- Đạo diễn 34 tuổi Cường Ngô chia sẻ những điều riêng tư thúc đẩy anh làm bộ phim đầu tay ca ngợi người phụ nữ Việt Nam.


Trước ngày ra rạp 8/3, bộ phim kín tiếng “Ngọc viễn đông” dội về dòng thời sự điện ảnh trong nước bằng một tin tức đến từ Mỹ. Tại lễ trao giải lần thứ 14 của Liên hoan phim độc lập California diễn ra vào tối ngày 11/02/2012 tại San Francisco, phim nhận được hai giải thưởng dành cho nhạc phim và quay phim. Nhân dịp này, đạo diễn Cường Ngô đã có cuộc trao đổi với VietNamNet.

Đạo diễn Cường Ngô và nữ diễn viên Kiều Chinh

Tác phẩm “khó khăn và hão huyền”

- Một bộ phim ca ngợi người phụ nữ Việt ra mắt khán giả vào ngày tôn vinh phụ nữ. Bản thân bộ phim và sự kiện công chiếu có ý nghĩa gì với anh?

- Phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho những người làm nghệ thuật, tôi không phải là một ngoại lệ. Điều này xuất phát từ gia đình. Lúc tôi chín tuổi, bố tôi đột ngột qua đời, để lại cho mẹ tôi một gánh nặng gia đình. Em gái tôi lúc đó còn rất bé. Mẹ tôi đã làm việc rất nhiều để lo cho chúng tôi được đến trường.

Sự hi sinh cho gia đình của mẹ tôi, chúng tôi đã được thấy mỗi ngày, từ lúc còn nhỏ cho đến bây giờ. Tôi tin rằng mẹ tôi cũng có những ước mơ riêng, nhưng bà ấy đã cất giữ những điều đó cho riêng mình, tất cả vì gia đình. Có lẽ phụ nữ ở đâu trên thế giới cũng đặt gia đình là mục tiêu chính trong cuộc sống của họ.

Bộ phim chờ đến ngày 8/3 mới trình chiếu vì một điều đặc biệt: nó được làm bằng trái tim của cả đoàn phim…Chúng tôi đã đi xuyên đất nước để chọn ra những bối cảnh đặc sắc nhất, phù hợp với văn hóa vùng miền và con người mà câu chuyện miêu tả. Chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn thực tế để đưa được tác phẩm đến với khán giả. Vì bản thân tác phẩm này là một sự hão huyền không mang tính thương mại. Một bộ phim thuần túy cho những ai thực sự yêu nghệ thuật, đất nước và con người Việt Nam. Xem bộ phim, tôi tin bạn sẽ yêu hơn và luôn hãnh diện để nói lên rằng: Tôi là người Việt Nam và đây là sản phẩm điện ảnh của chúng tôi.

Ngô Thanh Vân – vai người em gái trong chương “Trăng huyết” của bộ phim

- Bảy câu chuyện ngắn gộp lại trong một phim truyện dài hơn 100 phút. Chúng có chung chia sẻ nào với khán giả? Và anh sẽ dẫn dắt, kết nối chúng thế nào?

- Bảy câu chuyện cũng giống từng chương của đời người, một góc nhìn đời sống, từng hơi thở của mỗi ngày. Tôi cố gắng kể chúng như những bài thơ tiếp nối nhau ghép lại bức tranh cuộc đời. Mỗi câu chuyện mang ý nghĩa riêng. Có người sẽ thích câu chuyện này và không thích câu chuyện kia, như chúng ta vẫn thích hoặc không thích những giai đoạn nào đó của đời mình.

Dù là những câu chuyện độc lập, nhưng khi nhìn thấu bên trong, tôi mong bạn sẽ thấy chúng được liên kết với nhau qua thế giới nội tâm của nhân vật cùng cách họ định nghĩa về tình yêu. Tình yêu được nhìn qua những lăng kính khác nhau, có tình nồng nhiệt của tuổi trẻ, tình tuyệt vọng, tình không thể chạm tới, tình không được đền đáp và tình cho đi tuyệt đối…

Tôi không áp đặt tư tưởng gì trong tác phẩm, mà để khán giả tự ráp nối và đúc kết lại cho riêng mình. Phim cũng rất ít lời thoại, cử chỉ, hành động của nhân vật sẽ là “lời” dẫn chuyện. Đặc biệt, tôi sử dụng âm nhạc giao hưởng, được chơi bởi dàn nhạc gồm 80 nhạc công, như một ngôn ngữ nội tâm của các nhân vật, giúp vượt qua rào cản để khán giả khắp nơi trên thế giới đều có thể hiểu.

