- Toàn ngành giao thông đã và đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe trên một số tuyến đường nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để “chữa trị”. Bản thân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đau đầu và nhiều đêm mất ngủ vì ngành đã cố gắng nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục.

Đau đầu vì đường hằn lún

Mở đầu cuộc họp khẩn tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục đường bị hằn lún vệt bánh xe chiều 24/6, đi thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt cho biết: Đây đã là năm thứ 4 liên tiếp Bộ GTVT chọn là năm chất lượng công trình nhưng vệt hằn, lún xuất hiện trên các tuyến quốc lộ. Dù dù được quan tâm tìm biện pháp nhưng vẫn chưa thể khắc phục được.

“Toàn ngành GTVT đau đầu, bản thân tôi cũng nhiều đêm mất ngủ vì mọi người đã cố gắng làm tốt nhưng vẫn chưa giải quyết được?!”, Bộ trưởng Thăng nói.

{keywords}

Bộ trưởng Thăng yêu cầu các Ban QLDA, Chủ đầu tư  ngay trong tháng 7 này phải có kế hoạch khắc phục các đoạn đường bị hư hỏng, có hiện tượng hằn, lún vệt bánh xe.

Theo ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN- Bộ GTVT, hằn lún vệt bánh xe xuất hiện nhiều và nghiêm trọng ở những vị trí cục bộ như điểm giao cắt, đỉnh dốc… 

Phân tích nguyên nhân, về chủ quan, ông Hoàng Hà cho rằng, do đơn vị thi công chưa kiểm soát được cốt liệu đầu vào. Trong khi, giải pháp thiết kế lại không linh hoạt giữa các vị trí đường, điều kiện vùng miền, thời tiết khí hậu.

ông Hà cũng đề cập đến một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội hiện nay là xe quá tải cũng là nguyên nhân chính gây nên hằn lún.

“Thống kê đoạn Hà Nam- Thanh Hóa, tỷ lệ xe quá tải lên tới 23%, trong đó phần lớn là xe quá tải đến gần 3 lần tải trọng cho phép cũng là nguyên nhân gây hằn lún…”, ông Hà dẫn chứng.

Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông, hằn lún vệt bánh xe có cả yếu tố thi công chưa có người chỉ huy đúng tầm để điều phối tất cả. Vài năm trở lại đây có sự nở rộ của các đơn vị thi công bê tông nhựa mà không hoặc có rất ít kinh nghiệm. Bởi vậy, không khắc phục được những nhược điểm trong khi thi công.

Đối với tác động khi đưa vào khai thác, ông Sanh cho rằng khí hậu và mật độ xe quá tải là những nhân tố ảnh hưởng lớn nhất.

Từ những phân tích của mình, ông Sanh đã kiến nghị một nhóm các giải pháp, trong đó có việc nghiên cứu thay đổi chiều dày kết cấu áo đường, thay đổi chủng loại vật liệu đối với những đoạn đường đặc biệt, thành lập Trung tâm Giám định kiểm định công trình giao thông, kiên quyết ngăn chặn xe quá tải, …

Thắt chặt tất cả các khâu

Nhằm khắc phục triệt để hiện tượng trồi, sụt lún nền mặt đường, đại diện các cơ quan chức năng trong ngành giao thông và chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe, chất lượng nhựa đường và công tác thi công, thiết kế.

Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp kể trên có giải quyết tận gốc tình trạng hằn lún hay không?”, thì vẫn chưa nhận được câu trả lời từ các đơn vị tham gia tại cuộc họp.

{keywords}
Xe quá tải được xác định là một trong những nguyên nhân gây hằn lún vệt bánh xe.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt vấn đề: “GTVT là ngành tiêu nhiều tiền nhất, vì vậy phải tiêu sao cho hiệu quả, xứng với đồng tiền của nhân dân. Bây giờ, các anh không cần theo quy trình, quy phạm. Nếu có giải pháp được, tôi sẵn sàng ký, thậm chí không cần phải trình, miễn là mặt đường không bị hỏng, bảo hành trong 5 năm”.

Vì chưa tìm được giải pháp cụ thể, nên người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT phải áp dụng các giải pháp đồng bộ và kiên trì.

Về lâu dài, Bộ GTVT đã giao Tổ nghiên cứu các giải pháp khắc phục hiện tượng hằn lún mặt đường bê tông nhựa tiếp tục thực hiện các thí nghiệm.

Đối với công việc trước mắt, Bộ trưởng Thăng giao từng đơn vị liên quan thực hiện dự án như Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Ban QLDA, Nhà thầu thi công phải nâng cao chất lượng, tăng cường kiểm định độc lập, kiểm tra, giám sát chặt các quy trình thiết kế, thi công.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng đồng ý đối với từng điều kiện địa hình địa chất khác nhau có thiết kế, kết cấu nền đường, áo đường cho phù hợp. Vị trí đặc biệt có thể điều chỉnh nhưng không được làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Ông Thăng cũng yêu cầu các Ban QLDA, Chủ đầu tư ngay trong tháng 7 phải có kế hoạch khắc phục các đoạn đường bị hư hỏng, có hiện tượng hằn, lún vệt bánh xe, chi phí khắc phục do nhà thầu chịu.

Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông phải kiểm tra lại tất cả các công trình sắp hết thời hạn bảo hành ít nhất là 3 tháng, nếu phát hiện vệt hằn, lún phải yêu cầu khắc phục ngay.

Vũ Điệp