Có thể chưa phải là những người khổng lồ tầm vóc thế giới, nhưng ít nhất họ là những người khổng lồ "made in Vietnam".

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN

"Anh nhầm Dow Jones với Đông Gioăng..."
Cô gái mong manh và người chồng mang khuôn mặt đẹp

"Hai con bú dù" - Quán cà phê "nổi loạn"
Quan niệm của một 9X về sách vở
Scandal của một triết gia
Cảm xúc, trí tuệ... đến từ đâu?

Những tin tức xấu chờ phản ứng của bạn!

Nhân tài ở đâu? Đó là câu hỏi hàng ngàn năm mà một dân tộc luôn thường tự hỏi. Không phải những ngôi sao giải trí đang hàng ngày nhẵn mặt trên các phương tiện truyền thông, truyền hình... khiến người người thuộc nằm lòng tên tuổi; nhân tài là những người giúp gây dựng một sức mạnh thật sự trong lòng người, không bằng sự bóng bẩy bề ngoài, không bằng sự dễ dàng.

Nhân tài luôn ở đâu đó!

Và đã là nhân tài, thì cần được lắng nghe.

Có lẽ đã đến lúc nên thay đổi cách tư duy, thay từ "dùng người", bằng từ "lắng nghe con người". Bởi "con người thì để yêu, đồ vật để dùng".

Không phải "đồ vật để yêu, con người để dùng" như cách nhiều người đang quá yêu những iPhone, iPad, biệt thự, siêu xe... - và dùng con người như đồ vật, hòng mang lại lợi nhuận và lợi ích.

Nếu mỗi người Việt có thể lắng nghe, đủ để từng người, từng người nâng đỡ lẫn nhau "đứng được trên vai những người khổng lồ"... Lúc đó cả dân tộc sẽ cao lớn hơn, mạnh mẽ hơn..




* Những trích dẫn dưới đây nằm trong cuốn sách "48 bài học về giá trị sống". Một cuốn sách dày 400 trang, tập hợp 48 bài phỏng vấn của nhà báo  Kim Yến với 48 người tài của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

"Làm việc ở Mỹ cho ta quyền được đồng ý hay không đồng ý. Tôi đã từng phản đối thống đốc bang, đưa ra logic của riêng mình. Con cái cũng có quyền tranh luận với cha mẹ, thầy cô. Đó là tinh thần giáo dục Mỹ. Những điều không đúng, phản logic sẽ bị đào thải trong một xã hội mở. Còn ở Việt Nam, mình bị giới hạn ngay cả trong gia đình, xã hội luôn bị lẩn quẩn trong một vòng kim cô, không phải tất cả mọi thứ đều đúng." - Ths Trần Đức Cảnh, tổng giám đốc công ty Du lịch và khách sạn Việt Mỹ.

*

"Đừng dừng lại ở việc tuyên truyền “người Việt dùng hàng Việt”. Hãy nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc, ở những ngành công nghiệp chủ lực, họ chỉ cho nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực mà người trong nước không làm được. Xuất phát điểm của Hàn Quốc cũng như ta, nhưng họ đã có được những thương hiệu lớn như Samsung, Hyundai… nhờ ý chí xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của chính phủ.

Nông dân phải giàu. Nước ta hơn 70% dân số là nông dân, trong đó con số quá nghèo chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đất trồng lúa giảm sút nghiêm trọng; mất đất, người nông dân càng nghèo đi. Khoảng cách giàu nghèo quá lớn dẫn đến bất công quá lớn, người nông dân không có năng lực tự bảo vệ. Đó là thất bại lớn nhất trong xây dựng đất nước.

Nông nghiệp là bàn tay đỡ để công nghiệp phát triển, nông dân quá nghèo làm sao công nghiệp hoá được? Cơ hội ngàn vàng đang đến với người trồng lúa khi giá lương thực thế giới đang lên. Nếu là người điều hành đất nước, tôi sẽ bay ngay qua Thái Lan để đồng hành có ý thức, cùng họ hưởng lợi lớn hơn.

