Báo chí và giới phê bình bắt đầu gọi tác giả 10 tuổi của "Cuộc chiến hành tinh Phantom" bằng hai tiếng "thần đồng", ngay sau khi cuốn sách ra mắt tháng 11/2011. Thật sự thì cậu bé Nguyễn Bình đã nghĩ gì về danh xưng ấy?... Vẫn là cái nhìn thế giới bằng con mắt tuổi thơ trong trẻo và ngây thơ, nhưng cuộc trò chuyện với Nguyễn Bình thật thú vị và cho người lớn nhiều suy ngẫm.

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
“Lolita” – Sự nhảy múa của ngôn ngữ
"Lolita" - Sự nguy hiểm ẩn sau vẻ đẹp

"Cái xấu dễ hơn cái đẹp, cái dở dễ hơn cái hay"

"Nhậu" Nguyễn Ngọc Tư

"Những bài ca yêu đương" của Olga Berggolts
Nguyễn Bình - tác giả cuốn sách "Cuộc chiến hành tinh Phantom"

Phóng viên (PV): Em vừa viết cuốn truyện “Cuộc chiến hành tinh Phantom”, em có thấy cuộc sống của mình thay đổi?

Nguyễn Bình: Em không có bất cứ sự thay đổi nào. Chính xác thì là chưa thấy.

PV: Em đọc sách từ năm bao nhiêu tuổi?

Nguyễn Bình: Từ năm ba – bốn tuổi.

PV: Những cuốn sách thu hút em nhất ở điều gì?

Nguyễn Bình: Nó có rất nhiều kiến thức về thế giới, về các nền văn minh.

PV: Trẻ con thường thích trò chơi, phim hoạt hình, truyện tranh, thích đi đến những khu vui chơi giải trí.

Nhưng bố em kể rằng khi em được bố đưa vào TP.HCM trong đợt ra mắt cuốn sách, em không xin đến Đầm Sen, đến vườn bách thú, mà lại  xin bố đưa những địa danh văn hóa, địa danh lịch sử để tìm hiểu. Sở thích của em có vẻ hoàn toàn khác những đứa trẻ bình thường.

Đã bao giờ em thích những gì mà trẻ con bình thường thích chưa? Ví dụ như phim hoạt hình chẳng hạn?

Nguyễn Bình: Phim hoạt hình thì em thích nhất phim hoạt hình của Mỹ, sau đó đến hoạt hình của Anh và Pháp. Chỉ 3 nước đó thôi. Truyện tranh thì em chỉ đọc duy nhất Doremon, còn những chuyện khác em ko thích. Em không thích những mô típ  lặp lại quá nhiều trong truyện tranh bây giờ.

PV: Thế Doremon có gì thu hút em?

Nguyễn Bình: Bởi vì nó cho em nhiều những kiến thức: thế giới tương lai trong trí tưởng tượng của tác giả. Doremon giúp em hình dung ra cả đất nước và cuộc sống của người Nhật.

PV: Ông tác giả của cuốn truyện tranh nổi tiếng Doremon tưởng tượng ra nước Nhật trong tương lai là một nước Nhật thế này thế kia… Có bao giờ em tưởng tượng ra Việt Nam mình trong tương lai sẽ thế nào không?

Nguyễn Bình: Em nghĩ việc dự đoán tương lai là của các nhà tiên tri. Không phải của em. Em cũng thấy thật  khó tưởng tượng được tương lai VN sẽ thế nào. Vì tính đến hiện tại, em không thấy cái gì mới cả.

PV: Em bắt đầu tưởng tượng ra câu chuyện “Cuộc chiến hành tinh Phantom” đó như thế nào?

Nguyễn Bình: Em bắt đầu tưởng tượng ra câu chuyện đó từ năm 2010.

PV: Ý tưởng của câu chuyện đó bắt đầu từ đâu?

Nguyễn Bình: Em cũng không rõ nữa. Tự nhiên có một ngày nó xuất hiện trong đầu em thôi. Thế là em bắt đầu cần một cuốn sổ để ghi chép những ý tưởng đó. Sau đó em bắt đầu nghĩ đến việc viết một cuốn sách từ những ghi chép của mình.

PV: Để phục vụ cho cuốn sách đó, em bắt đầu ghi chép những cái gì và tìm kiếm thêm những thông tin gì? Chị hỏi thế bởi chị đọc cuốn sách đó và thấy từng chi tiết trong cuốn sách đó có rất nhiều thông tin?

