- Ngày 29/8, tại phiên họp về tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2013, liên quan tới vấn đề lương “khủng” của 4 DN công ích vừa bị công khai, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết “tôi nghe mà choáng” và cương quyết “sẽ trị đến nơi đến chốn”.  

Ngày 29/8, cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM diễn ra khá “nóng” bởi thông tin lương “khủng” của lãnh đạo doanh nghiệp công ích.      

“Mấy hôm nay nóng nhất là vụ lương giám đốc 2,6 tỷ đồng/năm. Nghe mà choáng! Hôm nay có lãnh đạo các ngành giao thông vận tải ở đây hay không, ngành của anh sao giỏi vậy?

Trước đây, UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra, mấy ổng làm đơn gửi lên Thành ủy, nhờ đấu tranh, kiểm tra mới lòi ra sai phạm”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân gay gắt.

{keywords}

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân: "Tôi nghe mà choáng! Cương quyết sẽ trị đến nơi đến chốn!" 

Người “chịu trận” đầu tiên khi vị chủ tịch Lê Hoàng Quân truy vấn đề lương "khủng" là ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM.

Theo giải trình của ông Thanh, từ cuối năm 2010, 4 công ty chi lương “khủng” trên không còn trực thuộc Sở GTVT mà chuyển thành Công ty TNHH một thành viên hoạt động trong lĩnh vực công ích.

“Do vậy lãnh đạo Sở không tham gia phê duyệt lương của các doanh nghiệp này nữa mà do họ tự hạch toán và chi trả” - lời ông Thanh.

Ông Lê Hoàng Quân tiếp tục truy: "Theo Sở, việc chỉ đạo chuyển từ hợp động dài hạn sang ngắn hạn có đúng hay không? Về góc độ nào đó các công ty này trực thuộc quản lý của TP, nhưng về chuyên môn Sở có nắm được họ làm gì không?".

Ông Thanh trả lời: "Việc chuyển hình thức hợp đồng, rõ ràng là doanh nghiệp sai rồi. Còn về trách nhiệm của Sở, chúng tôi đã phối hợp liên ngành với Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB&XH tiến hành kiểm tra, kiểm điểm những trường hợp sai phạm và sẽ có báo cáo trình TP sớm nhất”.     

Theo ông Lê Hoàng Quân, năm ngoái Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã được ngân sách nhà nước rót gần 600 tỷ đồng. Trong khi đó, đơn gửi Thành ủy, đơn vị này lại lấy lý do là do thực hiện chỉ đạo của UBND TP làm giảm nguồn thu của công nhân.  

“Lương công nhân có giảm thật, giảm của công nhân, lương giám đốc ban quản lý không giảm. Truy ra thì mấy ông nói tiền do mấy ông làm ra, không đụng đến ngân sách, nếu giỏi vậy thì nhờ đến ngân sách làm gì ?”, ông Quân bức xúc.

Đồng thời, theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, chi như vậy là sai chế độ chính sách, sai về quan điểm.

“Nếu không phải doanh nghiệp nhà nước, làm thử xem có lời được như vậy không? Sửa, phải sửa kiên quyết! Sắp tới, chỉ đạo tổng kiểm tra quỹ lương các doanh nghiệp nhà nước.

Có đơn vị quỹ lương thành phố duyệt chỉ có hơn 1 tỷ nhưng dám chi hơn 4 tỷ đồng. Cuộc họp nào UBND cũng chỉ đạo, nhắc nhở, sai vẫn sai. Kỷ luật nhà nước, lập lại kỷ cương ý thức trách nhiệm”, ông Quân nhấn mạnh.

Về quan điểm xử lý vụ lương “khủng” vị chủ tịch TP.HCM cương quyết: "Bớt lương bớt thu nhập của công nhân làm giàu cho lãnh đạo, làm như vậy ai xem được. UBND TP sẽ chỉ đạo trị đến nơi đến chốn".

Cũng liên quan tới vấn đề này, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, thuộc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, việc lấy tiền lương của người lao động chi cho ban điều hành là sai.

“Họ không thể lấy quỹ tiền chung để chi cho ban điều hành. Vấn đề xây dựng quỹ lương phải trên cơ sở định mức”, bà Trang nhấn mạnh

Theo bà Trang, căn cứ vào thông tư 27 năm 2010 của Bộ LĐ-TB&XH đã quy định rất rành mạch hai quỹ tiền lương: lương của ban điều hành và của người lao động.

Thông tư 27 đã nêu rõ khi chuyển qua công ty TNHH một thành viên là mỗi năm các doanh nghiệp phải báo cáo quỹ tiền lương thực hiện theo phê duyệt của Ủy ban nhưng hiện nay không có doanh nghiệp nào thực hiện báo cáo.

Trong khi việc báo cáo này là cơ sở để giám sát, quản lý và Ủy ban giao định mức hằng năm.

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, vừa qua Sở phối hợp với Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà nước tiến hành thanh tra 8 đơn vị công ích 100% vốn Nhà nước, phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, các đơn vị chỉ ký hợp đồng thời vụ cho hầu hết các lao động, mặc dù các lao động này có người đủ điều kiện để ký hợp đồng có thời hạn, có người đủ điều kiện ký hợp đồng không thời hạn. Các đơn vị trên chỉ ký hợp đồng lao động 3 tháng/lần, để không đóng bảo hiểm.

Ngoài ra, các đơn vị trên cũng lấy quỹ lương của người lao động chi trả cho cán bộ viên chức. Đây là sai phạm về quản lý tài chính và đạo đức…

Nam Tiến