– Khi còn ở Paris (Pháp), Heloise Petit đã từng học làm tranh sơn mài tại trường đại học. Mê mải và yêu thích, cô gái trẻ tiếp tục cuộc hành trình đến Việt Nam…

TIN BÀI KHÁC

Những tác phẩm nghệ thuật trên đầu
Những tác phẩm ngàn đô làm từ bút chì

Ngắm các tác phẩm nghệ thuật bằng muối tuyệt đẹp

Điều đáng tiếc tại một triển lãm ở Hà Nội

Wafaa Fardani (quốc tịch Maroc) và Heloise Petit (quốc tịch Pháp) là hai người bạn thân thiết cùng theo đuổi hội họa. Tháng 7/2012, hai cô gái tự tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm của mình tại một quán bar nằm trong con ngõ nhỏ, trên đường Giang Văn Minh, Hà Nội.

Triển lãm mang tên “Corridor Cracks” (Vết nứt hành lang) sẽ kéo dài đến hết ngày 6/9/2012.

Wafaa Fardani (trái) và Heloise Petit (phải)

- Các bạn bắt đầu vẽ từ khi nào?

Wafaa Fardani: Không còn nhớ nữa. Tôi bắt đầu vẽ từ khi còn rất nhỏ. Heloise cũng vậy. Cô ấy học về nghệ thuật từ khi ở trường trung học, sau đó cô ấy chuyên về tranh sơn mài khi học đại học ở Paris.

Ở trường đại học, tôi lại học về kịch nghệ và sân khấu. Thời gian đó, tôi đã học về biểu diễn nhiều hơn là vẽ tranh. Sau này, bên cạnh việc vẽ sơn dầu, tôi cũng vẽ tranh sơn mài.

-  Điều gì đã khiến 2 bạn tới Hà Nội và thực hiện một triển lãm tranh?

Wafaa Fardani: Tôi đã sống ở đây được 5 năm rồi, vì bố mẹ tôi ở đây. Họ đã ở Hà Nội rất lâu trước khi tôi đến. Tôi thích thành phố này.

Heloise Petit: Tôi học vẽ sơn mài trong 3 năm ở Pháp. Tôi yêu thích thể loại tranh này, vì thế tôi đến Việt Nam để tiếp tục học. Triển lãm của chúng tôi bao gồm các tác phẩm sơn dầu và sơn mài. Các bức sơn dầu là của Wafaa là sơn dầu.  Các bức sơn mài là do mẹ Wafaa (bà tên là Naina Deniale) và tôi sáng tác. Thực ra đây là một triển lãm của 3 người.

- Tôi rất ngạc nhiên khi biết ở trường đại học ở Paris dạy vẽ sơn mài. Đây là một "đặc sản" của Việt Nam. Tôi đã xem cách một họa sĩ làm thể loại tranh này. Nó rất cầu kì. Phải mài thật là nhỏ nhiều loại nguyên vật liệu và sau đó trải qua nhiều công đoạn để làm thành một bức tranh.

Heloise Petit: Tôi thích dành thời gian để làm những thứ nhỏ nhỏ và tỉ mẩn như vậy. Khi tôi học làm tranh sơn mài ở trường đại học tại Paris, tôi rất thích. Ở Paris không có một số nguyên vật liệu như ở Việt Nam, vì vậy chúng tôi phải thay thế nó bằng những thứ khác. Giờ thì tôi đã có điều kiện tiếp xúc với các nguyên liệu truyền thống của các bạn.

Bức tranh sơn mài của Heloise Petit

- Tôi cũng ấn tượng với những bức sơn dầu của Wafaa. Những bức tranh thiếu nữ này thật gợi cảm với màu trắng và đỏ - màu của nữ tính.

Wafaa Fardani: Xin cảm ơn vì lời khen! (cười) Bạn biết đấy, phụ nữ là đề tài được miêu tả rất nhiều trong nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Phụ nữ muốn nói rất nhiều điều về giới tính của mình, và về những cảm xúc. Ở triển lãm này, tôi đặt những bức tranh nữ tính cạnh nhau.