Nguyễn Bình: Em tìm tất cả những gì em nghĩ ra. Thật may là Internet có hết.

PV: Một nhà thơ, một nhà văn coi mỗi bài thơ, mỗi truyện ngắn với họ như một đứa con tinh thần.  Còn em, em coi nó là gì? Một điều em tâm huyết hay đơn thuần chỉ là một trò chơi của một cậu bé?

Nguyễn Bình: Em chỉ coi nó là một cuốn sổ ghi chép. Đơn giản thế thôi ạ. Một cuốn sổ ghi chép để ghi lại những ý  tưởng, kiến thức của mình, để sau này mình có thể tìm lại khi mình quên đi một điều gì đó. À, chính xác thì em nghĩ như chị nói cũng đúng, có thể coi đó là trò chơi.

PV: Để viết cuốn truyện này, em đã ghi bao nhiêu cuốn sổ?

Nguyễn Bình: “Cuốn sổ” của em là những file word trên máy tính.

PV: Bố em nói em thân thiết với chiếc máy tính và coi nó như một người bạn. Em bắt đầu làm quen với máy tính từ bao giờ?

Nguyễn Bình: Từ hồi ba tuổi.

PV: Em biết chữ từ năm mấy tuổi?

Nguyễn Bình: Từ hồi hai tuổi chị ạ.

PV: Chị từng nghe một câu chuyện về em: từ năm em bốn tuổi, em đã dùng điện thoại nhắn cho bố em một cái tin nhắn mà ai đọc xong cũng cười: “Ông Hòa ơi, ông về thì mua cho tôi một cuốn từ điển Hán – Việt” – chuyện đó đúng chứ?

Nguyễn Bình: Đó là sự thật đấy ạ.

PV: Tại sao em lại thích cuốn từ điển Hán Việt đó?

Nguyễn Bình: Đó là một câu chuyện dài. Theo chị thì em có nên kể không ạ?

PV: Nên chứ.

Nguyễn Bình: Hồi đó chị Ngọc (chị gái đầu của em) vắng mặt ở nhà. Chị ấy đi thực tập ở đâu đó em cũng không nhớ rõ. Em nhớ chị ấy. Trên tường nhà hồi đó có treo một bức thư pháp.

Em mới mày mò xem chữ đó là chữ gì. Em bảo mẹ em lục máy tính thì biết đó là chữ Hán. Em thích cái kiểu chữ Hán, vì em thấy nó lạ lạ hay hay. Nên em đã nhờ bố em mua cuốn từ điển đó.

PV: Chị nghe nói em có thể đọc thông viết thạo chữ Hán. Mà chữ Hán học rất khó. Em học trong bao lâu thì có thể đạt đến trình độ đó?

Nguyễn Bình: Em cũng không nhớ nữa. Nói chung khoảng thời gian đó dài hơn một năm.

PV: Em học nó bằng cách nào?

Nguyễn Bình: Em nhờ bố em mua cuốn từ điển Hán – Việt. Có chữ gì khó thì em tra trong từ điển hoặc search trên máy tính.

PV: Hiện giờ em có thể viết được những ngoại ngữ nào?

Nguyễn Bình: Em cũng chẳng rõ. Em từng nói được tiếng Hán, tiếng Nhật, nhưng giờ em bỏ rồi. Giờ em biết tiếng Anh.

PV: Em có đang học thêm một loại tiếng nào không?

Nguyễn Bình: Em học chữ tượng hình Ai Cập.

PV: Em biết chữ tượng hình Ai Cập trong hoàn cảnh nào? Khi em đi nghiên cứu văn hóa cổ đại Ai Cập?

Nguyễn Bình: Đúng thế ạ.

PV: Bố mẹ em rất kỳ vọng vào em, chị nghĩ như thế không biết có đúng không? Em có bao giờ áp lực về việc sau này mình sẽ phải trở thành người như thế này, thế kia không?

Nguyễn Bình: Em có biết điều đó nhưng em không để ý lắm nên em chẳng có áp lực gì cả.

PV: Trong con mắt của em, thì bố em – một nhà phê bình và bố em - ở vai trò một ông bố thì có gì khác nhau?

Nguyễn Bình: Nhà phê bình thì thường nghiêm túc. Bố em cũng nghiêm túc nhưng trong gia đình, bố em rất hay đùa. Thỉnh thoảng bố em xuyên tạc những bài hát.

PV: Bố em có cuốn “Bàn phím và cây búa”, em đã đọc cuốn sách đó chưa?

