- “Tôi không hiểu tại sao lại xảy ra sự cố này vì chỉ hai tuần trước Tổng công ty đã có cuộc sát hạch kiểm duyệt tại ACC HCM và anh em điều hành không có sai sót nào...”, vị Phó TGĐ Tổng công ty Quản lý bay VN băn khoăn.
“Mất điện tại sân bay do UPS hỏng là nói sai!” "Nói nguyên nhân mất điện tại Đài không lưu sân bay Tân Sơn Nhất do hỏng thiết bị cung cấp điện dự phòng (UPS) là hoàn toàn không đúng". |
Ứng cứu kịp thời vì…gần cuộc họp
Chiều 26/11, ông Nguyễn Văn Thăng - Phó TGĐ Tổng công ty Quản lý bay VN cho biết, sự cố đài không lưu Tân Sơn Nhất mất điện xảy ra đúng lúc lãnh đạo Tổng công ty đang họp tại trụ sở ở đường Nguyễn Sơn (quận Long Biên, Hà Nội).
Ngay sau khi nhận được thông báo, ông Đinh Việt Thắng (TGĐ Tổng công ty quản lý bay VN) đã chỉ đạo các cán bộ sang Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hà Nội - ACC HN (cách trụ sở Tổng công ty khoảng 400m) để chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục sự cố.
Nhờ có hệ thống điều hành dự phòng tại ACC Hà Nội mà Tổng công ty Quản lý bay VN đã ứng phó thành công sự cố mất điện tại đài không lưu Tân Sơn Nhất. |
“Anh em chúng tôi lúc đó rất lo lắng vì tầm ảnh hưởng của sự cố rất nghiêm trọng, nhưng chúng tôi là những người trong nghề nên không quá hốt hoảng, do vậy chỉ trong thời gian rất ngắn đã đưa ra phương án điều hành để anh em tại ACC HCM thực hiện ứng phó thành công...”, ông Thăng cho biết.
Theo ông Thắng, lúc đó ngoài việc quan sát được đường bay qua hệ thống kỹ thuật dự phòng tại ACC HN, các cán bộ ứng cứu đã phải sử dụng điện thoại liên lạc với các trung tâm điều hành bay khác, thực hiện điều hành các chuyến bay đi - đến TP.HCM, cũng như các sân bay lân cận...
“Cứu thua” nhờ hệ thống chạy thử nghiệm
Hơn một tuần sau sự cố Đài không lưu Tân Sơn Nhất mất điện dẫn đến mất khả năng điều hành bay tại ACC HCM, nhìn lại sự cố các nhà chuyên môn nhận định: đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chúng ta đã quá may mắn khi không để xảy ra sự cố uy hiếp an toàn bay trong khoảng thời gian 35 phút mất điện.
Trao đổi với VietNamNet, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh đánh giá, đây là sự cố không chỉ gây ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động bay trong nước mà còn ảnh hưởng đến cả hoạt động bay quốc tế.
Nhờ điều hành khắc phục sự cố mất điện không lưu Tân Sơn Nhất tốt nên đã không có sự cố uy hiếp an toàn bay nào xảy ra trong 35 phút mất điện. |
Ông Thanh cho biết, khi xảy ra sự cố mất điện trong vùng FIR HCM có 54 tàu bay đang hoạt động quản lý, nếu tính cả trong 35 phút có 92 chuyến bay hoạt động, trong đó có 8 chiếc đang bay vào vùng tiếp cận của Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất để chuẩn bị hạ cánh…
Thế nhưng, trong lần đầu tiên xảy ra sự cố, ACC HCM dưới sự chỉ đạo của Tổng công ty Quản lý bay VN tại Long Biên (Hà Nội) đã thực hiện phương án đối phó không lưu và hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay trong tình huống đặc biệt nghiêm trọng.
“Trong thời gian ngắn nhất Tổng công ty quản lý bay tại Hà Nội đã chỉ huy Tân Sơn Nhất điều hành các chuyến bay hạ cánh an toàn, đồng thời phối hợp với các vùng PIR lân cận để hiệp đồng ngăn chặn các chuyến bay vào vùng FIR của Việt Nam…”, ông Thanh cho biết.
Đến 12h19 phút, cơ quan chức năng đã điều hành các chuyến bay trở lại. Đến 15h40 phút đã khôi phục hoạt động bình thường qua điện cấp qua UPS.
Trong sự cố mất điện vừa qua, việc ứng phó thành công là nhờ một phần rất lớn từ hệ thống kỹ thuật dự phòng cho ACC HCM được lắp đặt tại ACC HN đang trong thời gian chạy thử nghiệm.
Và trong tình huống “bất đắc dĩ” hệ thống kỹ thuật điều hành bay dự phòng này đã phát huy được năng lực và sự cần thiết.
Khi được hỏi về việc đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố mất điện đài không lưu hôm 20/11, ông Nguyễn Văn Thăng cho biết, ông không thể đưa ra bình luận hay đánh giá nào, bởi sự việc đang trong quá trình điều tra.
Vũ Điệp