- Trong suốt 10 năm qua cả nước có 4 ca tử vong do sởi (2009 có 2 ca, 2010 có 2 ca). Nhưng chỉ tính riêng trong vụ dịch từ đầu năm 2014 tới nay (mới gần 4 tháng) đã có 112 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng liên quan, trong đó có 25 trẻ được xác định là tử vong hoàn toàn do sởi. Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá điều này là “rất bất thường”.

Trao đổi với báo chí sáng 18/4, ông Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: Sởi hàng năm vẫn xảy ra với quy mô nhỏ, tản phát. 

Dịch sởi năm nay không bất thường về số lượng mắc và nằm trong chu kỳ (3-5 năm). Nhưng số ca tử vong là rất bất thường, chúng ta phải công nhận điều đó.

{keywords}
Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong buổi trao đổi với báo chí sáng 18/4

Vụ dịch năm 2009 có 2 ca tử vong, năm 2010 cũng vậy. Số ca tử vong trong vụ dịch năm nay (mới kéo dài khoảng 4 tháng – PV) khiến chúng tôi rất băn khoăn. Hiện chúng tôi đã xây dựng đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về “Đặc điểm dịch học, miễn dịch học, virus học và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở VN năm 2013-2014” để tìm lời giải đáp.

Tại sao bây giờ trẻ tử vong nhiều vậy? Yếu tố nào dẫn tới tử vong? Tại sao trẻ khác mắc sởi không tử vong, tại sao đa phần tử vong ở BV Nhi TƯ chứ không phải chỗ khác? Hiện chưa có bằng chứng khoa học lý giải rõ ràng điều này.

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ dịch này và chúng tôi hi vọng đề tài trên sẽ trả lời sớm, làm kinh nghiệm cho các mùa dịch tiếp theo.

Hạ tuổi tiêm chủng: Phải có bằng chứng rõ ràng

- Năm nay nhiều trẻ mắc và tử vong do sởi khi chưa tới 9 tháng tuổi – tuổi tiêm chủng mũi 1 vắc xin sởi theo lịch của Bộ Y tế. Ông có đánh giá gì về điều này? Phải chăng miễn dịch của người mẹ không đảm bảo? Có nên tiêm bổ sung vắc xin sởi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không?

Nếu người mẹ mắc sởi tự nhiên thì miễn dịch sẽ bền vững suốt đời, nếu được tiêm vắc xin đủ 2 mũi thì miễn dịch đó không bền vững suốt đời vì nồng độ kháng thể thấp hơn so với người mắc sởi tự nhiên, theo thời gian lượng kháng thể này cũng sẽ giảm dần đi. 

Trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi do không nhận đủ kháng thể từ mẹ truyền sang (qua nhau thai) để bảo vệ.

Nghiên cứu mà tôi nói đến ở trên cũng sẽ đo lường nồng độ kháng thể của phụ nữ ở tuổi sinh đẻ để có bằng chứng khoa học rồi mới quyết định có nên tiêm bổ sung vắc xin sởi cho phụ nữ ở tuổi này không. 

Việc có hạ thấp tuổi tiêm chủng (thay vì 9 tháng như hiện nay) hay không cũng như việc trẻ đồng nhiễm cả virus sởi và virus khác tử vong vì cái gì cũng phải chờ kết quả nghiên cứu khoa học để có bằng chứng rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ là ở các nước khác thì cũng có từ 10-20% trẻ dưới 9 tháng mắc sởi chứ không riêng gì Việt Nam. Ở tuổi này miễn dịch của trẻ chưa chín muồi để tạo miễn dịch chủ động, kháng thể của mẹ vẫn còn nên nếu tiêm vắc xin vào sẽ trung hòa, không có tác dụng.

- Có ý kiến cho rằng cần xem lại diện bao phủ của tiêm chủng và chất lượng vắc xin, bởi tỉ lệ tiêm mũi 1 của trẻ đạt 97% và mũi 2 đạt 87% nhưng có 4,2% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc bệnh? Ông nghĩ sao về điều này?

Vắc xin sởi đang sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam được đánh giá là vắc xin một trong những vắc xin tốt nhất thế giới, nhà máy và công nghệ tốt, dây chuyền của Nhật, đạt chuẩn của WHO.

Việc tiêm chủng, như tôi đã nói, rất khó để đảm bảo tỉ lệ đủ 100% (nhất là khi có tới 10-20% đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm chủng trong thời gian qua do việc khám sàng lọc trước tiêm rất chặt chẽ).

Thực tế cho thấy sởi vẫn xuất hiện nhưng đỉnh dịch lần sau thấp hơn hẳn lần trước. Có thể nói với bệnh sởi, tiêm chủng mở rộng vẫn rất hiệu quả. Nếu không tiêm thì bệnh có thể bùng phát cả phường, cả quận. 

Tại Hà Nội, dịch có ở cả 30 quận/huyện nhưng chỉ xuất hiện tản mác, mỗi phường vài ca. Tiêm chủng là cách phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất.

Cần công khai, minh bạch thông tin

- Ông nghĩ thế nào về giá trị của việc công khai thông tin trong tình huống như hiện nay? Công khai thông tin ở thời điểm này có phải chậm trễ không?

Công khai, minh bạch thông tin là cần thiết, mục đích là để biết dịch thế nào và phải làm gì? Việc công khai này không chỉ có ý nghĩa với cán bộ y tế mà còn có ý nghĩa với người dân, với chính quyền địa phương và cộng đồng để cùng tham gia chống dịch hiệu quả.

Thông tin cần nhanh, kịp thời và minh bạch, quan điểm của tôi là như vậy. Nếu thông tin sớm về số mắc, nguyên nhân tử vong thì huy động tốt hơn các khả năng để giảm tử vong

{keywords}
Nhiều trẻ em dưới 9 tháng tuổi mắc sởi trong vụ dịch năm nay, nhiều ca nặng và tử vong (Ảnh: C.Q)

- Theo ông, Việt Nam có nên công bố dịch không?

Khi công bố dịch cần giải đáp các câu hỏi: Công bố dịch để làm gì? Tại sao phải công bố? Nếu công bố để huy động cộng đồng nhằm chống dịch tốt hơn, giảm số mắc và số tử vong thì nên công bố.

- Dịch sởi năm nay có ảnh hưởng gì đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 mà Việt Nam đã cam kết với Tổ chức Y tế thế giới? Chỉ số cụ thể nào cho thấy đã loại trừ được bệnh sởi?

Nếu chúng ta làm tốt chiến dịch tiêm sởi – rubella cho 23 triệu trẻ từ 1-14 tuổi trong thời gian tới thì sẽ đảm bảo được mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 như đã cam kết.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng loại trừ sởi không có nghĩa là không có sởi mà là không lưu hành virus sởi ở cộng đồng lớn. Loại trừ sởi nghĩa là vẫn có lưu hành virus sởi trong trong một cộng đồng có miễn dịch cao. 

Để đạt được mục tiêu này, số mắc phải ở mức cao nhất là 1/triệu dân, nghĩa là cứ 1 triệu dân mới có 1 người mắc sởi. Như vậy nếu Việt Nam có 90 triệu dân thì tối đa chỉ có 90 người mắc sởi mới đạt mục tiêu.

- Xin cảm ơn ông!

Cẩm Quyên (ghi)