...Quả thực chưa bao giờ, người ta chạy theo giá trị vật chất quá mức như bây giờ, nguy hại hơn nữa là các phương tiện truyền thông cũng đang cổ vũ cho lối sống vật chất đó. Nếu chỉ chạy theo sự hưởng thụ vật chất, khoe xe cộ, quần áo… thì đời sống tầm thường, buồn tẻ lắm. Sách báo làm thay đổi cuộc sống của con người.

Cần có những cuốn sách hay, những bài báo có tâm, có tầm, để đánh động xã hội, mới mong đem lại một cuộc cách mạng về tri thức. Nếu kinh doanh chỉ để làm giàu thì chẳng có ý nghĩa gì. Kinh doanh có lý tưởng sẽ giúp cho đời sống tinh thần của mình giàu có hơn.


Tổng giám đốc công ty Thép Việt Đỗ Duy Thái.

Điều tôi lo lắng nhất là sự bất an đang tràn ngập. Không phải cứ nhiều tiền là hạnh phúc, người ta cần nhất là một môi trường sống giúp mình cảm thấy bình an. Điều tôi sợ nhất là mình làm điều gì sai với ai đó, với những người đi cùng mình, sai với tính cách của mình. Sợ nhất là trí tuệ của mình không đủ để mình làm đúng.

Tôi luôn tự vấn, suy nghĩ đến nơi đến chốn trước khi làm cái gì đó. Phải cân nhắc rất kỹ để tránh sai lầm. Trong ứng xử với mọi người, đừng coi cái tôi của mình quá lớn, nhất là khi mình có những thành công nào đó, đừng trở thành tự mãn, xa rời người khác. Để xây dựng một chiến lược dài cho công nghiệp, nếu cái tôi quá lớn cũng khiến mình giới hạn vì không còn biết học hỏi từ người khác, không chịu nghe, để nâng tầm của mình lên.

Bất cứ ai cũng có kiến thức giới hạn, phải lắng nghe sự phản biện. Sự khiêm tốn của tất cả mọi người trong tổ chức sẽ dễ chấp nhận phản biện, và đó là con đường thành công trong giải pháp chiến lược." - Tổng giám đốc công ty Thép Việt Đỗ Duy Thái.

*
"Nhà nước cần có chiến lược phát triển sinh học cho một đất nước hơn 70% dân số là nông dân, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản, không chỉ áp dụng thành quả, có như vậy mới “ra mặt” được với thế giới.

Đất nước mình nghèo, nên người dân chỉ nghĩ đến chuyện làm tiền ngay, như thế chỉ ngày càng nghèo thêm. Cách đào tạo ở Việt Nam phần lớn chỉ tạo ra những “sinh viên mãi mãi”, khó trưởng thành vì thiếu lăn lộn thực tế, thiếu môi trường để trí tưởng tượng phát triển tự do, tư duy bị động, bị dìm đi, không dám nói ra chủ kiến của mình" - GS.TS khoa học Lê Kim Ngọc.

*

"Bệnh nói dối là hậu quả của một thời kỳ dài thiếu dân chủ, trong đó nhà quản lý muốn mọi người nghĩ như nhau, nói như nhau, và không muốn nghe ai nói khác. Căn bệnh này làm cho người ta không còn thấy được nhược điểm của bản thân, của đơn vị, địa phương hay xã hội nữa và luôn tự ru ngủ bằng ảo tưởng. Chính nó là một nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Có thể trong từng thời kỳ đặc biệt của đất nước, nhất là thời chiến tranh, chúng ta chấp nhận không nói hoặc không nói hết về những khó khăn, thất bại cục bộ, để giữ cho được tinh thần, sự nhất trí cao trong xã hội, động viên toàn dân đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng trong thời kỳ xây dựng kinh tế, nếu cứ che giấu mãi như chuyện Vinashin, dẫn đến món nợ khổng lồ 86 ngàn tỉ đồng thì tai hại vô cùng.

Tuy vậy, thất bại kinh tế vẫn chưa phải điều tai hại nhất. Tai hại nhất là tệ nói dối sẽ làm cho người dân mất dần lòng tin vào lãnh đạo, thậm chí mất cả cảm hứng trước những vấn đề quốc gia đại sự." - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

*

"Hơn 30 năm, trải qua nhiều đời lãnh đạo, Hội An tự hào vì một đội ngũ lãnh đạo trong sạch. Chưa có một đồng chí nào lợi dụng chức quyền lấy một tấc đất của dân, bộ máy chính quyền hoạt động trơn tru nhờ không ai lợi dụng việc công sách nhiễu, tước đoạt của dân.

