- Sau khi chứng kiến việc bắt rùa của Đội lai dẫn thất bại, một độc giả có tên Trần Anh Tú đã mạnh dạn đưa ra phương án mới và thông qua báo VietNamNet mong các cơ quan chức năng đang tiến hành công việc dẫn cụ rùa lên cạn để chữa trị tham khảo.
 

Phương án của anh Tú là thiết kế một chiếc lồng sắt lưới B40, kích thước rộng 2,5m dài 6m được bao quanh bởi lưới B40. Mặt trong lồng phải được phủ bằng các nguyên liệu mềm cùng màu nước dạng vải, đáy lồng sắt phải được lót lớp tấm mền mềm màu nước tránh gây tổn thương đến móng và các vết thương.

Tiếp đó là việc chế tạo các loại phao nhỏ tự động bung khi vướng nhẹ vào cụ đặt trên lối vào lồng sắt và phía trong lồng sắt để phát hiện hướng đi của cụ rùa, kịp thời đóng lại khi cụ đã vào vị trí an toàn. Lồng sắt phải chế tạo sao cho khi đóng mở phải êm, nhẹ nhàng, phần đáy các thanh sắt chịu lực 4 cạnh, cửa đóng mở phải chạy êm trên thanh ray dẫn hướng.

Sau khi nhốt được cụ rùa vào lồng thì dùng phao bơm khí để nâng và lai dẫn. Trước khi nâng lên bờ, dùng 2 thanh sắt đủ dài, lực được gia cố định vị theo chiều 6 m. Với phương pháp này, anh Tú đảm bảo không gây tổn thương thêm, không gây hoảng loạn cho cụ rùa đảm bảo an toàn cho người bắt rùa.
 
Lồng sắt theo thiết kế của độc giả VietNamNet.

Cơ sở phương án

Với thiết kế lồng sắt khi cụ rùa đã vào trong lồng thì đảm bảo rất an toàn đối với chính cụ rùa và con người, không bị các vật cản khi di chuyển tác động vào (luôn giữ được tư thế tự nhiên, cụ rùa có thể bơi) và móng chân cũng không vô tình làm hại người giúp cụ. Việc dẫn cụ rùa vào lồng là rất dễ dàng thực hiện dưới nước.
 
Rất dễ dàng khi nâng cụ rùa lên từ dưới mặt nước không bị các vật cản tỳ đè lên gây hoảng sợ và làm yếu sức của cụ rùa. Thiết kế các chùm phao nhỏ tự động nổi khi cụ rùa trên đường bơi vướng nhẹ vào để phát hiện hướng, vị trí di chuyển và phát hiện được cụ rùa đã vào lồng hay chưa vào.

Thiết kế này gọn nhẹ không cần đến nhiều người gây ảnh hưởng đến tinh thần cũng như sức khỏe, khi cụ rùa đã vào lồng vẫn đảm bảo được sự ổn định của môi trường khi triển khai các công việc chữa trị, điều khiển mực nước trong lồng theo các phao lai dắt. Việc thay đổi môi trường, nhiệt độ rất quan trọng đối với các cụ rùa nhiều tuổi. Khi tôi theo dõi công việc trực tiếp bắt cụ rùa, tôi thấy khi vòng lưới bắt đầu khép lại cụ bơi xung quanh tìm các hướng thoát ra.
 
Cụ rùa không chủ động phá lưới mà đi theo vòng quây của lưới. Chỉ khi vòng lưới khép gần với sự hoảng sợ và theo lực quán tính cộng thêm lưới quá mỏng thì rách là điều hiển nhiên. Vậy tại sao ta không làm lồng như thế để "mời" cụ rùa vào một cách nhẹ nhàng, không gây nên hoảng sợ, có thời gian chuẩn bị các bước tiếp theo. Tuy nhiên, cần lưu ý khi dùng lồng sắt phải được lót đáy, vách lồng bằng các vật liệu mềm cùng màu nước.
 
Phản đối việc dùng lưới bắt

Khi cụ rùa vào trong túi lưới với các mành lưới không có sự ổn định về vị trí sẽ gây ra việc chao đảo mành lưới.

Con người và các vật dụng khác có thể làm tổn thương thêm các vết thương sẵn có trên người cụ rùa, dẫn đến gây hoảng sợ và dẫn đến các diễn biến xấu khác khó lường.

Việc lai dẫn và nâng cụ rùa lên cũng rất khó khăn, có thể gây thêm các chấn thương nghiêm trọng đối với chân, cổ vì với với trọng lượng gần 200kg khi nâng lên không trải dàn đều lực lên toàn bộ cơ thể (tư thế tự nhiên) mà chỉ dồn vào một vị trí nào đó trên cơ thể cụ, có thể gây gãy chân hoặc cổ.
 
Duy Tuấn (ghi)

Đừng 'bắt' cụ rùa như... đánh cá
Cụ rùa rụt rè nổi sau khi bị "bắt" hụt
Lai dẫn thô bạo là bức tử rùa!
Bao giờ 'bắt' lại rùa Hồ Gươm?
Hành trình chữa trị rùa Hồ Gươm
Cụ rùa cần ngay chuyên gia ngoại