- Joe Ruelle (người được biết đến với cái tên Dâu Tây), một trong những tác giả có sách được xếp vào hàng bán chạy với hai cuốn Tớ là Joe và Ngược Chiều Vun Vút giúp độc giả hình dung được giá trị thực của từ bestseller ở Việt Nam. 

Cuốn sách thứ 2 của Joe dù đã ra mắt cách đây 4 tháng nhưng vẫn đang thuộc top best-seller.
Nhuận bút mỗi cuốn sách chỉ bằng cốc trà đá!
- Hai cuốn sách anh từng xuất bản là Tớ là Joe và mới đây là Ngược chiều vun vút đều đã và đang lọt vào danh sách best-seller. Xin hỏi, anh có sống tốt bằng công việc viết sách không?

- Trái tim sống tốt!
- Cụ thể, anh kiếm được bao nhiêu tiền từ cuốn Tớ là Joe? Đến thời điểm này, anh nhận được bao nhiêu tiền từ cuốn Ngược chiều vun vút?
- Theo con số công khai thì Tớ Là Dâu bán khoảng 30.000 cuốn tính từ năm 2007, còn Ngược Chiều Vun Vút bán khoảng 20.000 cuốn tính từ đầu năm. Tớ Là Dâu có giá rất rẻ, nhuận bút mỗi cuốn bằng cốc trà đá; còn Ngược Chiều Vun Vút có giá vừa phải, nhuận bút bằng lon Coca. Tổng cộng thời gian đầu tư cho cả 2 quyển là 2 năm "full-time", thực tế là 7 năm part-time vì tôi có nhiều việc khác.
Xét về mặt thu nhập thì công việc viết sách là công việc rất phụ. Chia số tiền nhuận bút bằng thời gian đầu tư thì thu nhập trung bình hàng tháng của tôi lấy từ việc viết sách là khoảng 9 triệu đồng, gần bằng thu nhập trung bình của một người lao động sản xuất kinh doanh điện.
Tính riêng cuốn Ngược Chiều Vun Vút thì có thể sẽ lên đến khoảng 15 triệu/tháng cho cả năm 2012, với điều kiện sách tiếp tục bán chạy. Tôi nghĩ chừng đó đủ để mọi người hình dung được giá trị thực của từ bestseller ở Việt Nam. 
Sẽ có người bảo thấp, sẽ có người bảo được. Phải nói tôi là tác giả may mắn được có 2 cuốn “bestseller”. Tôi tình cờ gặp thời trên blog lúc blog mới gây sốt. Khách quan mà nói, mỗi năm có ít sách văn học Việt Nam bán chính thức hơn 20.000 cuốn.
Thỉnh thoảng có sách bán rất chạy, nhưng với các công ty sách thì sách bán 5000 cuốn được gọi là “hit”, đặc biệt khi thị trường đang buồn như thế này. Có nhiều sách nội dung vô cùng hay, tác giả hàng đầu, nhưng chưa bán được 1000 cuốn.  
Nếu thu nhập của một tác giả “bestseller” có thể so sánh với thu nhập của một người lao động sản xuất kinh doanh điện thì thu nhập của nhiều các tác giả “goodseller” - tính từ việc viết sách - có thể so sánh với thu nhập của một người làm ruộng. Có khi làm ruộng còn hơn.
Dù đó là so sánh khập khiễng và phân biệt nhưng có một sự thật khó tránh là muốn nền văn học của Việt Nam phát triển thì người làm ruộng phải có nguyên nhân thực tế thuyết phục để bỏ cuốc, cầm bút.
Tiên mua iphone thì được nhưng để mua sách? Cái đó phải suy nghĩ!

