- Hàng ngày, có rất nhiều cơ hội để mỗi người chứng minh bản chất tốt của mình. Nhớ mỉm cười. Nhớ giúp đỡ. Ở các cửa hàng, ở trường học, ở khu phố, ở bất kỳ đâu. Và luôn tự “dọn dẹp” những gì mình bày ra.

Không ai mất mát được điều gì chỉ vì họ lịch sự. Đó là niềm vui ít tốn kém nhất, thực ra là chẳng tốn của bạn cái gì, mà lại mang nhiều ý nghĩa. Nó làm hài lòng cả người cho đi lẫn người nhận lại, và do đó, giống như lòng nhân từ, nó đem lại hạnh phúc gấp đôi

(Erastus Wiman)


Bằng chứng là, mỗi khi có động đất hay bão hay bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào xảy ra ở những nơi mà chúng ta thậm chí còn chưa hề đặt chân tới, chúng ta cũng sẵn sàng và nhanh chóng quyên góp cho các tổ chức có thể giúp đỡ người dân ở đó. Khi chúng ta nghe nói đến nạn nhân của những vụ hỏa hoạn hay bệnh tật hay đói nghèo, chúng ta đều muốn dành chút thời gian, tiền bạc, đồ dùng hoặc những lời động viên cho họ.

Chúng ta còn tổ chức những buổi đấu giá, bán đồ cũ hay nhiều hình thức khác để thể hiện lòng nhân hậu bằng hành động, cho dù chúng ta có thực sự quen biết những người đó hay không. Bản chất tốt của chúng ta thực sự được phát huy và chúng ta làm tất cả những gì mình có thể để giúp người khác.

Người dân Nhật Bản tưởng niệm 1 năm thảm họa khép


Thế nhưng trong những việc nho nhỏ, tại sao đôi khi chúng ta lại quên mất mà không giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn cho người khác?

Mỗi lần đi siêu thị, mẹ luôn nhắc tôi phải để giỏ hoặc xe đẩy đựng hàng gọn vào đúng chỗ sau khi tính tiền xong. Mẹ bảo rằng chỉ một việc rất nhỏ là để cái giỏ hay cái xe vào đúng góc của nó, thì người có trách nhiệm cất giỏ hoặc xe cũng sẽ bớt đi một việc, và một ngày của họ sẽ đỡ mệt hơn, và cái xe sẽ không ngáng đường những người khách khác nếu chưa có nhân viên nào kịp cất nó đi.

Mẹ dặn tôi rằng khi nhìn thấy quần áo hay những món đồ khác bị rơi trên sàn cửa hàng, tôi nên dành ra vài giây để nhặt nó lên. Rằng nếu tôi thử 10 chiếc áo rồi chỉ mua 1, thì đừng để 9 bộ còn lại bị treo trong phòng thử đồ, mà hãy mang nó ra ngoài và đưa cho nhân viên để họ cất vào đúng chỗ.

Mẹ bảo rằng chỉ một việc rất nhỏ là để cái giỏ hay cái xe vào đúng góc của nó, thì người có trách nhiệm cất giỏ hoặc xe cũng sẽ bớt đi một việc, và một ngày của họ sẽ đỡ mệt hơn...

Có lần, ở trong siêu thị, tôi và mẹ nhìn thấy một hộp kem của ai đó được để ở quầy thực phẩm khô. Thực tế có thể là ai đó đã quyết định rằng mình không mua hộp kem nữa, nhưng lại ngại quay ra quầy đông lạnh, nên đã tiện tay để nó ở đấy. Thế là hộp kem chảy ướt cả giá để hàng. Mẹ tôi phải gọi nhân viên siêu thị tới để họ lau khô cái giá. Đôi khi, chúng ta còn không biết tự dọn những gì chính mình bày ra như thế đấy.

Nhưng mẹ vẫn bảo tôi rằng đó không phải vì chúng ta là người xấu. Chúng ta không phải là người xấu. Tôi đã được mẹ thuyết phục như vậy.

Hàng ngày, có rất nhiều cơ hội để mỗi người chứng minh bản chất tốt của mình.

Nói cảm ơn với những người phục vụ mình. Tất cả những người đó. Những nhân viên bán hàng, những người bảo vệ, những người quét đường, các bác sĩ, y tá, và những người khác, bao gồm cả những người phải dọn dẹp sau chúng ta khi chúng ta không tự làm việc đó.

Giúp xếp những món đồ mình đã mua vào túi, đặc biệt khi còn nhiều người xếp hàng đằng sau. Tặng người khác thứ gì đó khi mình có thể. Một lần, tôi vào cửa hàng mua loại nước chanh đóng chai mới quảng cáo. Tôi nhớ rằng bác bảo vệ ở chung cư có lần nói rằng bác ấy cũng muốn thử loại nước chanh này. Tôi có hai chai nên đưa cho bác ấy một chai. Tôi không chắc rằng chai nước đó có khiến một ngày của bác ấy trở nên tốt đẹp không, nhưng nó chắc chắn đã khiến một ngày của tôi trở nên đáng nhớ.

Khen ngợi người khác khi họ làm tốt công việc của họ, hoặc phục vụ tốt. Và nếu bạn thấy dịch vụ của họ chưa đủ tốt, hãy tỏ ra tử tế khi góp ý với họ, và thông cảm với họ vì bất kỳ điều gì có thể đang ảnh hưởng đến họ ngày hôm đó. Có thể lỗi không nằm ở người đứng trước mặt bạn, mà cho dù là đúng như vậy, thì bạn cũng đừng quên câu nói: “Hãy luôn luôn tử tế, vì mỗi người bạn gặp đều đang chiến đấu trong một trận chiến nào đó”.



Nếu có thời gian, bạn hãy hỏi thăm những người bạn gặp. Nếu không, bạn cứ đi. Nhưng nhớ mỉm cười. Nhớ giúp đỡ. Ở các cửa hàng, ở trường học, ở khu phố, ở bất kỳ đâu.

Và luôn tự “dọn dẹp” những gì mình bày ra.

Như mẹ tôi vẫn luôn nhắc một câu nhiều ý nghĩa: nhớ để giỏ hàng siêu thị lại vào đúng chỗ của nó.

Beth Fryer
Thục Hân (dịch)
Vân Sam (chọn)