Nguyễn Bình: Em chưa đọc. Em không hiểu về báo chí.

PV: Em có bao giờ đọc các tác phẩm văn chương không?

Nguyễn Bình: Tính đến giờ em mới chỉ đọc tiểu thuyết thôi. Từ những ông như Jules Verne (Hai vạn dặm dưới đáy biển), đến Ellison (người vô hình)  một số tác giả người Mỹ và người Anh.

PV: Cảm giác của em thế nào khi mọi người gọi em là thần đồng?

Nguyễn Bình: Em không thích mọi người gọi em là thần đồng.

PV: Nếu em tự giới thiệu chân dung của mình, em sẽ nói gì?

Nguyễn Bình: Em cũng không rõ nữa. Em thấy thật khó để biết mình là người như thế nào và nói cho mọi người biết mình thế nào.

PV: Em nghĩ sao về hai chữ thần đồng?

Nguyễn Bình: Em nghĩ thần đồng là thằng đần. Đấy là sự thật đấy ạ. Em không thích cái từ đó. Em chẳng thích gọi là gì. Chỉ thích được gọi là Nguyễn Bình thôi.

PV: Bố em rất tự hào về những gì em làm được. Nhưng chị biết bố em vẫn có những cái nhắc nhở, uốn nắn, vì bố em sợ việc mọi người ca ngợi nhiều quá sẽ khiến em kiêu ngạo. Khi em viết xong cuốn truyện này, bố em có dặn dò gì không?

Nguyễn Bình: Bố em dặn dò rất nhiều.

PV: Trong những điều bố em dặn dò, em thấy điều gì quan trọng nhất?

Nguyễn Bình: Em cũng không biết ạ.

PV: Một ngày của em, em làm những gì?

Nguyễn Bình: Em viết lách và chơi game.

PV: Em thích game gì?

Nguyễn Bình: Game Angry Bird. Cái game của Mỹ có mấy con chim bắn nhau với mấy con lợn ấy ạ. Chị cứ về search trên google sẽ cho ra một loạt kết quả. Đây, để em search cho chị luôn.

PV: Em có thích chơi các game khác nữa không? Ví dụ những game mà trẻ con bây giờ hay chơi?

Nguyễn Bình: Không ạ. Em không thích các game bạo lực.

PV: Em có tâm đắc với một cuốn sách nào không?

Nguyễn Bình: Không có cuốn nào cả. Tâm đắc nhất của em bây giờ là chó.

PV: Tại sao lại là chó mà không phải là một cuốn sách?

Nguyễn Bình: Bởi vì bây giờ em đang rất thích chó.

PV: Sở thích của em có vẻ thay đổi theo thời gian thì phải. Từ nãy đến giờ chị thấy em đã chuyển từ thích tiếng Hán, sang tiếng Anh, tiếng Nhật và chữ tượng hình Ai Cập. Em thích chó, em có nuôi chó không?

Nguyễn Bình: Em mơ ước nuôi chó nhưng không nuôi được.

PV: Tại sao?

Nguyễn Bình: Em bị hen.

PV: Em có bao giờ để ý đến cuộc sống của mọi người xung quanh?

Nguyễn Bình: Em không quan tâm.

PV: Không quan tâm đến thế giới xung quanh mình, vậy em có quan tâm đến một thế giới nào đó không?

Nguyễn Bình: Nếu là thế giới của những loài chó thì em quan tâm.

PV: Thế giới của chúng có gì thú vị?

Nguyễn Bình: Em thích loài chó vì chúng tinh khôn và trung thành với chủ. Em thích chó vùng cực vì chúng rất đẹp. Chó Tây Tạng là loài chó chiến binh dũng mãnh và cổ xưa. Còn chó Đức thì em thích vì chúng là chó cảnh sát. Chó Anh và chó Pháp thì bé và xinh xắn nên em cũng thích.

PV: Trong tất cả các loài chó đó, em thích loài chó nào nhất?

Nguyễn Bình: Chó Alaska Malamute ạ. Loài chó đó lông cực xù, đuôi cực cong và tuyệt đẹp. Chị  thấy chị cũng sẽ thích ngay. Nó rất giống con sói, rất to. Mặc dù nó chẳng liên quan gì đến sói.

PV: Em có rất nhiều sở thích. Có bao giờ em đòi hỏi bố em đáp ứng những sở thích của em không?

Nguyễn Bình: Thường thì bố mẹ em không chiều.

