- "Ai đem niềm hy vọng đặt nơi trái tim đàn bà?" - một trong những vở opera nổi tiếng nhất của Mozart vừa được trình diễn tối qua tại Nhà hát lớn Hà Nội.

TIN BÀI KHÁC


"Così fan tutte" ("Đàn bà ai cũng thế") của nhà soạn nhạc người Áo W.A. Mozart được chuyển sang tiếng Việt dưới một cái tên ý nhị và đỡ châm chọc hơn nhiều, bằng cách sử dụng tên phụ - "Trường học tình yêu".

Phụ nữ xa mặt sẽ cách lòng?

Không có nhiều cơ hội để khán giả thưởng thức trọn vẹn một vở opera tại Việt Nam. Đã hơn 1 năm kể từ khi "Carmen hiện đại" được công diễn vào tháng 5/2011, và lâu hơn nữa là "Cây sáo thần" năm 2006 - một đỉnh cao của nhạc kịch Việt đầu thế kỉ 21.

Chính vì thế mà "Trường học tình yêu" hay là "Così fan tutte" gây được sự chú ý. Hiếm, nên quý, opera Việt hồi hộp trở lại khán phòng Nhà hát lớn với sự động viên không nhỏ từ khán giả. Nhìn một cách lạc quan, nhạc kịch đã bán được vé trong 2 buổi diễn ngày 06 và 07/10. Khán phòng không trống trải dù khoảng 1/3 trong số đó là người nước ngoài.

Cái hay cốt lõi của một vở nhạc kịch là giọng hát của diễn viên và khả năng diễn xuất. Tối 07/10, cây đinh của Nhà hát nhạc vũ kịch - Hà Phạm Thăng Long - trình diễn khá xuất sắc trong vai Fiordiligi, một vai diễn thuộc loại "nặng kí" nhất trong toàn vở.

Càng về cuối vở, những đoạn solo cho Thăng Long càng nhiều. Cô không diễn tốt hơn Mạnh Dũng, Vành Khuyên hay Kiếu Thâm, nhưng khi "Così fan tutte" khép màn, kí ức mạnh mẽ nhất đọng lại trong tâm trí người nghe là một giọng nữ cao khỏe khoắn, sáng đẹp và chạy nốt mượt mà.

Giọng nữ cao Hà Phạm Thăng Long hát phần độc thoại: "Ta biết cưỡng lại thế nào khỏi sự đam mê. Tình yêu là con rắn độc. Tâm hồn ta bối rối và sự thanh thản ra đi. Hãy xem tất cả xúm vào xúi bẩy tim ta"

Hai diễn viên nhạc kịch quen mặt với khán giả là Mạnh Dũng (vai ông già Don Alfonso) và Vành Khuyên (vai cô hầu phòng Despina) đã thể hiện khả năng diễn xuất trội hơn các bạn diễn của mình. Giàu kinh nghiệm sân khấu, hai nghệ sĩ gây được ấn tượng sắc nét về tính cách đặc trưng của nhân vật: ông già độc thân mẹo mực, đa nghi, hay giễu cợt và cô hầu phòng thực dụng, mê tiền.

Qua "Così fan tutte", khán giả cũng thấy được phần nào dàn diễn viên chủ chốt của nhạc kịch Việt Nam hiện thời với Anh Vũ (vai Ferrando) và Kiều Thâm (Gugliemo) đều có chất giọng tốt, vang. Kiều Thâm càng diễn càng nhuần nhuyễn sân khấu. Phương Dung (vai Dorabella) về cuối vở hát tốt hơn, biểu cảm tự nhiên hơn. Nếu được luyện tập và biểu diễn thường xuyên trên sân khấu, chắc chắc các nghệ sĩ sẽ khiến bộ mặt của nhạc kịch Việt Nam trở nên sáng sủa.

Sân khấu, đạo cụ hay thậm chí là trang phục sẽ không làm hài lòng khán giả cầu toàn bởi mọi thứ đều khá sơ sài. Nhưng có lẽ đã là một cố gắng của đội ngũ làm nghề với kinh phí đầu tư eo hẹp cho cả nghệ sĩ biểu diễn và ekip thực hiện.

Vở opera được hát bằng nguyên bản tiếng Ý, có phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh. Người dịch đã truyền tải được ý tứ của Lorenzo Da Ponte - người viết lời cho vở nhạc kịch. Phần kết của "Trường học tình yêu" được khán giả vỗ tay nhiệt liệt với những câu hát có tình có lý, rút được bài học sau những gì đã xảy ra:

"Tìm kiếm lỗi ở chính mình chứ không phải người kia. May mắn thay kẻ hiểu điều mình có. Bi kịch làm ta khóc, cũng có thể làm ta cười. Và trong trăm điều đau khổ, vẫn mỉm cười bình tĩnh"

Câu chuyện mở ra khi ông bạn già gàn 2 chàng sĩ quan trẻ rằng "Così fan tutte" - "Đàn bà ai cũng thế", xa mặt sẽ cách lòng, không thể chung thủy với người yêu. Chắc chắn người yêu của 2 chàng sẽ rơi vào bẫy ái tình nếu bị tán tỉnh một cách mãnh liệt. Hai anh sĩ quan thì nhất định cho rằng người yêu mình sẽ chung thủy nên nhận lời thách thức. Họ đổi vị trí cho nhau và sống chết tán tỉnh hai cô gái. Cuối cùng hai cô gái đã mắc bẫy, nhận lời yêu hai chàng trai lạ.


Ông bạn già khiêu khích hai chàng trai trẻ về lòng chung thủy của phụ nữ

Cô hầu phòng thêm dấm thêm ớt: tội gì phải chờ người đi xa


Màn kịch dâng cao với phần tự tử của 2 chàng trai

Hai cô gái mơ mộng về người mới

Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire