- Bạn đọc trẻ tuổi bình luận sôi nổi xung quanh vấn đề bảo tàng của Việt Nam.

CHUYÊN ĐỀ: "BẢO TÀNG VIỆT NAM"

Bảo tàng TP.HCM chỉ còn... chứng tích chiến tranh
Bảo tàng Hà Nội: Khánh thành rồi... dang dở
Điều kỳ lạ giữa thủ đô

Các bài viết mới đăng tải nằm trong chuyên đề bảo tàng Việt Nam thu hút nhiều bình luận của các bạn trẻ, đặc biệt là tầng lớp sinh viên. Trên Facebook, độc giả Thảo Trang bình luận: "Mình nhớ là đọc trong "Oxford thương yêu" của Dương Thuỵ, có câu nói của mẹ chồng người Bồ Đào Nha của nhân vật chính: "Ở đây ai cũng thích đi xem bảo tàng!", thậm chí có mấy trang trong truyện đó chỉ nhắc về việc đi xem bảo tàng. So sánh Việt Nam với nước ngoài quá nhiều rồi, nhưng phải công nhận 1 điều rằng nước phát triển họ ưa xem bảo tàng hơn dân Việt mình. Các bạn trai ở Việt Nam sẵn sàng dẫn bạn gái đi xem phim 3D hay ăn fast food hoặc trà chanh, nhưng chẳng mấy ai dẫn bạn gái vô bảo tàng. Nếu có cũng bị cô bạn gái kia cho là nhàm chán".

Theo như trang web allwomenstalk tư vấn: Ý tưởng số 1 khi dẫn bạn gái đi chơi là tham quan bảo tàng - sau đó là các hoạt động khác, như: đi dạo trên núi, bên bờ biển, đi picnic, cùng xem thể thao, đi xem vườn thú, hái hoa quả trong vườn, xem hòa nhạc trong các khu công viên, sân vận động

Không ít bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường tỏ ra bi quan trước tình trạng học, hành và việc làm sau khi ra trường. A.P nói: "Tôi có ông cậu đi lính xong cũng học khảo cổ, ra kiếm việc làm trầy vi tróc vẩy lại trả bèo. Ổng học lại lấy cái bằng y tá rồi làm tới giờ". "Lúc nhỏ mình cũng khoái nghề khảo cổ học nhưng cuộc sống không cho phép mình theo đuổi. Ngay như ngành văn hóa mà cũng bị coi là khó xin việc rồi. Bây giờ tìm ra được ai học cái gì đó vì có đam mê thì hơn mò kim đáy bể. Tất cả chỉ học vì tiền sau này mà thôi" (Joan Nguyen, Dương Thị Quỳnh, Thu Phương)

Ở một góc nhìn quyết liệt và muốn thay đổi hơn, độc giả hoabando cho biết: "Bảo tàng có giá trị lịch sử và văn hóa, chính trị vô cùng lớn. Việc xây dựng, giữ gìn, tuyên truyền và phát triển hệ thống bảo tàng và các giá trị lịch sử được lưu giữ trong đó là hết sức cần thiết. Nhưng thực tế cho thấy rằng, dường như người dân chưa có nhu cầu cần thiết đến các bảo tàng để tìm hiểu, chưa có thói quen đến bảo tàng như một nét văn hóa. Và đặc biệt là trong giai đoạn này, khi mà nỗi lo cơm áo, công việc thường ngày đang đè nặng thì ngay cả nhu cầu giải trí cũng được giản tiện thì nói gì đến việc tìm đến các nhà bảo tàng để tìm hiểu hiểu cái gì đó".

Độc giả mang tên Vân chia sẻ: "Em vào bảo tàng mấy lần rồi nhưng mà ngoài mấy cây cảnh ở bên ngoài ra thì bên trong chẳng có gì hay cả, cách thức bố trí, trang trí rất kém. Các nhà hoạch định cần nhìn nhận một cách sâu sắc hơn chứ không nên chỉ nghĩ đến sự hoành tráng và phô trương."

Quan tâm đến vấn đề giáo dục văn hóa, lịch sử cho tầng lớp học sinh, sinh viên - độc giả Hoàng Minh Phương đưa ra giải pháp: "Bảo tàng có mục đích: - giáo dục - nâng cao chất lượng sống của dân Để hoàn thành mục đích giáo dục thì tổ chức các tour cho các cháu từ mẫu giáo cho đến đại học tham quan vừa rẻ lại vừa bổ ích. Vì trong xã hội ai cũng bận thì đối tượng giáo dục sẽ tập trung vào học sinh, sinh viên. Để nâng cao mục đích nâng cao chất lượng sống của dân: Mọi người cần đến bảo tàng đâu phải để xem cái gì khó hiểu và phức tạp và ai cũng muốn chi đơn thuần là tìm lại giá trị cũ hoặc dã ngoại. Không những thế có thể kết hợp với đại sứ quán các nước bạn để tổ chức các buổi giới thiệu văn hóa nước bạn".

Bổ sung thêm ý kiến của Hoàng Minh Phương, độc giả Nguyễn Thành Vinh chia sẻ: "Không nên dựa hẳn vào ngân sách. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngân sách ngày càng hạn hẹp, trong lúc đó khách tham quan bảo tàng thì ít. Để có kinh phí duy trì, bảo dưỡng các vật dụng thì các bảo tàng cần phải có cách thu hút khách, có thể cho thuê một phần mặt bằng để cung cấp các dịch vụ giải khát, cà phê lành mạnh, nhẹ nhàng để phục vụ du khách đến tham quan. Trong không gian kinh doanh dịch vụ có thể yêu cầu đối tác phải chiếu các tư liệu về bảo tàng, để giới thiệu với khách uống cà phê về lịch sử thì họ có thể sẽ đi xem thực tế các đồ vật trưng bày trong bảo tàng luôn".

Sinh viên Việt Nam ngủ trên giảng đường - (Nguồn: Yume)

Vân Sam