- "... Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh." - Albert Einstein.

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
“Lolita” – Sự nhảy múa của ngôn ngữ
"Cái xấu dễ hơn cái đẹp, cái dở dễ hơn cái hay"


Không có nhiều, hay có thể nói là rất ít những cuốn sách được xuất bản có nội dung về Albert Einstein được viết ra bởi chính ông. Đó thường là những quan niệm, ý thức và cảm xúc của những cây bút chứng kiến những thành tựu, quá trình và đức tính của nhà khoa học vĩ đại này, từ đó muốn kể lại chúng dưới góc nhìn riêng của họ. "Thế giới như tôi thấy" tập hợp những suy ngẫm về cuộc sống do chính tay Einstein viết và trao đổi với con người ở thời kì ông sống. Đây là một tư liệu quý giá để các thế hệ sau có cái nhìn trực diện và gần gũi nhất, để tìm hiểu về ông.

Chỉ vỏn vẹn hơn 200 trang, nhưng cuốn sách "Thế giới như tôi thấy" là một trong những đầu sách quan trọng và được nhiều người tìm đọc. Cuốn sách này được Einstein công bố lần đầu năm 1931 tại Đức, khi ông 52 tuổi. Năm 1955, sách được tái bản ở Mỹ có bổ sung thêm nhiều bài viết mới. Từ đó đến nay, nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành một trong những cuốn sách "kinh điển". Tại Việt Nam, sách được tái bản lần thứ 4, cũng đã chứng tỏ sức cuốn hút của nó đối với độc giả.

Einstein tin tưởng rằng: "Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng, nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt, hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và nhưng nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình, cũng như với cộng đồng".

Thế giới tinh thần của Einstein không phải là một điều bí ẩn như Thuyết tương đối của ông. Là người đơn giản và chân thành hiếm có, Einstein thực sự không quan tâm tới tiền bạc, danh tiếng. Ông cũng không phải là một người xa lánh xã hội, quay lưng lại với những đau khổ hay biến động của thế giới. Trái lại, ông dấn thân tích cực vào các vấn đề của xã hội, khi ông hiểu tiếng nói hay ảnh hưởng của mình có thể khắc phục một sai lầm nào đó. Einstein không đòi hỏi gì từ cuộc đời ngoài tự do để theo đuổi việc nghiên cứu về cơ cấu của vũ trụ. Ông tin tưởng vào nhân tính, vào một thế giới hòa bình nơi những con người biết tương trợ nhau, và ông tin tưởng vào nhiệm vụ cao cả của khoa học.


Albert Einstein với cây guitar điện

Dưới đây là trích đoạn "Thế giới như tôi thấy"  với sự đồng ý của NXB Tri Thức – đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt. Dịch giả Đinh Bá Anh dịch từ bản gốc tiếng Đức.

***

Tình cảnh của những đứa con trái đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng: ta đến đây vì người khác - trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông.

Mỗi ngày tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm của tôi là dựa trên lao động của những người hiện tại và cả những người đã chết, rằng tôi phải nỗ lực để trao lại tương xứng với những gì tôi đã nhận được và còn nhận được. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và thường cảm thấy dằn vặt, rằng mình đòi hỏi nhiều hơn mức cần thiết từ lao động của đồng loại. Tôi thấy sự khác biệt về giai cấp xã hội là không thể biện minh được và rốt cuộc là do dựa trên bạo lực. Tôi cũng tin rằng, một đời sống bên ngoài giản dị và không cầu kỳ là tốt cho mọi người, tốt cho cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tôi tuyệt không tin vào tự do của con người theo nghĩa triết học. Mỗi người không chỉ hành động vì sự thúc ép ngoại cảnh mà còn theo đòi hỏi nội tâm. Câu nói của Schopenhauer: "Con người tuy có thể làm những gì mình muốn nhưng không thể cứ muốn [chạy theo] những gì mình muốn." đã hằng sống theo tôi từ thời trẻ và luôn là nguồn an ủi với tôi trong những lúc đối mặt và chịu đựng sự khắc nghiệt của cuộc đời và là nguồn suối vô tận của lòng khoan dung. Cảm nhận đó đã làm vơi đi biết bao gánh nặng trách nhiệm vốn dễ khiến ta suy sụp; nó giúp ta không quá khắt khe với chính mình và người khác; nó dẫn đến một cách nhìn cuộc sống mà ở đó, nhất là sự hài hước cũng có chỗ đứng của nó.

Từ góc nhìn khách quan, câu hỏi về ý nghĩa hoặc mục đích tồn tại của mình cũng như của các sinh thể nói chung luôn có vẻ vô nghĩa đối với tôi. Nhưng mặt khác, mỗi người đều có những lý tưởng nhất định làm kim chỉ nam cho nỗ lực và sự phán xét của mình. Theo nghĩa này, sự thỏa mãn và yên ấm chưa bao giờ là mục đích tự thân của tôi (tôi gọi nền tảng luân lý này là lý tưởng của bầy lợn). Lý tưởng của tôi, lý tưởng soi đường và luôn làm dâng đầy trong tôi niềm cảm khái yêu đời, là Thiện, Mỹ và Chân. Không có cảm nhận về sự đồng điệu với những người cùng chí hướng, không có sự đau đáu với cái khách quan, với cái mãi mãi không vươn tới được trong lĩnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, thì cuộc sống với tôi thật trống rỗng. Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh.

Ý thức nhiệt thành của tôi về công bằng xã hội và trách nhiệm xã hội luôn đối nghịch một cách cố hữu với việc tôi không có nhu cầu trực tiếp gắn kết với những cá nhân và tập thể. Tôi đích thực là một kẻ "thu mình", kẻ chưa bao giờ hoàn toàn thuộc về nhà nước, quê hương, bạn bè, vâng, ngay cả gia đình thân thiết của mình cũng vậy; đối với tất cả những mối quan hệ ấy, tôi luôn có cảm giác xa lạ khôn dứt và nhu cầu được cô đơn; cảm giác đó càng tăng theo tuổi tác. Người ta cảm nhận được, một cách rõ nét nhưng không ân hận, về ranh giới của sự đồng cảm và hòa hợp với người khác. Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên và vô tư, nhưng bù vào đó, anh ta lại luôn độc lập trước những quan điểm, thói quen và sự phán xét của người khác, và không để mình dễ bị chao đảo trên cái nền tảng không lấy gì làm vững chắc đó.

Lý tưởng chính trị của tôi là lý tưởng dân chủ. Mỗi người cần được tôn trọng như một nhân cách và không ai được thần thánh hóa. Thật trớ trêu cho số phận, chính tôi lại nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và trọng thị từ người khác - mà tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm gì nên tội. Điều này có lẽ có nguyên cớ từ mong muốn không được thỏa mãn của nhiều người trong việc muốn hiểu vài ba ý tưởng của tôi, những ý tưởng mà tôi đã tìm được bằng chút sức lực yếu ớt trong cuộc vật lộn không ngừng nghỉ. - Albert Einstein.

Một số hình ảnh về Albert Eistein




Einstein chơi violin và chuẩn bị cho buổi diễn tại trường Princeton, NJ.







  • Vân Sam