PV: Thế bố mẹ em chiều trong trường hợp nào?

Nguyễn Bình: Thường thì bố em sẽ không từ chối nếu em đòi bố em mua cho em một cuốn sách. Hoặc nhờ bố in cho một tài liệu nào đó. Những yêu cầu đại loại như thế sẽ được đáp ứng ngay trong ngày hôm sau.

PV: Em có những tố chất đặc biệt hơn so với những đứa trẻ khác. Vậy em  có thấy bố mẹ em đối xử với em khác so với những ông bố bà mẹ bình thường đối xử với những đứa con bình thường không?

Nguyễn Bình: Dạ, khác ạ.  Hôm trước ở buổi trả lời phỏng vấn trong Sài Gòn, bố em cũng nói, các ông bà mẹ khác không  cho con sử dụng máy vi tính, nhưng bố em cho em dùng máy tính từ khi còn nhỏ.

Cũng có ông bố bà mẹ cho con dùng máy vi tính nhưng không cho con dùng internet vì sợ con vào chơi game online. Nhưng bố mẹ em cho em sử dụng internet thoải mái.

PV: Em có muốn thành một vĩ nhân, một nhà khoa học nổi tiếng…hay không?

Nguyễn Bình: Dạ không ạ. Em chỉ thấy thế này là tốt rồi và ngày ngày được trêu chó nữa ạ.Em vốn là người rất thích chó. Nhưng đừng trêu nó nhiều quá không nó sẽ tức.

PV: Khi gặp một cái gì đó khiến em quan tâm, em sẽ làm gì?

Nguyễn Bình: Ví dụ hôm trước em đi ra cửa hàng, em nhìn thấy rất nhiều con thuyền mô hình. Em lập tức về nhà search những thông tin về con thuyền đó. Thấy bất cứ cái gì lạ lạ, em cũng search cho bằng được mới thôi, bao giờ cũng thế.

PV: Một cậu bé đặc biệt như em thì có hay mơ ngủ không và thường mơ về những giấc mơ gì?

Nguyễn Bình: Em toàn mơ về chó thôi ạ.

PV: Bởi vì thời điểm này em đang thích chó. Thế trước khi thích chó thì em mơ về cái gì?

Nguyễn Bình: Em nghĩ đến cái gì thì sẽ mơ cái đó.  Ví dụ như giai đoạn trước em xem phim kinh dị, đêm ngủ em mơ đúng lại cái bộ phim kinh dị đó, chỉ khác là em biến bộ phim đó thành một cái rất buồn cười.

PV: Ngoài sở thích với ngôn ngữ, với sách vở, với động vật, các sở thích khác của em có thường xuyên thay đổi không?

Nguyễn Bình: Dạ có ạ.

PV: Nguyên nhân thay đổi là do đâu?

Nguyễn Bình: Nó có từ trong những cái đó. Có thứ hôm nay em thấy rất hay, nhưng ngày mai lại khác. Hôm nay em thích xem phim hoạt hình “báo hồng”.Ngày mai em lại thích xem các loại phim phiêu lưu. Rồi ngày hôm sau tự nhiên em lại thích xem phim hoạt hình “báo hồng”. Mỗi ngày em lại thấy một điều gì hay trong một việc gì đó.

PV: Những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình – nhiều người trong số đó là bạn của bố em, họ bàn luận về em rất nhiều. Họ nói rất có thể trong tương lai em sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Cũng có người nói lớn lên em sẽ không viết văn nữa. Em nghĩ gì khi nghe những dự đoán của mọi người về mình?

Nguyễn Bình: Em chẳng biết nữa?

PV: Em không quan tâm đến những gì người ta nói về mình?

Nguyễn Bình: Dạ không ạ. Dù khen hay chê em cũng không quan tâm. Em không muốn nghe ai khen mình, cũng chẳng quan tâm khi nghe ai chê mình.

PV: Sắp tới em sẽ nghĩ em sẽ học thêm một ngôn ngữ nào đó không?

Nguyễn Bình: Em muốn học ngôn ngữ của loài chó. Tức là tiếng chó sủa ấy ạ.

PV: Em có nghĩ con người sẽ hiểu được ngôn ngữ của loài chó không?

Nguyễn Bình: Hầu hết mọi người hiểu được ý nghĩ của loài chó qua nét mặt và độ vang của tiếng sủa.

PV: Hiện tại bây giờ em đã bắt đầu tìm hiểu về nó chưa?

