- Có ít nhất hai hành trình tìm kiếm những món ngon Việt trên suốt chiều dài đất nước để lưu giữ và quảng bá chúng theo những cách khác nhau.



Trên vỉa hè đông đúc ở khu phố tây Phạm Ngũ Lão, cô du khách người Áo Stephanie Antesberger lật nhanh cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch nổi tiếng Lonely Planet. Tới số trang đã được gấp lại đánh dấu, cô chỉ vào mục từ “Cá kèo” để nhờ người viết hướng dẫn chỗ ăn ngon.

Nhóm sản xuất đang đi tiền trạm cho loạt phim “Khám phá Việt Nam” của bếp trưởng Martin Yan

Giống như nhiều du khách nước ngoài đến TP.HCM, cô không biết gì về những món ngon đặc sản Việt và tìm kiếm chúng ở đâu, trừ một nhãn hiệu bia được bán phổ biến từ trước năm 1975 và xuất hiện trong nhiều phim ảnh, sách báo nước ngoài.

Chưa nói đến việc quảng bá văn hóa ẩm thực Việt đã đi được bao xa ra nước ngoài, câu chuyện cung cấp thông tin đầy đủ về ẩm thực Việt cho chính du khách nước ngoài ghé thăm lâu nay đã là chuyện được chính quyền bàn cãi rất nhiều lần. Cũng như, giải quyết bằng rất nhiều hành động như bình chọn điểm đến thú vị, lập trang mạng, in sách và tờ rơi…Nhưng sau mỗi đợt phát động thì tất cả lại rơi vào im lặng.


 Bánh căn Bình Thuận, một món ăn đường phố độc đáo liệu có được du khách biết tới?

Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy câu chuyện này đang có những chuyển động nhằm bù đắp vào sự thiếu hụt này. Trong một nỗ lực khác, ngày 16.8, Trung tâm sách kỷ lục tổ chức cuộc họp nhằm thông báo với báo giới họ vừa hoàn tất đợt một của hành trình tìm kiếm, kiểm kê để lập ra danh sách những đặc sản hàng đầu VN trong mục tiêu đúc kết lại những giá trị văn hóa vật chất Việt tinh hoa nhất, như kiểu đồng hồ Thụy Sĩ, thức ăn nhanh McDonald, nước hoa Pháp…

Danh sách mà trung tâm này lập ra được phân loại thành 14 nhóm đặc sản, từ trái cây, món ngon, bánh quà, kẹo mứt, nước chấm & gia vị cho tới sản vật thiên nhiên, chợ, mắm, chè, nem chả…Chúng được cập nhật, bổ sung và công bố định kỳ vào tháng 9 hàng năm. Kết quả bước đầu được in trong hai cuốn “Niên giám top đặc sản Việt Nam 2012” và “Bản đồ đặc sản Việt Nam 2012” với hi vọng có mặt tại 57 quốc gia thông qua các đại sứ quán và Trung tâm kỷ lục châu Á.

Không dừng lại ở giới thiệu và thưởng thức, loạt phim “Khám phá Việt Nam” có lợi thế hơn ở điểm mời khách phương xa “xông” vào bếp cùng bếp trưởng nổi tiếng Martin Yan để nấu món Việt.


Xà lách Thanh Long, món ngon mà không phải người Việt nào cũng biết tới

Trong suốt tháng 7 vừa qua, đội ngũ sản xuất của chương trình này đã lên đường khảo sát và tiền trạm các điểm đến là những nơi có thắng cảnh đẹp và thức ăn ngon trên suốt dọc ba miền đất nước. 26 tập phim đang được chuẩn bị bấm máy vào tháng 9.2012. Trong mỗi tập, đầu bếp Yan sẽ dạy nấu từ hai đến ba món ăn đặc sản của địa phương mà ông dừng chân theo đúng khẩu hiệu nổi tiếng “Nếu Yan làm được thì bạn cũng làm được”. Nếu đúng như kế hoạch, loạt phim này sẽ được phát sóng trên nhiều kênh trong nước và quốc tế nhờ uy tín và danh tiếng của bếp trưởng Martin Yan.

Tuy nhiên, việc kiểm kê và quảng bá ẩm thực Việt rõ ràng là không thể và không nên dừng lại ở những nỗ lực đơn lẻ trên, mà cần rất nhiều sự hợp tác khác nhau. Bởi đó có thể là một hành trình không bao giờ chấm dứt. Ngay như việc liệt kê và giới thiệu các món ăn đường phố thôi đã là một vấn đề.

“Chúng không có địa chỉ cụ thể, không ai quản lý, không chắc có đạt điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm hay không, chưa kể những tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ trong trường hợp của bánh mì kẹp thịt Sài Gòn, bánh mì cay Hải Phòng, cao lầu Hội An…”, theo lời của ban tổ chức và thực hiện danh sách các đặc sản hàng đầu Việt Nam.

Khải Trí