– “Các quốc gia khác không có văn hóa nhà văn đi nhậu cùng nhau", nhà văn nữ Dili nói.

TIN BÀI KHÁC

Chiều cao lý tưởng, nước da trắng và gương mặt xinh đẹp, Dili được mệnh danh là hoa hậu làng văn trên đất Bắc. Nhà văn nữ vừa ra mắt tuyển tập “Chuyện làng văn” tập hợp hơn 50 bài viết chị phỏng vấn các tác giả Việt Nam và quốc tế, từ nhà văn Tô Hoài, Trần Đăng Khoa, Kim Lân, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Hòa Bình… đến Masatsugu Ono (nhà văn Nhật), Paolo Giordano (nhà văn Ý), Carrie Ryan (nhà văn Mỹ)... 

Những bài phỏng vấn, một ít chân dung và ký chân dung này được viết ra bởi sự quan sát bình tĩnh, những nắm bắt nhanh và một giọng văn đủ thông minh, thành thị. 

“Chuyện làng văn” ở Việt Nam

Chị thấy đề tài của nhà văn nữ và nhà văn nam có sự khác biệt nào không? 

- Chuyện muôn thuở của đặc thù giới mà. Nhà văn nam bao giờ cũng thích viết và thường thành công ở những vấn đề “vĩ mô” và gai góc như chính trường, chiến tranh, triết luận, hình sự… còn các tác giả nữ dễ đi sâu vào chuyện tình yêu, gia đình…

Có gai góc như “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư thì cũng phát xuất từ một câu chuyện gia đình. Dân tộc nào cũng vậy cả thôi, phụ nữ ngồi với nhau thì thích nói chuyện về chủ đề này, nam giới ngồi cùng lại thích nói chủ đề khác. 

Tôi không nói rằng đề tài “vĩ mô” hay “vi mô” thứ nào tốt hơn. Một câu chuyện tình yêu cuộc sống hay, nó sẽ trở thành bất tử. Một câu chuyện chính trường dở, nó sẽ trở thành một tập tư liệu vô duyên và nhạt nhẽo.

Nhà văn nữ Dili

Còn gương mặt nào nữa trên văn đàn hiện tại chị mong được dịp trò chuyện?

- Tôi muốn được tiếp cận với những tác giả cao tuổi ở Việt Nam, vì cơ hội và thời gian có lẽ sẽ không còn nhiều. Trong cuốn “Chuyện làng văn” của tôi, nhiều nhân vật cũng đã không còn nữa. Còn tác giả nước ngoài thì tôi mong được trò chuyện cùng Stephen King.

Chị nhận ra điều gì trong các tác giả lớn ở VN?

Tôi vẫn nhớ nhà văn Kim Lân bảo tôi rằng các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng “ngồi chồm chỗm trên trang sách”. Văn thế nào người thế ấy, không lẫn vào đâu được. Phong cách riêng để vừa đọc đã nhận ra ngay tác giả, đó là điều tất cả người viết đều hướng tới và mong muốn. Nhưng có lẽ cả thế kỷ mới được vài người như thế. 

Trong “Chuyện làng văn” chị có nhắc đến một ý, là các nhà văn Việt Nam hay tụ tập nhậu nhẹt cùng nhau. Cá nhân chị nhìn hiện tượng này như thế nào?

- Nó gợi sự thân tình, chia sẻ và tình cảm đúng kiểu người Việt. Các quốc gia khác không có văn hóa nhà văn đi nhậu cùng nhau (cười). Nhưng điều này nếu quá đà cũng dễ dẫn đến sự mất thời gian, vô bổ. Khi ngồi cùng không tránh khỏi bình luận về đồng nghiệp. Những bài “phê bình văn học” bên bàn nhậu lắm khi lợi bất cập hại.

“Vắng tôi, văn học Việt vắng đi thể loại trinh thám”

Là một người viết đa dạng nhiều thể loại, chị yêu thích, gần gũi với thể loại nào nhất?

- Tất nhiên là trinh thám hoặc kinh dị. Tôi cảm thấy mình viết thể loại ấy thật dễ dàng. Giá sách của tôi đặc cách một khu riêng với hàng trăm cuốn sách của Edgar Allan Poe, Agatha Christie, Conan Doyle, Stieg Larsson, Henning Mankell, James Patterson, Patricia Cornwell, Mo Hayder, Stephen King, Tami Hoag… Khi nhận lời dịch, tôi cũng chỉ dịch những cuốn tiểu thuyết trinh thám.