Nguyễn Bình: Em đã biết sủa như chó rồi ạ.

PV: Sủa như thế nào?

Nguyễn Bình: Chỉ cần uốn cong lưỡi lên và “gâu gâu, gầu gầu” cho thật giống tiếng chó sủa.

PV: Em biết bao nhiêu cách sủa của loài chó?

Nguyễn Bình: Khoảng mấy chục tiếng sủa. Em sủa đến nỗi mà các con chó phải sủa theo.

PV: Em đã sủa thử với chó rồi sao?

Nguyễn Bình: Em thử nhiều lần rồi. Có lần em hú như chó sói, một con chó quay lại nhìn em kinh sợ.

PV: Làm thế nào em có thể bắt chước tài tình như thế?

Nguyễn Bình: Em nghe đi nghe lại và thử tìm mọi cách để tạo ra âm thanh đó.

PV: Em có mơ ước  được đi đến một vùng đất nào trên thế giới không?

Nguyễn Bình: Em thích nước Mỹ. Vì lịch sử của nước Mỹ  rất hay. Nhưng đôi khi em không thích, vì nước Mỹ có nhiều ma.

PV: Em có sợ ma không?

Nguyễn Bình: Không. Nói chính xác hơn là sợ vừa vừa.

PV: Nghĩa là nếu có một con ma xuất hiện trước mặt em thì em sợ đúng không?

Nguyễn Bình: Ai nhìn thấy ma mà chẳng sợ.

PV: Nhưng có người không tin có ma.

Nguyễn Bình: Cứ đưa người ta đến chỗ có ma, người ta sẽ sợ.

PV: Em có tin là có ma không?

Nguyễn Bình: Em xem ảnh ma lâu rồi ạ. Nếu chị xem thì chị cũng thấy sợ (lập tức mở google ra để giới thiệu về các ảnh ma). Những ảnh này không phải ảnh photoshop đâu mà là ảnh thật hết. Ở Nhà Trắng  cũng có mấy con ma.

Rất nhiều nơi trên thế giới bị ma ám. Có những nơi có cả lời nguyền nữa.Như những lăng mộ Ai Cập. Gia đình Tổng thống Kennedy chết rất nhiều vì họ bị một lời nguyền.

PV: Em có tin vào tâm linh, vào lời nguyền và những bí mật cổ xưa không?

Nguyễn Bình: Những bí mật cổ xưa và những lời nguyền thì em đều lý giải rằng  đó là một dạng công nghệ của thời cổ đại đã thất truyền.

Những công nghệ này được người cổ đại sử dụng sai cách, tạo ra những lời nguyền đó.  Thật ra em cho rằng những công nghệ đó là những công nghệ của người ngoài trái đất.

PV: Có phải chính vì thường xuyên nghĩ về “những công nghệ của người ngoài trái đất” ấy mà em  bắt đầu hình dung về một thế giới ngoài trái đất không?

Nguyễn Bình: Đúng như thế ạ. Đúng là sự thật đấy. Chị nhất định phải xem những bộ phim về người ngoài hành tinh thời cổ đại.

PV: Nhất định chị sẽ xem. Thế em có bao giờ tìm hiểu về những lời nguyền cổ xưa không?

Nguyễn Bình: Hồi sáu – bảy tuổi em tìm hiểu rất nhiều.

PV: Em thấy lời nguyền cổ xưa nào đáng sợ nhất?

Nguyễn Bình: Những lời nguyền đáng sợ nhất đều liên quan đến những lăng mộ cổ ở Ai Cập. Đặc biệt là lời nguyền của Tutan – Khamun (một Pharaoh nổi tiếng của Ai Cập cổ đại). Sau đó là lời nguyền của Super man.

Chẳng hiểu sao những ai đóng Super man sau đó đều chết hoặc bị thương nặng vì một tai nạn nào đó. Còn lời nguyền của chiếc Porsche 550 Spyder tên Little Bastard do tài tử James Dean lái.

Sau khi James Dean qua đời vì một tai nạn với chiếc Porsche này, rất nhiều sự việc kì quái đã xảy ra với chiếc xe này, khiến nhiều người bị chết và bị thương nặng. Cuối cùng nó biết mất mà không ai lý giải được tại sao.

PV: Những lời nguyền – cái mà em gọi là những công nghệ cổ xưa – theo em nó tốt hay xấu?

Nguyễn Bình: Đôi khi có những cái tốt, đôi khi có những cái xấu. Nhưng em thấy hầu hết tất cả được sử dụng sai mục đích.

