- Theo các luật sư, cơ quan công an có đủ cơ sở pháp lý để xem xét xử lý đối với những người tham gia “hôi bia” ngày 4/12.
Luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: Trong những ngày qua, vụ việc “hôi bia” tại vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Ngọc Quý cho biết, việc một số cá nhân tham gia “hôi bia” đã thể hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.
Hình ảnh "hôi bia" hôm 4/12 ở Biên Hòa, Đồng Nai. |
Cụ thể trong trường hợp này, nếu người tham gia “hôi bia” chiếm đoạt số bia có tổng giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên là đã có dấu hiệu hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 Bộ Luật Hình Sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình Sự năm 2009.
Trong trường hợp cá nhân "hôi bia" chiếm đoạt tổng tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng thì sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số : 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể: tại điểm b khoản 1 và khoản 4 điều 18 của Nghị Định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.
Trên cơ sở này, cơ quan công an sẽ xem xét xử lý đối với những người tham gia “hôi bia” theo quy định pháp luật.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Công Ly Tao - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Về góc độ văn hóa, đây là một trường hợp đáng tiếc, thể hiện lối ứng xử thiếu văn minh, đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người. Để chấn chỉnh tình trạng trên, cơ quan chức năng cần thu thập chứng cứ và đưa ra biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Ly Tao, người tài xế hoàn toàn bị động trong lúc xảy ra vụ việc. Hành vi chiếm đoạt bia của các cá nhân diễn ra công khai, không được sự đồng ý của tài xế nên có dấu hiệu phạm tội "công nhiên chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, để xử lý hình sự, cơ quan điều tra cần phải thu
thập chứng cứ, chứng minh đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Khi đã đủ yếu tố
cấu thành tội phạm hình sự thì việc truy tố, xét xử là cần thiết.
Vị luật sư chỉ rõ việc xử lý những cá nhân "hôi bia" trong trường hợp này sẽ
được xử lý theo Khoản 1 Điều 137 thì người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của
người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu
đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi
chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án
tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này bao gồm: hành hung để tẩu thoát, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Những trường hợp còn lại có thể xử lý hành chính theo quy định.
Hôi của: A dua - bị động - xấu hổ
Nhìn nhận về hiện tượng hôi của, PGS.TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng cho rằng, họ nhảy vào hôi của và bào chữa rằng trong đám đông đó không ai biết ai, mọi người nhặt được mình cũng nhặt được, mình không nhặt người khác cũng nhặt. Vậy là, người ta đã hành động một cách có ý thức là a dua theo đám đông mà chà đạp lên sự đau khổ của người khác. Người ta đã chai lì cảm xúc, đó không chỉ là sự vô cảm mà là sự tước đoạt, sự thay đổi của lối sống nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi. Họ sẽ cắt nghĩa rằng, sự công bằng không được tôn trọng, họ thiết lập lại bằng cách tự chiếm đoạt của người khác, để giải thích cho hành vi vô cảm, chiếm đoạt đó. Đây còn là sự lệch lạc về giá trị sống. Họ không tin vào sự công bằng vì họ thấy có quá nhiều ví dụ trong cuộc sống. Họ dấn thân làm theo sự không công bằng đó theo hướng có lợi cho họ. Nhưng trong số đó, một số người đã bày tỏ sự ân hận, xấu hổ. Một khẩu hiệu được căng lên: “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4/12”. Có không ít người tự trọng cao không làm chuyện đó. Nhưng chẳng bao giờ được tôn vinh. Thực sự, để xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh không phải việc tuyên truyền, vận động, chỉ cần tất cả mọi người cùng xúm vào làm, điều đó sẽ trở thành văn hóa như nhiều nước đang có. Muốn vậy, lại một vòng quay tất yếu, xã hội văn minh rồi người ta sẽ tự giác. Và để thiết lập được cần có pháp luật, hình phạt phải được đặt ra trước đó. Chắc chắn ai làm người đó sẽ bị phạt nghiêm minh. Đ.Bảo |
M.Phượng (ghi)