- Dâu Tây - anh chàng viết văn người Canada đã có vai trò mới, trở thành đạo diễn cho một trong những kịch bản hài nổi tiếng nhất trên sân khấu nước Pháp cuối thế kỉ 19.

TIN BÀI KHÁC


"Ả cave nhà hàng Maxim" có tựa gốc "La Dame de chez Maxim" (tên tiếng Anh: The Lady from Maxim's hoặc The Girl from Maxim's) được xem là một kiệt tác của nhà soạn kịch người Pháp Georges Feydeau.

Vở kịch nổi tiếng này từng được trình diễn cả ở 2 miền Nam Bắc. Năm 2002, sân khấu IDECAF  dựng "Ả cave nhà hàng Maxim", nhưng theo đánh giá của báo chí, vở kịch không thành công bởi các diễn viên đã không diễn nghiêm túc và hết mình với vai hài trên sân khấu. Bởi thế "Ả ca ve nhà hàng Maxim" vẫn đang là huyền thoại được nhắc đến với thành công của nghệ sĩ Chiều Xuân. 

Cô nàng kĩ nữ nhà hàng Maxim (áo đỏ) đang tính kế quyến rũ anh chàng quận công (bên trái) trong đám cưới con gái ngài Đại tướng

Chuyện kịch dựa trên sự hiểu lầm sau đêm bác sĩ Petypon đến nhà hàng  Maxim’s uống rượu cùng người bạn thân là Mongicourt. Không ngờ lúc quá say ông đã đưa một cô kĩ nữ (Shrimp) về nhà. Mọi chuyện rắc rối đã bùng nổ khi Petypon bày nhiều trò lấp liếm tội lỗi với vợ (Gabrielle). Đột ngột, ngài Đại tướng từ châu Phi về Pháp, ghé ngang nhà người cháu họ Petypon để mời dự đám cưới người con nuôi. Ông lầm tưởng cô kĩ nữ là vợ của cháu mình, nên mời cô ả về lâu đài Tuaren đóng thế vai người vợ quá cố của lão trong ngày vu quy con gái.  Tình huống buộc Petypon phải “tương kế, tựu kế”. Nào ngờ, khi đến Tuaren, cô nàng Shrimp bắt đầu bộc lộ bản chất lẳng lơ. Cô đã lôi kéo  các bà quý  phái vùng tỉnh lẻ vào các cuộc chơi, giả đò những trò lố lăng là mốt thời thượng ở Paris và “rinh” luôn cả chú rể sắp cưới - anh chàng chính là người yêu cũ..

Cộng đồng người nước ngoài thuộc nhóm Sân khấu quốc tế tại Hà Nội (HITS) đã tập luyện cho vở kịch cực kì hài hước này từ nhiều tháng nay. Với gần 30 nhân vật, nhóm bao gồm cả các diễn viên nghiệp dư và chuyên nghiệp đến từ nhiều quốc gia, trong đó có 2 bạn trẻ người Việt.

Buổi công chiếu đã diễn ra tối 24/05 tại nhà hát kịch Hà Nội với nhiều điểm cộng lý thú. Diễn trên sân khấu nhỏ, đạo cụ đơn giản, nhưng phục trang của nhân vật được làm chu đáo. Trong màn 2, đại cảnh chuẩn bị đám cưới ở gia đình Đại tướng có thể coi là một điểm sáng trong dàn dựng. Bên cạnh bối cảnh chính, các bà các cô liên tục tán chuyện, chỉ trỏ, sửa sang đầu tóc và soi mói. Các nhân vật phụ tuyệt đối chú trọng vai diễn của mình, làm nổi bật lên sự hài hước, cảnh vẻ của giới quý tộc trong bữa tiệc.

Dàn diễn viên diễn khá đồng đều với một số gương mặt nổi bật. Nhân vật Varlin, ông già bí ẩn trong nhà hàng Maxim nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả bởi phong cách độc đáo và vẻ lẩy bẩy, kì quái không giống ai. Bên cạnh đó, 2 nhân vật nhiều đất diễn là phu nhân Gabrielle và người bạn Mongicourt đã thể hiện rất tròn vai và có nét riêng. Điểm trừ duy nhất có lẽ là thời lượng của vở kịch khá dài. Tính cả 2 quãng giải lao giữa 3 màn, "Ả cave nhà hàng Maxim" kéo dài từ 8 giờ tối đến 11h 30 đêm.

Gabrielle - phu nhân của "quý ông tội lỗi" Petypon, nhân vật ngây ngô nhất vở kịch, luôn tin vào thánh thần và ma quỷ.

Joe Ruelle tỏ ra bất ngờ khi biết "The Girl from Maxim's" đã từng được diễn ở Việt Nam cách đây đã lâu - và là một vở kịch được công chúng biết tiếng rộng rãi. Anh cũng ngạc nhiên thích thú khi biết tên tiếng Việt của vở kịch là "Ả cave nhà hàng Maxim". Joe nói: "Đây là một cách dịch độc đáo." Chàng trai người Canada rất tò mò muốn xem Chiều Xuân đã diễn vai cô nàng kĩ nữ ra sao, nhưng quả thực không dễ để tìm lại được phần ghi hình của vở kịch này trên sân khấu thủ đô từ nhiều năm trước.

Được diễn bởi các diễn viên nước ngoài, nên lần này, phần hội thoại của "Ả cave nhà hàng Maxim" hoàn toàn bằng tiếng Anh và không có phụ đề tiếng Việt. Đây là một điểm đáng tiếc để vở kịch được thưởng thức rộng rãi trong công chúng Việt. Tuy nhiên, cho đến hết tuần sau, sân khấu nhà hát kịch vẫn sẽ mở rộng cửa với những khán giả muốn có cơ hội chứng kiến những nghệ sĩ nước ngoài tái hiện tình huống hài hước của giới quý tộc và thói học đòi Paris.

Một số hình ảnh của vở diễn

Nhân vật Varlin (phải) - lần nào xuất hiện cũng gây cười

Các bà các cô học đòi trò lố theo mốt Paris


Tất cả bị đông cứng trên chiếc "ghế ngủ"

Vân Sam
Ảnh: Hà Phương