Tôi cũng vẽ đàn ông. Có một bức trong triển lãm tôi mô tả một người đàn ông bị đau đầu bởi âm nhạc quá ồn ào, chát chúa.

- Trông có vẻ như các tác phẩm rất "quốc tế"

Wafaa Fardani: Không, tôi vẽ chúng trong thời gian gần đây, khi đang sống tại Hà Nội. Đó là cách tôi nhìn Hà Nội. Bạn có thể cảm thấy nó không phải là một Hà Nội quen thuộc, nhưng tôi không tái sản xuất lại các giá trị. Tôi đã thực sự thấy thành phố theo cách như vậy, bao gồm các trạng thái và cảm xúc.

Tranh sơn dầu của Wafaa Fardani

- Các nghệ sĩ nước ngoài tại Hà Nội đang làm nên sự phong phú của nghệ thuật đương đại nơi đây. Tôi tò mò về một tiếng nói đến từ bên trong nhóm…

Wafaa Fardani: Tôi có biết về họ, và tất nhiên cả các nghệ sĩ Việt Nam nữa. Tôi thích các tác phẩm. Việc chia sẻ quan điểm và làm việc cùng nhau rất thú vị. Nhưng các nghệ sĩ đến từ nhiều nước có nghĩa là quan điểm cũng sẽ mang tính toàn cầu.

Họ sáng tác về Hà Nội theo quan sát cá nhân. Và tôi cũng vậy. Các tác phẩm của tôi cũng lấy cảm hứng từ Hà Nội nhưng tôi lại không có cùng một góc nhìn với các nghệ sĩ khác.

- Tôi đang nghĩ đến một sự cạnh tranh cho các họa sĩ Việt Nam.

Wafaa Fardani: (cười) Có lẽ đúng!

- Các bạn có thể nêu ra một vài cái tên mà mình ấn tượng?

Wafaa Fardani & Heloise Petit: Khó đấy! Tôi không nhớ một cách chính xác và đầy đủ, nhưng có thể kể ra đây Lê Quang Hà, Phương Vũ Mạnh, Trương Tân, Cương, Thái, Sơn Lâm... Rất nhiều người...

- Các bạn có nhận thấy sự khác biệt nào không giữa các thế hệ họa sĩ ở VN?

Wafaa Fardani & Heloise Petit: Tôi nghĩ là có sự khác biệt: về góc nhìn, cách chọn đối tượng, ý tưởng...; nhưng tôi không cảm thấy quá xa lạ hay bất ngờ.

Những họa sĩ ở thế hệ trước có xu hướng chọn những đề tài chuyên biệt, tập trung vào một mảng nào đó, ví dụ như làng quê chẳng hạn. Và làng quê ấy cũng rất khác bây giờ. Họ cũng có vẻ có nhiều thời gian cho tác phẩm. Nó cho thấy họ đã nhìn/quan sát lâu như thế nào về một thực thể, một đối tượng. Những điều họ làm rất đáng kể. Khi tôi đến các triển lãm của những họa sĩ lớn tuổi, tôi thấy hoàn toàn thú vị.

Các thế hệ thường có các sản phẩm rất khác biệt. Điều này có thể gặp ở mọi nơi trên thế giới. Có lúc sự kết nối này gần lại và làm giảm bớt cảm giác chia cắt.

Việt Nam đặc biệt hơn một chút vì lịch sử của các bạn. Vì thế dường như với thế hệ trẻ, họ đang muốn mở rộng hướng đi cho nghệ thuật đương đại.

- Cảm ơn Wafaa và Heloise!

Wafaa Fardani và Heloise Petit

Một số bức tranh khác trong triển lãm

Tranh sơn mài của Heloise Petit

Bộ tranh sơn mài của mẹ Wafaa - bà Naina Deniale.

Các bức sơn dầu của Wafaa Fardani




(Ảnh: Thảo Nguyên)

(Ảnh: Thảo Nguyên)

Bức tranh về người đàn ông và tiếng nhạc ồn làm anh ta đau đầu .





Hồ Hương Giang

Ảnh: Angellittlefire