- Chị cứ ngồi như thế suốt nhiều giờ liền. Nét mặt buồn rười rượi. Đôi mắt dõi xa, không rời vị trí trục vớt trên sông. 15 thi thể nạn nhân xấu số đã được tìm thấy và đưa vào bờ. Vậy mà con chị, cháu Phạm Xuân Khánh 9 tuổi vẫn còn bặt vô âm tín...

Con ơi, hãy về với mẹ
 
Hung tin đến với chị vào tối 20/5 khi chị còn đang mải mê công việc trong một xưởng may ở Tân Thành (Bình Phước). Không còn lòng dạ nào để tiếp tục, chị tức tốc đi suốt đêm về đến đây chỉ mong nhìn mặt con lần cuối.

Chị là Phạm Thị Hường, một thiếu phụ ngoài 30 tuổi, là mẹ của Khánh, một trong 16 nạn nhân được ghi nhận là mất tích trong vụ lật tàu du lịch Dìn Ký trên sông Sài Gòn.

Nhận diện người thân. Những giọt nước mắt lăn xuống
Khánh đi cùng với cha và mẹ kế lên con tàu này để dự buổi tiệc mừng sinh nhật con ông giám đốc công ty nơi bố cháu làm việc. Tiệc đang vui, con tàu cứ trôi lờ lững giữa dòng, chậm chậm di chuyển trên đoạn sông ngang qua khu du lịch.

Cơn mưa nặng hạt ập đến. Mưa càng lúc càng to. Gió thổi mạnh vào trong khoang tàu. Cửa khoang được đóng lại. Cuộc vui tiếp tục. Thình lình, con tàu chuyển động mạnh. Mọi người nhớn nhác tìm cách rời tàu nhưng sự cố đến quá nhanh. Chỉ vài người thoát thân được trong đó có bố cháu. Cả một con tàu 2 tầng và 16 người bị dìm xuống đáy sông...

Sau gần 20 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được con tàu. Lần lượt từng thi thể được đưa lên. Chị Hường có mặt trong số những thân nhân nạn nhân được mời đến nhận diện. Lần này không phải Khánh, đợt khác rồi cũng không. Cứ thế, hết 15 người mà bóng dáng của con mình vẫn chưa nhìn được.
Chị Phạm Thị Hường và con gái trông ngóng tin con
Chị trở về chiếc ghế được đặt ngay bàn vong khói hương nghi ngút. Đôi mắt chị không rời vị trí trục vớt trên sông. Mỗi thao tác, mỗi xoay trở của các chiến sĩ cứu hộ đều làm cho mắt chị ngời lên, nhưng sau đó lại chùng xuống. Chị thầm van vái: "Con ơi có linh thiêng hãy về với mẹ...".   

Nỗi đau càng xé ruột hơn khi nghe những câu bàn tán. Anh em người nhái đã phát hiện ra Khánh ở tầng dưới của con tàu, nhưng bàn ghế, vật dụng và một lớp bùn non đè cứng nên thi thể rất khó đưa ra... Càng nghe, tâm can chị càng thắt lại...
 
"Bao giờ anh hai về hả mẹ?"
 
Chị xây dựng gia đình đã hơn 10 năm, có hai con một trai một gái. Hôn nhân của chị không trọn vẹn, cuối năm 2010, gia đình tan vỡ. Chia tay với chồng, mỗi người một đứa con, chị đưa bé gái mới 3 tuổi về Bình Phước tìm kế sinh nhai, để lại đứa con trai sống cùng cha và người mẹ kế.

Câu chuyện thỉnh thoảng bị đứt quãng vì tiếng nấc. Chị nói, cháu ngoan và học rất giỏi. Cháu vừa thi học kỳ 2 xong chuẩn bị hết hè vào lớp 4. Mới đây thôi, hôm 30/4, cháu về chơi được mấy hôm. Những ngày này, Khánh luôn quấn quýt bên mẹ và em.
Lực lương cứu hộ tiếp tục tìm kiếm
Khánh thương mẹ, thương em nhưng hoàn cảnh khá éo le khiến hai mẹ con không được gần với nhau. Tuy xa cách nhưng mỗi ngày, ít nhất hơn một lần mẹ con đều trò chuyện qua điện thoại. Những lời giáo huấn, những câu nói yêu thương chị và Khánh trao đổi nhau và cũng chính nhờ những cuộc trò chuyện đó, nỗi nhớ con cũng vơi bớt. Ấy thế mà bây giờ...

Chị cứ ngồi ở đó trông ra sông. Nhiều giờ liền trôi qua chị không rời ghế. Mọi thứ với chị đều vô nghĩa, ít nhất trong lúc này. Chúng tôi ái ngại nhìn chị. Chị vẫn thế. Đứa bé ngồi trong lòng mẹ ngây thơ, hồn nhiên chưa nhận thức được vụ việc.

“Chừng nào anh hai về hở mẹ ? Con nhớ anh hai quá” - câu hỏi làm nước mắt chị tuôn trào. Ôm chặt lấy đứa con, chị òa lên nức nở.

Ngoài kia, trên sông công tác tìm kiếm vẫn còn tiếp tục...
 
Trần Chánh Nghĩa – Đàm Đệ