- ....Khi mẹ vào trong kho lấy gạo để nấu cơm tối, cái ống bơ đong gạo chạm xuống tận đáy vại, trời ơi, lúc đó lòng mẹ chùng xuống, mẹ nghĩ không biết phải lấy gì cho các con ăn vào ngày mai đây?

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
“Lolita” – Sự nhảy múa của ngôn ngữ
"Lolita" - Sự nguy hiểm ẩn sau vẻ đẹp
"Những bài ca yêu đương" của Olga Berggolts

"Cái xấu dễ hơn cái đẹp, cái dở dễ hơn cái hay"

"Nhậu" Nguyễn Ngọc Tư


Một trong những thông tin gây chú ý trong tuần qua trên báo chí Việt Nam là câu chuyện về một anh con trai 46 tuổi thường xuyên đánh đập người mẹ 74 tuổi của mình, xảy ra tại thôn An Khang, xã Yên Thạch, Vĩnh Phúc. Chuyên mục Đọc chậm cuối tuần này xin được đăng tải một trích đoạn trong tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” (Please Look After Mom) (nhà văn Shin Kyung Sook) với sự đồng ý của Nhã Nam – đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt. Dịch giả Lê Hiệp Lâm, Nguyễn Lê dịch từ bản gốc tiếng Hàn Quốc.

Tác phẩm tuyệt vời này đã xuất hiện như một điểm sáng chói của văn học Hàn Quốc năm 2009. Không chỉ thành công về mặt thị trường khi bán được hàng triệu bản, tác phẩm còn được giới phê bình đánh giá cao, nổi tiếng vang xa khắp các nước châu Á,  được xuất bản tại 19 nước. "Hãy chăm sóc mẹ" của Shin Kyung Sook vừa chiến thắng giải thưởng văn học Châu Á (Man Asian), công bố ngày 15/3 tại Hong Kong.


“Hãy chăm sóc mẹ” (Please Look After Mom)

****

“Mẹ ơi, mẹ có thích ở trong bếp không?” Khi cô hỏi câu này lần đầu tiên, mẹ chẳng hiểu ý cô là gì.

“Hồi xưa mẹ có thích ở dưới bếp không? Mẹ có thích nấu nướng không?"

Mẹ nhìn cô chằm chằm. “Mẹ không nghĩ tới chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi còn đi học. Làm sao mà ta có thể chỉ làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta thích hay không.” Mẹ nhìn cô với vẻ như muốn hỏi, "Sao con lại hỏi vậy?, và lẩm bẩm, “Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?”

“Thế thì, sao chứ ạ, mẹ thích hay không?”

Mẹ đưa mắt xung quanh như định nói điều gì bí mật với cô, rồi cất tiếng thì thầm, ”Nhiều lần mẹ đập bể nắp chum”
 
“Mẹ đã đập bể nắp chum sao?”

“Mẹ không thấy điểm kết thúc. Ít nhất là với công việc đồng áng, khi gieo hạt vào mùa xuân thì ta đươc thu hoạch vào mùa thu. Ở chỗ gieo hạt rau chân vịt sẽ mọc lên cây rau chân vịt, ở chỗ tra hạt ngô sẽ mọc lên cây ngô… Còn công việc bếp núc thì không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Ta ăn sáng ăn trưa rồi ăn tối rồi khi trời sáng thì lại ăn sáng… Sẽ tốt hơn nhiều nếu mẹ có thể thay đổi món ăn thường xuyên, nhưng bởi vì vẫn là những thứ rau dưa trồng ngoài đồng ruộng cả nên mẹ lúc nào cũng làm đi làm lại ngần ấy món. Khi cứ làm thế hết lần này tới lần khác, sẽ có lúc ta thực sự thấy ngán ngẩm. Mỗi lúc cảm thấy căn bếp như nhà tù, mẹ lại đi ra sân sau nhặt cái nắp chum nào sứt sẹo nhất lên rồi dùng hết sức ném bộp vào tường. Chị gái bố con không hề biết mẹ làm thế. Nếu mà biết chắc bác ấy sẽ cho rằng mẹ là người điên khi cứ đập nắp chum lung tung như vậy.”

Mẹ cô còn kể rằng vài hôm sau mẹ lại mua cái nắp mới để đậy chum lại. “Mẹ đã tiêu tiền hơi lãng phí. Khi đi mua nắp mới mẹ thấy thật phí phạm và tiếc đứt ruột, nhưng mẹ chẳng thể nào ngừng lại được. Tiếng vỡ của cái nắp chum đã trở thành liều thuốc cho mẹ. Mẹ cảm thấy như được tự do.” Bỗng nhiên mẹ đặt ngón trỏ lên môi rồi suỵt nhẹ như thể sợ ai nghe thấy. “Đây là lần đầu tiên mẹ kể chuyện này ra đấy!” Nét tinh nghịch và nụ cười bí ẩn thoáng hiện trên gương mặt mẹ. “ Khi nào không thích nấu nướng thì con nên thử ném một cái đĩa. Dù có nghĩ, ôi, sao mà tiếc thế, con sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Nhưng vì chưa có gia đình nên dù sao con cũng chẳng cảm thấy như thế đâu.”

Mẹ cô chỉ ngồi thở dài. “Dù sao mẹ cũng rất mừng khi các con đều đã trưởng thành. Cho dù bận rộn tới mức không có thời gian để sửa lại cái khăn đội đầu nhưng khi nhìn cảnh các con ngồi quây quần bên bàn ăn uống say sưa, đũa bát va cả vào nhau trong khi ăn, mẹ cảm thấy không cần bất cứ điều gì trên thế gian này nữa. Tất cả các con đều dễ nuôi. Các con ăn rất ngon lành mặc dù mẹ chỉ nấu một nồi canh đạm bạc chỉ bí ngô với đậu, còn nếu lâu lâu mẹ hấp cá 1 lần thì mặt mũi đứa nào đứa nấy tươi tắn hẳn lên…

Các con đều ăn rất khỏe nên giai đoạn các con phát triển nhiều khi mẹ thấy rất lo. Nếu có luộc một nồi khoai tây to để các con ăn tạm sau khi tan trường thì chắc chắn lúc mẹ về đã thấy cái nồi hết veo. Quả thật, có những thời gian gạo trong vại hôm trước hôm sau đã vơi đi trông thấy, thậm chí có khi vại gạo hết sạch. Khi mẹ vào trong kho lấy gạo để nấu cơm tối, cái ống bơ đong gạo chạm xuống tận đáy vại, trời ơi, lúc đó lòng mẹ chùng xuống, mẹ nghĩ không biết phải lấy gì cho các con ăn vào ngày mai đây. Thế nên trong những ngày đó chuyện mẹ thích hay không thích làm bếp chẳng còn gì quan trọng nữa.

Nếu được nấu một nồi cơm to và một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con. Giờ có lẽ các con thậm chí không thể hình dung được điều đó, nhưng vào thời điểm ấy chúng ta thực sự luôn lo sợ hết lương thực. Nhà ai cũng thế cả. Việc quan trọng nhất lúc ấy là ăn để tồn tại. ” Mẹ mỉm cười nói với cô rằng đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời mẹ.

  • Vân Sam