“Đảo thiên đường” là cuốn tôi cảm thấy gần với mình nhất. Mỗi lần nhìn thấy cuốn sách, chứ chưa cần đọc lại, tôi lại thấy cả tuổi trẻ, ước mơ, hoài bão và những cảm xúc thú vị của mình trong đó. Tôi đã ghi lại được cảm xúc và những khoảnh khắc tươi đẹp của mình thông qua cuốn sách du ký này.


Chị có ngưỡng mộ nhà văn nào không?

- Nhiều không đếm xuể, cứ hễ đọc xong một cuốn sách nào mà tôi nghĩ rằng “Mình không thể làm được thế này” là tôi lại ngưỡng mộ họ. Tôi không có thần tượng, song tôi ngưỡng mộ nhiều người, dù chỉ trên một khía cạnh nào đó. Gần đây nhất tôi đọc bộ ba cuốn sách của Quách Tiểu Lộ, một nhà văn nữ Trung Quốc sinh năm 1973 sống tại Anh với “Thạch thôn”, “Tuổi xuân tan thành hai mươi mảnh” và “Từ điển Trung Anh cho người đang yêu” thấy cũng rất nể. Tôi thích giọng văn hài hước và thông minh của chị.

Tại sao chị quyết định trở thành một người viết? 

- Tôi vẫn làm nhiều nghề đấy chứ, nhưng tôi thích nghề viết hơn cả. Trong đầu tôi luôn chất chứa nhiều ý nghĩ và những nỗi ám ảnh. Nếu không chia sẻ trên trang giấy thì chẳng biết “tống khứ” chúng đi đâu. Ít nhất là nghề viết cũng đã cứu rỗi tôi. Mỗi lần buồn phiền tôi lại ngồi viết cho thanh thản.

Vậy chị cầm bút để viết về điều gì? Cho ngắn hạn hay dài hạn? 

- Một số tác phẩm hiện nay có tính thời thượng, trong đó không loại trừ một vài truyện ngắn của tôi, hoặc tính tư tưởng chỉ mới ở thời điểm đó, qua một vài thập niên người ta sẽ không còn thấy nó thú vị nữa, thậm chí còn thấy ấu trĩ và ngờ nghệch. Nhiều tác phẩm vang bóng một thời trên văn đàn và được nhiều giải thưởng sau có còn thấy xuất hiện nữa đâu. 

Tôi mong muốn có những tác phẩm được độc giả tìm đọc lâu dài chứ không chỉ nhất thời thông qua quảng cáo báo chí thì mua về xem nó ra làm sao.

Điều gì khó khăn nhất khi bắt đầu viết 1 cuốn sách mới?

- Chủ yếu những cuốn sách của tôi là tập hợp của những truyện ngắn hoặc những bút ký ngắn. Còn khi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết, tôi thường phải vượt qua trở ngại của vài trăm trang sách trước mặt. Giống như lúc ở chân núi và ngước mắt nhìn đỉnh núi cao vòi vọi. Những chương đầu thường rất ngại. Còn những chương cuối, tôi sẽ viết được một mạch không nghỉ.

Chị có nghĩ nhiều thế mạnh có nghĩa là chẳng có thế mạnh nào không? Người ta vẫn nhớ đến Dili như một nhà văn đa tài, nhưng lại không biết chị xuất sắc nhất ở đâu. Hay chị vẫn đang đi tìm chính mình trong văn chương?

- Thế mạnh được tôi định nghĩa thế này: Nếu thiếu mình trong công việc ấy, sẽ có ai khác thay thế được hay không? 

Tôi chỉ làm những gì mà tôi cảm thấy mình được cần đến, đó chính là lòng tự trọng và sự cầu thị, chứ không phải tôi thích đi tìm cảm giác mình là nhân vật quan trọng. Nếu bây giờ tôi không tiếp tục viết tiểu thuyết trinh thám và kinh dị, tạm thời trong giai đoạn hiện nay, văn học đương đại Việt Nam vắng đi một thể loại. 

Hồ Hương Giang