“Không ai bắt nhốt ước mơ của bạn”

Phim của anh góp mặt nhiều nữ diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Việt như Kiều Chinh, Như Quỳnh, Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh. Làm thế nào anh thuyết phục được họ tham gia vào phim truyện đầu tay và được làm với kinh phí độc lập của anh?

Không những tôi may mắn được làm việc với các mỹ nhân của điện ảnh Việt và nhiều diễn viên chuyên nghiệp, mà còn với hai nhà soạn nhạc danh tiếng là Alexina Louie va Alex Pauk. Lời thuyết phục có lẽ là ở thành phần đoàn làm phim của tôi gồm những người trẻ rất nhiệt huyết và đam mê, coi điện ảnh như một người tình và khát khao có những tác phẩm hay đến với mọi người.

“Ngọc viễn đông” ghi hình nhiều thắng cảnh đẹp của VN”

- Anh tin ở tài năng của họ hay mong chờ họ đem lại giá trị thương mại cho bộ phim?

- Tôi tin vào họ vì họ là những người hợp với nhân vật mà tôi muốn kể. Tôi thấy được tác phong làm việc chuyên nghiệp của họ thông qua sự đầu tư thời gian và năng lượng sáng tạo rất cao. Bạn chẳng phải lo lắng chuyện họ chạy “show” hay trễ giờ. Một ngày làm việc 12 tiếng đồng hồ, họ cũng không bao giờ than vãn và hôm sau có mặt tại trường quay trong một gương mặt tươi khỏe.

- Có rất nhiều người ước mơ làm phim nhưng cơ hội không đến với tất cả. Anh suy nghĩ gì về cơ hội mà mình đã có, và kỳ vọng gì ở con đường phía trước?

- Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Không ai bán, không ai mua cũng không ai bắt nhốt ước mơ của bạn cả. Tôi cứ theo đuổi ước mơ của mình. Cũng giống như bạn yêu ai, bạn sẽ không quan niệm về thời gian là bao lâu. Tôi bước vào sân khấu – điện ảnh từ năm 16 tuổi và bây giờ đang ở tuổi 34, có lẽ người trong nghề đều thấy tôi chưa bao giờ thôi nhiệt huyết với nó cả.

Tôi không từ chối việc gì liên quan đến điện ảnh chỉ để được học và sống với nghề. Để đội lên đầu “chiếc nón” đạo diễn, tôi thật sự trải qua nhiều kinh nghiệm, biết cách lắng nghe và học được những bài học cho riêng mình. Tất cả trở thành tài sản quý giá cho cuộc đời nghệ thuật của tôi.

Hiện tôi rất muốn được làm việc với những tác phẩm văn học của VN hoặc những kịch bản dựa trên câu chuyện có thật. Tôi muốn văn học và điện ảnh Việt là một cuộc hôn phối lãng mạn, đưa những câu chuyện nhân văn đến với khán giả trong nước và thế giới. Tôi cũng mong khán giả tiếp tục ủng hộ bộ phim của tôi nói riêng và điện ảnh Việt nói chung để những người làm phim có điều kiện học hỏi và vươn lên

- Xin cảm ơn anh!

Sinh năm 1978 tại TP.HCM, đạo diễn Cường Ngô đã tốt nghiệp trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TP.HCM năm 2002 trước khi có bằng đại học về sản xuất phim ở trường Đại học York, Toronto, Canada vào năm 2009. Anh từng đạo diễn nhiều phim ngắn, phim tài liệu và video nghệ thuật như “Oops!”, “The White Day”,  “Dana”,  “Visual Poetry”, “The Hitchhiker Project”…

 
  • Minh Chánh (thực hiện)