"Thưa thầy, phim tài liệu là loại phim không có ai xem cả", phải chăng đó là thực trạng, là "hình tượng hóa" chất lượng nghệ thuật phim tài liệu của chúng ta?

TIN BÀI KHÁC

Một cuộc tọa đàm với sự tham gia của đông đảo người trong nghề làm phim tài liệu truyền hình vừa diễn ra tại TP.HCM, nhằm kiến giải sự trầm lắng của dòng phim này thời gian qua, và góp giải pháp cho sự phát triển trong tương lai. VietNamNet ghi lại một số ý kiến đáng chú ý tại sự kiện này.

NSND Nguyễn Lương Đức: Phim tài liệu của chúng ta đa phần quá cổ

Tôi xin kể một tình huống: Tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tôi bảo một sinh viên định nghĩa về phim tài liệu, em đó đáp: "Thưa thầy, phim tài liệu là loại phim không có ai xem cả". Phải chăng đó là thực trạng, là "hình tượng hóa" chất lượng nghệ thuật phim tài liệu của chúng ta? Trong trào lưu đổi mới và hội nhập, chúng ta gần như bị loại khỏi sân chơi. Phim tài liệu của chúng ta đa phần đều quá cổ, lạc hậu, cách làm như những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

NSND Lương Đức phát biểu tại cuộc tọa đàm
Sự bố trí dàn dựng, can thiệp vào thực tế quá lộ liễu. Phim nặng về tuyên truyền, cổ động, nội dung thì ôm đồm, áp đặt, sơ lược minh họa, thiếu tính triết lý, thiếu tầm tư tưởng, lời át hình ảnh, nói triền miên, nhiều khi nhắm mắt vẫn hiểu phim. Hình ảnh chẳng đóng vai trò gì trong phim, dựng hình này, thay hình khác đều được, chỉ cần có đủ độ dài để tải lời, đôi khi thiếu hình thì kéo dài ra hay lặp đi lặp lại một cảnh tùy tiện, vô nghĩa. Ta quên một điều là truyền hình chứ không phải truyền lời.

Có người cho phim tài liệu truyền hình có chức năng chính là truyền đạt thông tin, nghệ thuật là phụ. Quan điểm đó không đúng, đó chính là lý do tại sao ít người hứng thú với phim tài liệu. Nên nhớ ngày nay khán giả không chỉ đòi hỏi nhu cầu thông tin qua các phương tiện nghe nhìn đơn thuần, mà yêu cầu ngày một đa dạng, khắt khe những giá trị thẩm mỹ, văn hóa, nhân văn, nghệ thuật trong các tác phẩm.

Một yếu điểm điển hình khác là phim không có kịch tính, xung đột, mà xung đột là bản chất của điện ảnh. Nhược điểm phổ biến nữa là phim thiếu cấu trúc. Đây là vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự cố gắng, đổi mới trong tư duy, sáng tác, chỉ đạo và đầu tư sức người sức của một cách mạnh dạn, mới mong nâng cao được chất lượng phim tài liệu truyền hình.

Phương Hoa: Chỉ quan tâm cái đúng, chưa chú trọng cái hay

Những vấn đề trăn trở trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng, cũng như những bức xúc của người dân trong cuộc sống, chưa được bộ phận phim tài liệu chính luận chú tâm thực hiện. Một phần do ý thức chủ quan của những người làm phim, nhưng phần nữa là sự ngại va chạm, chỉ quan tâm đến cái đúng mà chưa chú trọng đến cái hay, cái hấp dẫn của vấn đề.
Đoàn phim “Mê kông ký sự” - một trong số ít phim tài liệu gây tiếng vang - ghi hình ở Tây Tạng
Chúng ta đã quan tâm, đầu tư vào những bộ phim tài liệu về truyền thống cách mạng, hoặc cái đẹp, đổi mới của đất nước. Nhưng chúng ta chưa có bộ phim nhiều tập nào nói về sự suy thoái, về lối sống đạo đức, về sự lãng phí, tham ô, cửa quyền, phản ánh khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội… Tất cả những yếu tố trên, nếu không được nhìn thẳng vào để phản ánh, phân tích và đấu tranh, thì theo tôi, chúng ta đã chưa làm tròn trách nhiệm của những người làm báo, làm phim tài liệu truyền hình.

Trần Chí Kông: Cần có tư duy tốt, tư duy trách nhiệm

Chúng tôi tâm niệm rằng, muốn có phim tài liệu tốt, trước hết, cần phải tổ chức ghi hình tư liệu cho tốt. Năm 1989, mẫn cảm chính trị về sự thay đổi sắp diễn ra ở Liên Xô, các nhà làm phim của hãng truyền hình CBS đã thuê hẳn một chiếc máy bay siêu vận tải Galaxy để đưa 5 đoàn phim tài liệu cùng hàng chục tấn thiết bị sang Liên Xô ghi hình ảnh buổi duyệt binh trong ngày Quốc tế Lao động tại 5 địa điểm lớn trên toàn lãnh thổ Liên Xô rộng lớn. Họ đã có tư liệu lịch sử.

Nhiều năm cùng đồng nghiệp làm phim, tôi chưa bao giờ dự một cuộc họp bàn về việc ghi hình tư liệu. Bàn để cùng gánh một sứ mệnh rằng muốn có hình tư liệu tốt, cần có tư duy tốt, tư duy trách nhiệm.

NSƯT Lý Quang Trung: Đầu tư kinh phí để không quẩn quanh ở thành phố

Phải tìm ra hướng đi mới, đó là khẩn trương xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ làm phim tài liệu để thay thế những người lớn tuổi; chọn lựa các đề tài đi sâu và gần gũi với cuộc sống hơn, không dàn trải lấy số lượng mà đặt chất lượng nội dung đề tài và hình thức thể hiện là quan trọng. Đề tài tập trung vào những phim có nội dung mang tính chất khám phá, phân tích và đi sâu vào các vấn đề như môi trường, an sinh xã hội, truyền thống lịch sử văn hóa. Cần đầu tư và tăng kinh phí để thực hiện. Hiện tại kinh phí đầu tư cho phim còn quá thấp, không tạo điều kiện cho người sáng tác mạnh dạn sáng tạo mà gò bó trong số kinh phí ít ỏi đó, dẫn đến tình trạng thể hiện quá đơn điệu, nhàm chán, đề tài không phong phú, quanh quẩn ở thành phố…

Long Hà ghi