- Phó Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Chămpasack kể rằng, nếu không có sự giúp sức của cộng đồng người Việt, Việt kiều tại Lào nói chung, tại Pắc Xế nói riêng thì khó có thể tổ chức đưa thi thể 9 lao động xấu số về nước sớm và trọn vẹn như thế. Cái nghĩa, cái tình “người trong một nước” được mọi người phát huy rất tốt.

Có nhau khi hoạn nạn

Tiếp chúng tôi tại toà nhà Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Việt Nam tại Chămpasack, ông Tạ Văn Hữu, Phó Tổng lãnh sự tâm sự rằng, sự việc 9 người Việt đã tử nạn đau thương cũng đã qua, chẳng muốn nhắc lại.

Điều đọng lại đằng sau sự việc này chính là nghĩa tình đồng bào của người Việt đã được phát huy tốt.

“Không có sự chung tay góp công góp của tự nguyện của đồng bào tại Pắc Xế và các khu vực khác thì khó mà tổ chức đưa được thi thể 9 người xấu số về quê nhanh chóng trọn vẹn như vậy”, ông Hữu nói vừa khoe với chúng tôi bức thư cám ơn của gia đình một nạn nhân mới được gửi từ Nghệ An qua.
 

Những người Việt tại Pắc Xế tổ chức kiểm đếm rồi chia tiền quyên góp cho các nạn nhân xấu số sau khi tai nạn xảy ra

Ông Hữu cho biết, Tổng lãnh sự quán nhận được tin báo lúc 8h15 sáng ngày 19/12. Ngay lập tức đã cử đoàn công tác xuống hiện trường. Khi nhìn thấy những thi thể của 9 đồng bào Việt tử nạn, chẳng ai có thể thể cầm được nước mắt.

“Ai cũng xúc động xót thương cho những lao động xấu số. Họ đều là dân nghèo chỉ vì mưu sinh mà phải sang đây kiếm sống với đồng lương ít ỏi, chăng ngờ phải bỏ mạng”, ông Hữu xúc động.

Theo ông Hữu, thông tin về vụ tai nạn tang thương đã lan truyền rất nhanh trong cộng đồng người Việt ở Chămpasack. Họ, vì tình nghĩa đồng bào chẳng ai bảo ai đã đến để giúp sức giúp của để mọi đưa được các thi thể về sớm.

“Biết rằng người thân của các nạn nhân bên nhà rất nóng ruột nên chúng tôi, cùng với sự giúp sức Hội Việt kiều đã kêu gọi, định hướng tổ chức tang lễ theo phong tục Việt cho các nạn nhân, vừa cũng là để mọi người đến viếng, quyên góp giúp đỡ phần nào mất mát cho các nạn nhân”, ông Hữu nói.

Ông Đoàn Hữu Đấu, Chủ tịch Hội Việt kiều nói rằng: Việc tổ chức được tang lễ cho các nạn nhân tại Lào và để đưa họ về trong vòng 24 tiếng là không hề đơn giản. Nếu không có sự giúp sức, tinh thần tương thân ương ái của bà con người Việt thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Đoàn Hữu Đấu (áo trắng): Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt tại Pắc Xế nói riêng và Lào nói chung được duy trì và phát huy cao. Không chỉ qua vụ tai nạn vừa qua mới được biết đến.

“Chỉ riêng việc làm sao mua được 9 chiếc quan tài trong mấy tiếng đồng hồ đã rất khó khăn. Người Lào thường hoả táng. Chúng tôi phải cử người chạy đến từng thôn của người Việt để nhờ họ giúp đỡ, nhà nào có quan tài trong nhà (chuẩn bị cho người cao tuổi) thì đề nghị giúp đỡ, nhượng lại để giúp người tử nạn đỡ phải lạnh lẽo nằm trong những mảnh vải trắng”, ông Đấu nói.

Chỉ trong mấy tiếng, 9 chiếc quan tài đã được mua về từ 7 ngôi làng của người Việt ở Pắc Xế. Ngay sau đó, 9 nạn nhân được khâm liệm và được tổ chức tang lễ tại Nhà thờ Pắc Xế để mọi người đến viếng.

Đọng lại chữ tình đồng bào

Anh Phan Linh Châu, Phó ban thanh niên Hội Việt kiều, người trực tiếp đi mua quan tài và khâm liệm cho các nạn nhân kể lại, sau khi 9 nạn nhân được đưa về tại nhà thờ, rất nhiều người Việt nghe tin đã đến. Chẳng ai bảo ai, họ xắn tay vào, mỗi người một việc để tang lễ được tổ chức.

“Mặc dù không hành nghề khâm liệm nhưng tôi thấy họ tội nghiệp quá nên đã trực tiếp làm công việc tắm rửa cho 9 thi thể để đưa họ vào quan tài. Họ cũng sang đây mưu sinh như hàng nghìn lao động Việt khác nhưng số phận đã không may”, anh Châu kể.

Vụ tai nạn thương tâm đã qua nhưng đọng lại mãi là nghĩa tình người trong một nước tại đất nước bạn. Những người xấu số đã được an ủi mặc dù gặp nạn ở nước ngoài.

Anh Trần Trung Dũng, một người buôn bán tại Pắc Xế, có mặt từ đầu đến cuối buổi tang lễ kể lại rằng, dưới sự chỉ đạo của Tổng lãnh sự quán và Hội, nhiều người đã đứng ra làm công tác quyên góp tiền cho các nạn nhân để họ được an ủi phần nào khi trở về quê.

“Mọi người Việt Nam, từ các đại gia cho đến những lao động chân tay đều đóng góp phần tiền ủng hộ cho các nạn nhân. Thậm chí, có nhiều chị em ở chợ Đào Hương còn trực tiếp đi đến từng quầy hàng, từng gia đình để mang về từng đồng tiền quyên góp cho các nạn nhân”, anh Dũng kể.

Anh Dũng kể tiếp, số tiền quyên góp về được một số người đứng ra thống kê, đếm rồi đổi sang tiền Việt. Sau khi trừ các chi phí lo tổ chức buổi lễ, thuê xe đưa thi thể về rồi được chia ra thành 9 chiếc phong bì, ghi tên tuổi từng nạn nhân để về nước.

“Tôi được biết tổng số tiền phải lên tới cả tỷ đồng tiền Việt Nam. Mỗi nạn nhân cũng được nhận mấy chục triệu từ quyên góp, giúp đỡ của bà con người Việt bên này”, anh Dũng kể.

Tiếp tục chia sẻ với phóng viên, vị Chủ tịch Hội Việt kiều nói rằng, tinh thần đoàn kết người trong một nước ở Lào nói chung và ở Pắc Xế nói riêng không phải qua sự kiện này mới thể hiện mà đó là bản sắc của người Việt tại Lào. Tinh thần giúp nhau trong cơn hoạn nạn của họ rất cao.

Còn vị Phó tổng Lãnh sự quán thì nói rằng, việc tổ chức được buổi lễ và đưa được 9 nạn nhân về ngay trong đêm 20/12 là một sự thành công.

Qua vụ việc để thấy được vai trò của cơ quan đại diện, hội Việt kiều, tình hữu nghị của nước bạn và đặc biệt tinh thần giúp nhau trong cơn hoạn nạn được cộng đồng người Việt phát huy cao.

Duy Tuấn