Tôi không thích từ quan “thanh liêm”, đã làm quan là phải đàng hoàng, không thể nhận những gì không phải của mình. Làm chủ tịch, lương 5 triệu đồng/tháng, khi đã chấp nhận mức lương đó, phải làm tốt phần việc của mình. Đừng đổ thừa đồng lương đạm bạc mà tham ô, bởi có ai buộc anh làm đâu? Tôi là người không mưu mô, không thủ đoạn, mọi thứ đều đặt hết lên bàn, nên có thể đập bàn nếu thấy bất bình, khuất tất.


Ông Nguyễn Sự, bí thư thành ủy Hội An
Suốt thời gian tôi làm chủ tịch Hội An, chưa thấy ai bị tha hoá, các tệ nạn vào Hội An đều được dân báo ngay. Hội An nói không với bia ôm, ngoài đường cũng không có công an, người dân có thể gặp người làm chính quyền mọi lúc, mọi nơi. Không có khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Ai vào nhà bí thư cũng được.

Người ta có thể biến ruộng lúa thành đô thị chỉ với một chủ trương, nhưng trong lịch sử, chưa ai biến đô thị thành ruộng lúa. Cái gì người ta không thể thì mình hãy giữ lấy. Tôi là người nông dân, tôi hiểu hơn ai hết đất của dân phải để cho dân làm. Như vùng biển Cửa Đại, tôi không chủ trương lấy đất đầu tư, mà đầu tư tại chỗ và những người dân định cư tại chỗ, không dời dân.

Với nhà đầu tư, Hội An quy định rất rõ ràng: không xây quá ba tầng, mật độ xây dựng không quá 30%, không được mở massage, không được xây tường rào che chắn, không đi cửa sau, không mua đi bán lại… Chính vì thế những nhà đầu tư giả, dỏm rất khó chịu, sẽ bật khỏi liền". - Ông Nguyễn Sự, bí thư thành uỷ Hội An

*

"Rõ ràng triều Nguyễn không những để mất nước mà còn cộng tác với ngoại nhân đàn áp các phong trào giành độc lập, nhưng bộ sử này cũng như nhiều tư liệu khác lại cho thấy họ vẫn có sự đối lập nhất định với chính quyền thuộc địa. Chẳng ai bán nước nếu không mưu cầu một lợi ích nào đó, nhưng cái lợi ích mà triều Nguyễn nhận được trong vụ “bán nước” này lại rất ít ỏi, và đó chỉ vì họ không đủ sức mạnh cần thiết để chống Pháp nên chọn con đường nhượng bộ và thoả hiệp với Pháp để tồn tại.

Không cần đánh giá đạo đức chính trị của họ làm gì, người ta nói nhiều rồi. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là hành động chính trị không phải lúc nào cũng có thể thống nhất với quan điểm và quyền lợi chính trị. Thực tế này làm cho chính trị nhiều khi trở thành một cuộc chơi tàn khốc mà bi thảm, nhất là với những kẻ yếu. Trước kia đã thế mà hiện nay cũng thế thôi." - Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh

*

"Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để giữ cho người lãnh đạo tiếp tục sáng suốt.

Bài toán này không phải mới đây, mà hàng ngàn năm nay người ta tìm cách xử lý nó. Cách thứ nhất mà những vị vua anh minh thường dùng là cơ chế giám quan, người có thể chỉ mặt nói vua sai, bởi hơn ai hết, vua biết sự anh minh của mình có giới hạn, và người tự nguyện nói thật những sai sót của vua rất hiếm; không ít người còn bị giam hãm trong bốn bức tường của xu nịnh khiến cho sự sáng suốt trong tư duy tắt dần.

