- Các tỉnh thành còn lại trong cả nước đều có sai sót trong tiêm chủng, đặc biệt là ở khâu bảo quản và kỹ thuật tiêm.

Thanh tra Bộ Y tế đã có kế hoạch lập 2 đoàn kiểm tra công tác tiêm chủng, sử dụng vắc xin và yêu cầu các địa phương trong cả nước báo cáo về công tác tiêm chủng từ cuối tháng 5. Đến thời điểm này, đã có trên 30 tỉnh gửi báo cáo về Bộ Y tế.

Kết quả cho thấy các tỉnh thành còn lại trong cả nước đều có sai sót trong tiêm chủng, đặc biệt là ở khâu bảo quản và kỹ thuật tiêm.

{keywords}

Nhiều tỉnh thành trong cả nước có sai sót trong tiêm chủng - (Ảnh minh họa: C.Q)

 

Có thể lấy ví dụ ở Quảng Ninh. Nhiệt kế theo dõi nhiệt độ vắc xin tại các trạm y tế bị hỏng nhiều nhưng chưa được thay thế, có nơi chỉ còn 1 nhiệt kế hoạt động. Tủ lạnh bảo quản vắc xin cũng trục trặc.

Tại Nam Định, cơ sở không đủ bình tích lạnh để bảo quản vắc xin, một số nơi cán bộ y tế chưa thuần thục cách cấp cứu khi xảy ra sốc phản vệ sau tiêm chủng, tư vấn trước tiêm hạn chế, chưa theo dõi đủ 30 phút sau tiêm, kỹ thuật tiêm chưa tốt, …

Ngay tại Hà Nội, các sai sót trong tiêm chủng cũng khá nhiều (kỹ năng thực hiện mũi tiêm chuẩn chưa đạt (hơn 37%), tư vấn sau tiêm chủng chưa đầy đủ (gần 29%), dây chuyền lạnh bảo quản văcxin như thiếu phích văcxin, thiếu bình tích lạnh, nhiệt kế, tủ lạnh hỏng chưa sửa chữa kịp thời (gần 27%), ….)

Báo cáo của Ban chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho thấy, trong số 11 loại đang tiêm cho 1,7 triệu trẻ Việt Nam mỗi năm gần đây đã ghi nhận 2 loại có liên quan nhiều đến tai biến tử vong đó là văc-xin Quinvaxem và vắc xin viêm gan B. Còn 9 loại khác hầu như không có tai biến nặng.

Hiện Việt Nam đã triển khai tiêm chủng miễn phí 11 loại văcxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới 100% tỉnh, thành trên cả nước, gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, bại liệt, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn và bệnh do vi khuẩn Hib.

HIện 10/11 loại bệnh tại Việt Nam được phòng ngừa bằng văcxin sản xuất trong nước (văcxin Hib hiện Việt Nam chưa sản xuất được). Số lượng văc-xin hàng năm sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là khoảng 35-40 triệu liều, kể cả văc-xin trong nước và nhập khẩu.

Nói về việc Việt Nam dùng nhiều vắc xin thế hệ cũ nên tỷ lệ gây phản ứng sau tiêm cao, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thế hệ văcxin mới (vắc xin vô bào) ít gây ra những phản ứng phụ. Nhưng hiện nay có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế cho rằng khả năng sinh miễn dịch của thế hệ vô bào kém hơn toàn tế bào.

Theo ông Bình, tại Việt Nam, chính thế hệ vắc xin cũ (vắc xin toàn tế bào) đã giúp thanh toán và kiểm soát được nhiều bệnh nguy hiểm (bại liệt, sởi, bạch hầu, …). Vì thế, với vắc xin thế hệ mới, cần tính toán thời điểm, điều kiện kinh tế xã hội, tình hình dịch tễ hiện tại để có chỉ định phù hợp.

“Giá cả ở là một vấn đề, nhưng không phải là tất cả”, ông Bình nhấn mạnh.

Cẩm Quyên