PV: Theo em thế nào thì mới là sử dụng đúng mục đích?

Nguyễn Bình: Ví dụ cái xe của James Dean, nếu lời nguyền được sử dụng đúng mục  đích thì khi người ta đi trên cái xe đó, người ta phải thành tỉ phú hay gặp những điều may mắn, chứ không thể gặp tai nạn.

PV: Như em nói, những công nghệ cổ xưa, nếu con người cổ đại muốn sử dụng đúng nó, thì họ phải làm gì với nó?

Nguyễn Bình: Họ luôn luôn phải tìm cách sử dụng đúng nó. Trong các truyền thuyết, ông thần này, ông thần kia sử dụng phép thuật, vũ khí. Nhưng em tin họ không phải là thần. Họ là người ngoài hành tinh.

PV: Vậy ngay cả những vị thần trên đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp, em cũng tin họ là người ngoài hành tinh?

Nguyễn Bình: Đúng thế. Em có rất nhiều bằng chứng.  Chẳng hạn như việc trên đỉnh Olympus có những quầng sáng và những quầng sáng đó bay lên trời. Thế thì chẳng khác gì UFO bay lên cả.

PV: Chúng ta tiếp tục nói về những lời nguyền cổ xưa một chút nhé.  Em nói rằng những lời nguyền cổ xưa được sử dụng sai mục đích. 

Nhưng lời nguyền trong những lăng mộ của Pharaoh Ai Cập phục vụ để nguyền rủa những kẻ xâm phạm sự an nghỉ vĩnh hằng của các Pharaoh. Vậy em thấy lời nguyền có mặt tốt mặt xấu gì không, hay em thấy xấu cả?

Nguyễn Bình: Lời nguyền sẽ tốt  nếu ám lên những kẻ xấu, kẻ giết người, kẻ cướp, những tên trộm lăng mộ; còn sẽ là lời nguyền xấu nếu ám lên những người vô tội.

PV: Em có bao giờ sợ mình sẽ gặp phải một lời nguyền nào đó không?

Nguyễn Bình: Em không sợ. Theo em tất cả các lời nguyền đều đã thất truyền hoặc được giải mã hết rồi.

PV: Em có thấy ở Việt Nam có lời nguyền cổ xưa nào không?

Nguyễn Bình: Dạ, em không biết ạ.

PV: Chị có cảm giác em chỉ tìm hiểu về những thứ ngoài Việt Nam, còn Việt Nam thì có vẻ em không quan tâm, đúng không?

Nguyễn Bình: Vâng.Vì ở Việt Nam ít thứ bí ẩn. Khi khám phá các nước khác, em thấy dễ tưởng tượng hơn. Còn ở Việt Nam thì thật khó cho việc tưởng tượng.

Ví dụ như trận chiến trên sông Bạch Đằng chẳng hạn, em không thấy dễ tưởng tượng bằng trận chiến của quân Pháp trên sông Nile (còn được gọi là trận vịnh Aboukir).

PV: Em ấn tượng với những trận chiến nào trong lịch sử nhân loại?

Nguyễn Bình: Những trận chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất; cuộc xâm lăng của Napoleon; cuộc nội chiến ở Mỹ.

PV: Tại sao em lại thấy những trận chiến của những nước khác lại ấn tượng và dễ hình dung hơn những trận chiến của Việt Nam?

Nguyễn Bình: Vì nó để lại nhiều chứng tích và thông tin hơn. Lên mạng, thấy những trận chiến lớn trên thế giới search google bằng tiếng nước nào cũng có. Những trận chiến của Việt Nam chỉ có mỗi tiếng Việt.

PV: Em có vẻ say mê nước Mỹ. Tại sao nước Mỹ thu hút em?

Nguyễn Bình: Vì rất nhiều mặt. Kiến trúc độc đáo, lịch sử có nhiều sự kiện nổi bật, công nghệ phát triển từng ngày. Em cũng thích Mexico và Nhật ngày xưa. Mexico là nơi tập trung của rất nhiều nền văn hóa khác nhau.

PV: Em thích mọi người đối xử với em như thế nào? Như một đứa trẻ mười tuổi hay như một người lớn?

Nguyễn Bình: Dĩ nhiên là em thích được đối xử như một người lớn. Em không thích bị gọi là bé ơi, bé à, cưng ơi, cưng à hay đại loại thế.

PV: Cám ơn em.

(Theo Nghệ thuật mới - số 2)