Dù vẫn giữ được độ hấp dẫn kịch tính, nhưng màn trình diễn khép lại thiên sử thi người dơi lại đơn giản thái quá trong trình bày những chủ đề lớn.


Bao trùm “The Dark Knight Rises” (tựa Việt: Kỹ sĩ bóng đêm trỗi dậy) là nỗi ám ảnh và sợ hãi trước tội ác khủng bố. Thậm chí, cường độ được đẩy lên tới đỉnh điểm khiến nó mang tính biểu tượng còn hơn cả những vụ tấn công 11.9.

Tom Hardy trong vai phản diện Bane

Đạo diễn kiêm đồng tác giả kịch bản Christopher Nolan đưa câu chuyện lùi tới thời điểm 8 năm sau khi những sự kiện trong phần 2 “The Dark Knight” kết thúc. Người dơi (Christian Bale) trở lại Gotham trong mệt mỏi và mất niềm tin. Thành phố mà anh âm thầm ra sức bảo vệ vẫn nghĩ anh là thủ phạm giết công tố viên Harvey Dent (Aaron Eckhart), người có công thúc đẩy đạo luật giúp ngành tư pháp tống giam hàng ngàn tội phạm.

Các tình tiết cho thấy sự tiếp nối phần trước đó và cùng được thúc đẩy bởi những cơn giận dữ. Tuy nhiên, sự cài đặt “khối thuốc nổ” xung đột mới cho bộ phim đã nằm trong sự liên hệ những chủ đề rất khác so với phần trước. Còn nhớ, “The Dark Knight” đặt ra một phản đề về người hùng khiến người ta tự hỏi: liệu có phải sự hoàn hảo của cái thiện đã thúc đẩy cái ác đi tới tận cùng và ngược lại? Pháp luật và lương tri đứng ở đâu trong cuộc chiến bạo lực đầy kích động ấy?

Với vai miêu nữ, Anne Hathaway là người mới trong các bộ phim của Christopher Nolan, một đạo diễn thích làm việc với các diễn viên quen thuộc

Trong khi đó, “The Dark Knight Rises” tái tục luận thuyết đã trình bày ở phần đầu tiên “Batman Begins” về âm mưu của Liên minh Bóng tối, do Ra's al Ghul (Liam Neeson) làm thủ lĩnh, muốn thanh lọc giống loài để đưa trái đất trở về thời tinh khôi, tươi mới, thông qua phương pháp khủng bố.

Từ điểm tựa ấy, trong suốt thời lượng 2 giờ 40 phút, bộ phim chuyển động và căng thẳng thường trực bởi hàng loạt những vụ đụng độ, cháy nổ. Giống như bộ phim khoa học viễn tưởng “Prometheus” với câu chuyện đi tìm nguồn gốc của loài người, tất cả diễn ra trong không khí nghiêm túc lớn lao. Điều này giải thích vì sao câu chuyện hư cấu lại đạt được niềm tin và sự yêu thích đến vậy của người hâm mộ, những cây viết chê bai bộ phim đều bị “ném đá”.

Christian Bale trong vai người dơi

Nhưng nếu so với bộ phim cùng chuyển thể từ truyện tranh là “The Avengers”, thì cách dàn dựng hành động, xung đột và tâm lý nhân vật của “The Dark Knight Rises” tỏ ra có chiều sâu và chân thật hơn, làm lộ diện bộ phim đối thủ như một món hàng bóng bẩy và xa rời cuộc sống.

Tuy nhiên, “The Dark Knight Rises” lại có phần đơn giản thái quá trong trình bày những chủ đề lớn mang hơi thở của nhịp sống đương đại như chủ nghĩa dân túy hay nạn khủng bố. Những âm mưu và hành động đều có lý do trực tiếp, nhưng lại không thể gợi ý được căn nguyên.

Đạo diễn Nolan tỏ ra khéo léo khi bù đắp bằng một loạt những sự kiện bề nổi nhằm lôi kéo sự chú ý. Chúng khiến người xem xao nhãng tò mò về nguồn gốc của những cơn giận dữ vì bất công xã hội, hay cuộc nổi loạn cố gắng “nâng cấp” thành một cuộc cách mạng dân túy bằng một tòa án nhân dân.

Là phần cuối của loạt phim người dơi, “The Dark Knight Rises” được làm với kinh phí lên tới 250 triệu USD

Sự mở rộng chủ đề quả thật đã khiến đây là tập phim “ít đặc trưng người dơi” nhất trong cả loạt phim. Thành phố Gotham giả tưởng vẫn còn nằm ở trung tâm của cuộc chiến thiện – ác nhưng đã nằm trong mối liên hệ lớn hơn với quốc gia và quốc tế dưới sức nặng khủng bố.

Nhưng dù không thích phần kết của người dơi ở điểm này, có lẽ người hâm mộ vẫn lựa chọn bởi được gặp lại một loạt dàn “sao” nổi tiếng, quen thuộc trong các phim của Christopher Nolan như Christian Bale trong vai người dơi, Tom Hardy trong vai phản diện Bane, Joseph Gordon-Levitt vai cảnh sát Blake, Michael Caine vai quản gia Alfred, Marion Cotillard vai Miranda Tate, Gary Oldman vai cảnh sát trưởng Gordon. Chỉ trừ Anne Hathaway trong vai Miêu nữ là người mới. Tất cả đều nổi bật và có nhiều khoảnh khắc tỏa sáng trong một bộ phim có quá nhiều nhân vật và các đường dây câu chuyện khác nhau.

Khải Trí