- Những bộ phim hoạt hình ngắn của các nhóm trẻ thỉnh thoảng lại làm dậy sóng những lời khen ngợi, kỳ vọng và sau đó là…chờ đợi.

Trăm hoa đua nở

Sự kiện mang tính chất như trên có lẽ xảy ra lần đầu tiên vào tháng 5/2011, khi bộ phim hoạt hình ngắn “Dưới bóng cây” của Colory Animation bất ngờ xuất hiện trên mạng và đạt hơn 1 triệu lượt người xem trên trang YouTube.

Phim hoạt hình “Dưới bóng cây”.


Bộ phim kể câu chuyện ngắn gọn và giản dị về một chú chuột thích khoác lác về lòng dũng cảm với hai bạn ếch và cua, sau đó chú thoát được một hiểm họa trên thực tế chỉ nhờ may mắn.

Dù chưa đủ sức lôi cuốn người xem vào câu chuyện, nhưng “Dưới bóng cây” vẫn khiến người ta ngạc nhiên thích thú, chỉ bởi điều ngộ nghĩnh nho nhỏ là lần đầu được thấy một phim hoạt hình rất Việt Nam trong bối cảnh, lời thoại và nhân vật được đồ họa bằng kỹ thuật 3D, rất gần với những bộ phim hoạt hình đến từ Hollywood.

Ngay cả khi không phải là phim hoạt hình 3D Việt Nam đầu tiên, “Dưới bóng cây” vẫn là tín hiệu mới mẻ khiến người ta phải chú ý tới một lớp bạn trẻ đang được đào tạo về đồ họa cho phim hoạt hình, một chuyên ngành được nhiều trường đại học mở gần đây.


Phim hoạt hình “Đại chiến Bạch Đằng” với đề tài lịch sử

Bài tập trong lớp của họ là những bộ phim nho nhỏ, hợp sức của cả một nhóm, sau đó được đưa lên mạng nhằm đo  phản ứng cũng như mong sự khích lệ từ thế giới ảo. Vài phim trong số này nhận được vài trăm ngàn lượt quan tâm trên các trang chia sẻ video.

Chẳng hạn như “Bay” của nhóm Smile-AD, sinh viên trường Arena là câu chuyện dễ thương về cô bé sau nhiều lần thử với bong bóng, chiếc dù, quạt nan, đã tìm thấy cách mình được “bay” khi nằm trên một con ngựa gỗ với con gió thổi từ…quạt máy.

Gần đây nhất, nhóm sinh viên trường ĐH Hồng Bàng TP.HCM còn khiến cư dân mạng ngạc nhiên với bộ phim tốt nghiệp “Đại chiến Bạch Đằng”. Phim chọn ảnh vẽ 2D kết hợp với hiệu ứng 3D cho câu chuyện kể về chiến công lừng lẫy của dân tộc trước ngoại bang.

Những niềm đam mê dành cho hoạt hình, mà kết quả của nó là những đợt sóng ủng hộ trên mạng, còn được góp phần bởi nhóm họa sĩ trẻ đang làm trong các xưởng phim gia công cho các mẩu quảng cáo. Nổi bật nhất là “Chuyện hai chiếc bình” của Areka, “Chiếc cầu xoay” của Bamboo Animation và “Cô bé bán diêm” của Đoàn Gia Film.


Phim hoạt hình “Cô bé bán diêm”

Đối diện khoảng trống

Có một câu hỏi cần đặt ra từ hiện tượng phim hoạt hình ngắn của những người trẻ, rằng: tại sao chúng chỉ nối tiếp nhau như những nỗ lực cho niềm đam mê, rồi cuối cùng là hào phóng tặng không cho người xem để tìm kiếm ý nghĩa tinh thần?

Bỏ qua những bộ phim bài tập còn vụng về từ nội dung đến kỹ thuật, rõ ràng vẫn còn nhiều hạt ngọc như “Cô bé bán diêm”, “Dưới bóng cây”, “Chiếc cầu xoay”…hoàn toàn có thể khai thác thương mại trên truyền hình và rạp chiếu. Tiếc rằng, cả hai lối ra này đến nay vẫn đóng kín tại VN, khiến những khoản đầu tư bạc triệu, bạc tỷ mãi là chuyện mua lấy niềm vui và đam mê.

Trong một trường hợp cá biệt, loạt phim hoạt hình “Xin chào bút chì” đã nhận được đầu tư của một đơn vị tư nhân. Bộ phim bắt đầu từ những tìm tòi công nghệ stop motion (tạo chuyển động từ hàng loạt ảnh chụp tĩnh) của hai bạn gái trẻ đang học ngành báo chí. Sự thương mại hóa dù rất đáng khuyến khích để thúc đẩy ngành phim hoạt hình Việt, nhưng điều đáng tiếc là nó có phần hơi vội vàng, khiến nội dung được phát trên truyền hình còn nhiều điều phải bàn.


Nhóm bạn trẻ làm phim hoạt hình Colory Animation

Sau khi thử sức với “Hột vịt lộn” để thấy là mình có thể làm hoạt hình, rồi thừa thắng xông lên với “Dưới bóng cây”, nhóm bạn trẻ ở Colory Animation đến nay đã dừng lại để tìm phương kế giữ lấy đam mê. Bởi không thể cứ mãi bỏ công sức, thời gian và tiền bạc, mà cái thu được chỉ là ý nghĩa tinh thần. Như những xưởng phim hoạt hình khác, họ vẫn đang kiếm sống bằng dịch vụ gia công cho các mẩu quảng cáo, tỏa ra đi học nghề ở nước ngoài hay trong các xưởng phim hoạt hình của Pháp tại TP.HCM, để tích lũy nguồn lực.

Đối diện với con đường dài mà đích đến còn rất mờ mịt, bạn Đoàn Trần Anh Tuấn, thủ lĩnh của nhóm Colory Animation cho biết bạn nhìn thấy lối ra ở phim truyện hoạt hình thuần Việt, nhưng chưa thể mạo hiểm đầu tư. “Chúng tôi phải hoàn thiện khả năng sản xuất ít nhất trong hai năm nữa. Mọi thứ sẽ rất phức tạp vì mình phải ứng dụng kỹ thuật phù hợp với quy mô sản xuất và cân đong trong bài toán đầu tư. Nhưng đam mê thì sẽ không bao giờ ngừng”, anh nói.

Có thể nói, trên mảnh đất hoạt hình Việt còn hoang vắng hiện nay, những hạt giống được gieo với niềm đam mê không ngừng nghỉ và người ta có quyền hi vọng. Nhất là khi thị trường cho phim hoạt hình đang được mở ra với hàng loạt “bom tấn” hoạt hình của Hollywood gặt hái hàng triệu USD ngay chính tại VN.

Khải Trí