- Sau 2 vòng tiêm liên tiếp cách nhau 1 tuần, Hà Nội đã tiêm được 165.341 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ từ 1-3 tuổi trên toàn thành phố.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Nhật Cảm, GĐ TT Y tế dự phòng Hà Nội cho biết tỉ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B của Hà Nội như trên đạt xấp xỉ 90%.
Bệnh nhi viêm não Nhật bản đang điều trị tại BV Nhi TƯ (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Dự kiến trong đợt tiêm chủng thường xuyên của tháng 7 tới (vào ngày 4-5/7), Hà Nội sẽ triển khai tiêm vét các đối tượng còn lại chưa được tiêm trong 2 đợt vừa qua để đảm bảo tỉ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đạt 95%.
Đây đang là tháng cao điểm của bệnh viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Tại BV Nhi TƯ, trong số bệnh nhân viêm não thì số lượng bệnh nhân viêm não Nhật Bản dương tính tăng đột biến (gấp hơn 3 lần so với cùng kì năm 2013).
Tại Hà Nội, ông Cảm cho biết từ đầu năm đến nay, toàn TP ghi nhận 12 ca viêm não Nhật Bản, đến thời điểm này chưa thống kê ca tử vong.
Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Việt Nam triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản với toàn bộ tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Phu khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch, đây là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng vắc xin viêm não với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. |
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vắc xin viêm não Nhật Bản bắt đầu được tiêm ở Việt Nam từ năm 1997 và từ đó diện tiêm được mở rộng dần tới các nơi có nguy cơ cao.
Năm 2013, cả nước còn 3 tỉnh chưa tiêm, tỉ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trên toàn quốc đạt khoảng 97%.
Nhờ hiệu quả của vắc xin viêm não Nhật Bản mà từ năm 1997 tới nay, tỉ lệ bệnh nhân viêm não Nhật Bản/số ca viêm não nói chung đã giảm mạnh từ 60% xuống chỉ còn 9%.
Những dấu hiệu bất thường của bệnh viêm não Nhật Bản đang diễn ra tại BV Nhi TƯ (tăng từ 8 lên khoảng 30% ca viêm não dương tính với viêm não Nhật bản) được ông Phu cho rằng cần phải xem xét kĩ dựa trên các yếu tố như độ tuổi, tiền sử tiêm chủng hoặc các yếu tố khác liên quan để đưa ra phân tích, đánh giá chính xác.
Sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng trong 5 tuần gần đâyÔng Trần Đắc Phu cho biết, tại Việt Nam bệnh tay chân miệng so với cùng kỳ năm 2013 thì số mắc cả nước giảm 7,6%, tử vong giảm 9 trường hợp nhưng số mắc có xu hướng gia tăng trong 5 tuần gần đây. Bệnh sốt xuất huyết số mắc giảm 45,2 %, tử vong giảm 6 trường hợp.
Trong khi đó, bệnh nhân tử vong vì virus MERS-CoV tiếp tục tăng. Ngày 26/6, Ả rập Xê út thông báo thêm số lượng 113 trường hợp nhiễm MERS-CoV, bao gồm 34 trường hợp tử vong.
Hà Nội sẽ tiếp tục tiêm miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-3 tuổi trong đợt tiêm chủng thường xuyên vào ngày 4-5/7 tới đây (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Cộng dồn tới nay, toàn cầu ghi nhận 820 trường hợp nhiễm MERS-CoV, trong đó có ít nhất 286 ca tử vong ở 22 quốc gia thuộc 4 châu lục.
Tổ chức Y tế thế giới thông tin rằng phương thức lây truyền, yếu tố dịch tễ và các đánh giá nguy cơ chưa có gì thay đổi so với trước đó.
Cẩm Quyên