Cơ chế thứ hai là nhiệm kỳ, và cách thứ ba là bầu cử, để có thể chọn người thay thế.Nhưng so sánh ba cơ chế, tôi thấy chưa có cách tốt nhất. Lãnh đạo có nghĩa là dẫn đường, người dẫn đường đương nhiên phải biết rõ đường đi nước bước hơn người khác, nhưng còn những vấn đề không thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, cần đến trường lớp để học, lấy kinh nghiệm đã qua để soi rọi, và cần nhất là lòng bao dung, tính nhẫn nại, chịu lắng nghe người khác, nhất là ý kiến ngược với mình.

Muốn thế, phải tạo một môi trường không gian đủ rộng để tiếp thu ý kiến phản biện, tạo một “không gian sáng suốt mở” nuôi dưỡng sinh lực mới, trí tuệ và sự sáng suốt của mình… " - Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Fulbright.

*

"Việc cần làm là nên tập trung tuyên truyền, cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức về biển, đại dương, về các vấn đề an ninh, chủ quyền biển, đảo gần đây, và công khai càng sớm càng tốt những lập luận vững chắc về chủ quyền của Việt Nam trong khu vực Biển Đông cho lãnh đạo các cấp, người dân biết, thế giới biết để cùng nhìn về một hướng.

Thống nhất về nhận thức sẽ thống nhất về hành động, tạo ra sức mạnh dân tộc và thời đại – yếu tố của thắng lợi". - PGS. TS Nguyễn Chu Hồi (Phó tổng cục biển và hải đảo Việt Nam)

*

"Hai cuốn sách “Dẫn dắt sự thay đổi” “Linh hồn của sự thay đổi” của John P. Kotter đã cho tôi tư duy đúng hơn khi nói đến sự thay đổi. Trong quá trình phát triển, chúng tôi luôn ý thức xây dựng từng chương trình đổi mới hay thay đổi trong từng chặng đường, nhưng chưa thay đổi tận cùng, chưa thay đổi trong nhận thức. Đây là vấn đề không chỉ của doanh nghiệp, mà của cả thế giới.

Thế giới luôn thay đổi mà mình cứ đứng yên, ngủ quên trong chiến thắng chắc chắn sẽ bị đào thải". - Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty PNJ.

*

"Trường đại học không chỉ dạy kiến thức, phải cho sinh viên biết họ đang học cho ai, học vì cái gì, biết thương yêu, quý trọng, và có lòng tri ân với xã hội, cộng đồng. Tôi không theo hẳn mô hình nào, bởi điều kiện của mình khác người ta dữ lắm, nhưng mô hình đào tạo Mỹ là phù hợp nhất, dạy người ta biết tự học tập để hoàn thiện cá nhân". - PGS. TS Hồ Thanh Phong.

*

Biên đạo múa Ea Sola Thuỷ

"Một thế giới mà chết chóc, nghèo đói lẫn lộn giữa những chiếc túi xách Louis Vuitton, Hermes, mắt kính Armani...

Vở kịch của tôi đề cập đến sự nô lệ của chúng ta vào vật chất. Làn sóng công nghiệp hoá đã cuốn phăng con người vào những ham muốn bất tận không thể dừng lại. Tại Trung Quốc, có thanh niên bán đi một quả thận để mua một cái iPad.

Những mẫu quảng cáo quá ngọt ngào đang là những “cục đường” thao túng chúng ta, khiến con người mất dần đi nhu cầu thật sự. Con người ngày càng trở nên giống nhau, từ nô lệ tiêu dùng dẫn đến nô lệ của cái tôi." - Biên đạo múa Ea Sola Thuỷ

*

"Hơn ai hết, tôi hiểu phần lớn những cái người ta theo đuổi không thực sự cần cho mình, mà vì người khác. Sự lo toan về tiền bạc hiện rõ trên khuôn mặt con người, nhưng thực sự cuộc sống cần vật chất không nhiều lắm. Tinh thần quan trọng hơn, điều đó không dễ nhận ra.

Những người đàn ông hãy trở về nhà vào những bữa cơm chiều, và những người phụ nữ hãy nấu những món ăn của tình yêu thương cho chồng con, cho bạn bè, chứ đừng xây bếp đẹp chỉ để… ôsin nấu. Tôi tin chỉ cần như thế thôi thì sự giả dối đã giảm đi một nửa." -Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

Còn tiếp: Những người khổng lồ "made in Vietnam" (p.2)

  • Vân Sam