"Tớ là Dâu", cuốn sách đầu tiên của Joe đã bán được khoảng 30.000 bản.
- Không biết anh dành bao nhiêu thời gian cho mỗi cuốn sách đã xuất bản và anh nghĩ thù lao mà anh nhận được có tương xứng với công sức mình bỏ ra không? nếu so sánh với chuyện đi dịch hay viết báo?
- Tôi viết chậm lắm. Thứ nhất, tôi viết bằng ngôn ngữ thứ hai. Thứ hai, tôi viết đi viết lại nhiều lần, không có khả năng sáng tác một mạch. Thứ ba, ngoài thời gian ngồi viết thì có thời gian phát triển ý tưởng, thời gian nghiên cứu, thời gian đi phỏng vấn, thời gian biên tập, thời gian vứt vài bản thảo vào thùng rác, thời gian thiết kế sách, thời gian tham gia sự kiện, thời gian làm marketing…
Nói cuốn Ngược Chiều Vun Vút mất một năm “fulltime” để thực hiện là nói lạc quan. Có thể là hơn nhiều. Tất nhiên thù lao không xứng đáng nhưng sự yêu mến của công chúng thì hơn cả xứng đáng rồi.  
So sánh với việc viết báo thì tùy trường hợp. Hồi viết bài hàng tuần cho Dân Trí thì tôi nhận khoảng 150.000 VNĐ cho mỗi bài. Đó là mức trung bình ở Việt Nam, ngân sách báo online chỉ có thế. Tuy nhiên nói về thị trường thế giới thì người viết bài hàng tuần cho báo lớn có thể sống khỏe.
Tôi may mắn được có cuốn bestseller, có thu nhập ở Việt Nam khác nhờ kinh nghiệm và thương hiệu, có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ có thể tham gia thị trường bên ngoài. Có nhiều tác giả Việt Nam không nhiều cơ hội như tôi nên nỗ lực của họ mới thật sự là nỗ lực của người sống chết vì văn chương.
- Thông thường người ta nghĩ rằng tác giả của các cuốn sách bán chạy thì chắc giàu lắm, kiếm tiền ổn lắm, với anh thì sao?
- Người ta cũng hay nghĩ mấy ông Tây ở Việt Nam chắc giàu lắm, nên thu nhập của tôi bị bơm lên từ 2 lỗ. Thị trường sách của Việt Nam phát triển chậm so với nền kinh tế chung. Việt Nam có 90 triệu dân, nhưng người mua sách là bộ phận nhỏ của dân Hà Nội, Sài Gòn. Ví dụ, tỉnh Thanh Hóa có 3,5 triệu dân nhưng có nhiều cuốn “bestseller” cả tỉnh không có chỗ nào bán.
Các tỉnh có nhiều người nghèo, cũng có nhiều người có tiền; họ sẵn sàng bỏ ra 100.000 để có một bữa ăn ngon, nhưng hoàn toàn không sẵn sàng bỏ ra 50.000 để có một cuốn sách hay. Kể cả Hà Nội và Sài Gòn có nhiều người cũng nghĩ vậy. Nhưng đó là quyền của họ, các tác giả Việt Nam chúng ta phải chấp nhận và cố gắng - và đương nhiên phải cảm ơn những người đã dám bỏ tiền ra mua sách.
Ở đây phải có sự so sánh với nước ngoài. Thống kê chính về việc mua sách chưa có, nhưng theo tôi phân tích thì cứ 100 người Anh mua sách văn học chắc chỉ một vài người Việt Nam mới mua. Ví dụ, một quyển “hot” cỡ Cánh đồng bất tận sẽ bán khoảng 1,200,000 cuốn trong năm đầu tiên, trong khi ở Việt Nam chỉ bán khoảng 35.000 cuốn, chưa tính sách lậu.
Mà dân số của Anh gần bằng 2/3 dân số của Việt Nam. Nhiều người sẽ nói không nên so sánh với nước Anh vì dân Việt Nam không có điều kiện mua sách như dân Anh. Thế nhưng... Ở Việt Nam, một quyển sách có giá vừa phải sẽ bán khoảng 2,4 đô la (chừng 50.000VNĐ), còn ở Anh thì là 20 đô la (trên 400.000VNĐ)/ Tiếp theo, GDP/người ở Việt Nam là 3300 đô la (khoảng 70 triệu đồng), còn ở Anh là 35.000 đô la (trên 700 triệu đồng). Không cần giỏi toán mới biết 2 tỷ lệ không chênh nhau nhiều.
GDP chưa phải là tiền túi của dân và có nhiều con số khác phải tính nhưng khó có thể nói sách là “kim cương” so với dân Việt Nam. Có yếu tố kinh tế, nhưng rõ ràng có thêm yếu tố văn hóa lớn. Tiêu tiền ăn lẩu thì được, hát karaoke thì được, đi taxi thì được, xài iphone thì được, chơi ô-tô thì được nhưng để mua sách? Cái đó phải suy nghĩ!    
Chấp nhận sách lậu có thể bán nhiều hơn sách thật
- Nhiều nhà văn cho hay dù sách của họ bán có chạy, được tái bản nhiều lần thì họ cũng không được NXB thông báo và cũng không được hưởng phần trăm lợi nhuận từ số sách được tái bản, anh có thấy điều này vô lý không và anh đã từng bị rơi vào trường hợp này, với cuốn Tớ là Joe?
- Chuyện này nhạy cảm lắm. Có nhiều ngã tư mà các con số có thể gặp tai nạn. Có công ty sách này, nhà xuất bản này, nhà in này, hệ thống phát hành này… Biết đâu nhà in “tranh thủ” in thêm, không nói gì với công ty sách? Biết đâu người pha trà ở nhà xuất bản bí mật bán PDF cho người pha trà ở công ty in lậu? Biết đâu tất cả kết hợp với nhau để "chơi" tác giả? 
Vừa rồi tôi tham gia Hội sách ở Sài Gòn. Ngày cuối tôi đọc bài báo về doanh thu và số lượng sách được bán ra từ các công ty và nhà xuất bản tham gia. Tôi thấy các con số rất ảo, là mấy chiếc Rolls Royce của công ty Bianfishco. Áp lực thể hiện cộng với hệ thống theo dõi không minh bạch dẫn đến trường hợp ai thích con số gì thì nói con số đó.  
Cuốn Ngược Chiều Vun Vút tôi hợp tác với công ty Nhã Nam. Tôi nghiên cứu kỹ và thấy họ rất trung thực với các con số này. Cuốn Tớ Là Dâu tôi hợp tác với NXB Kim Đồng, nhờ quan hệ cá nhân nên tôi thấy yên tâm. Nhưng ở Việt Nam có nhiều công ty sách, nhiều nhà xuất bản và nhiều cái bẫy. Còn đó chỉ là sách “xám”.
Hợp tác với công ty nào thì tác giả cũng phải tính chuyện sách lậu – phải chấp nhận mất một phần thu nhập, chấp nhận sách lậu có thể bán nhiều hơn sách thật. Không chấp nhận thì ngủ không ngon! 

"Có nhiều tác giả Việt Nam không nhiều cơ hội như tôi nên nỗ lực của họ mới thật sự là nỗ lực của người sống chết vì văn chương".
Hạnh Phương