đến bây giờ. Mỗi bức vẽ mất khoảng hơn 1 tháng, nhưng nghĩ thì lâu.

- Từ cách đây hơn 10 năm đã xuất hiện sự chuyển giao và đổ vỡ như anh mô tả. Đến bây giờ hiện tượng này còn không? Anh nghĩ sự đổ vỡ này sẽ kéo dài đến bao giờ?

- Vẫn còn. Tôi không thể tiên đoán về sự đổ vỡ này sẽ kéo dài đến bao giờ. Đó là một vấn đề xã hội, mỗi người sẽ có cách diễn giải của mình. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ không bao giờ kết thúc. Hiện tại, quá khứ và đương đại luôn là quá trình chuyển tiếp, không bao giờ dừng lại một lúc nào cả.

- Anh có nói rõ rằng anh không phán xét những hiện tượng đó, mà chỉ phản ánh nó trong tranh của mình. Vậy phản ứng của những người xung quanh khi anh vẽ tranh thì sao?

- Cái đó là tùy mọi người. Tôi không áp đặt một điều gì cả. Mọi người có thể xem tranh và tự hiểu. Đặc biệt tôi cũng không phê phán. Tôi nghĩ, và tôi làm. Đơn giản là vậy!
Bộ ba bức tranh vừa hoàn thành

- Ngoài hiện tượng những cô gái mặc áo tứ thân và nhảy nhạc sàn, anh còn gặp gỡ một hiện tượng nào khác phản ánh sự giao thoa này không?

- Có nhiều hiện tượng phản ánh sự va đập này. Tôi từng gặp những cô gái nhảy đang sống trong những "sự khổ". Tôi biết những người đó, biết việc họ đang sống trong khổ ải. Trong quá trình người ta làm nghề, không phải người ta sung sướng đâu. Họ có nhiều tiền, nhưng khổ ải về tinh thần, khủng hoảng về tinh thần.

Không chỉ có những cô gái nhảy ở Hà Nội, tôi còn gặp nhiều sự đổ vỡ văn hóa nữa. Tình cờ tôi được xem một video clip về một lễ hội làng ở Hưng Yên. Người ta mặc áo tứ thân, áo yếm và nhảy nhạc sàn.

“Tôi chỉ vẽ một phần nào đó...”

- Trong tranh của anh sử dụng áo yếm, biểu tượng này có ý nghĩa gì?


- Tôi dựa vào cái cũ và cái mới để truyền tải vào tranh, nude thì không ra một ý gì cả. Trong ám ảnh của tôi, phải có yếm. Tôi vẽ với yếm và váy đụp, không với áo tứ thân, vì chiếc áo đặc biệt đó là hình ảnh của dân tộc mình.


- Ngoài dự án này, anh còn vẽ rất nhiều tranh phong cảnh về quê hương anh. Quê anh có thay đổi nhiều không?

- Có. Nó chuyển biến rất lớn. Bản thân tôi khi lên HN cũng bắt đầu sự chuyển biến về tư duy rất lớn. Đầu tiên tôi hay vẽ phong cảnh: phong cảnh nông thôn, đình làng... Tôi vẽ nhiều lắm, sau chuyển sang vẽ người. Series đầu tiên tôi làm về người là vẽ thiếu nữ, những cô gái quê.

- Trong những bức tranh quê hương thời kì đầu anh vẽ thấy bóng dáng của sự mơ mộng, dịu dàng, cách chuyển màu sắc rất êm. Bây giờ nếu anh vẽ quê hương sẽ như thế nào, sau tất cả những đổ vỡ văn hóa mà anh đã thấy?

- Sự va đập văn hóa đã, đang, và vẫn đụng chạm tới quê hương chứ. Nhưng trong tâm hồn tôi khi vẽ thì khác. Tôi tự biến đổi được.

- Xin cảm ơn anh!

Hồ Hương Giang - Ảnh: Angellittlefire