– Không chỉ có người nghèo, cận nghèo, lao động tự do chưa có thẻ BHYT mới lo khi viện phí tăng. Ngay cả người đã có thẻ BHYT cũng “sốt vó” trước thông tin 350 dịch vụ y tế sẽ tăng giá gấp 10 lần so với trước đây. Nguyên nhân là vì dù có thẻ nhưng họ thường xuyên phải bỏ thẻ, móc hầu bao để ra khám dịch vụ cho nhanh!

TIN LIÊN QUAN:

Bỏ BHYT vì phải chờ đợi quá lâu

Bộ Y tế cho biết khi tăng viện phí, mọi dịch vụ được thanh toán qua thẻ BHYT cho người có thẻ BHYT, người bệnh chỉ phải trả từ 5-20% phần đồng chi trả (tùy theo đối tượng). Vì thế, việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người có thẻ BHYT (chiếm khoảng 62% dân số cả nước).

Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh BHYT cho biết cách giải thích này không đủ sức thuyết phục và trấn an họ, bởi trên thực tế, dù có thẻ BHYT nhưng rất nhiều người đã phải bỏ thẻ để ra khám dịch vụ vì không thể chờ đợi được lâu, bác sỹ và y tá lại có thái độ phân biệt đối xử giữa bệnh nhân BHYT với bệnh nhân dịch vụ khiến họ bức xúc.

Vì thế, dù là có thẻ nhưng họ vẫn phải mất một khoản tiền lớn để được khám chữa bệnh. Nếu tăng giá viện phí, khoản tiền này cũng tăng theo và điều đó là một băn khoăn lớn.
 
Cảnh chờ đợi phổ biếnở khu vực khám BHYT của các bệnh viện tại Hà Nội. Với thời gian chờ đợi, bệnh nhân có thể ngủ đủ một giấc

Chị Nguyễn Thu Hà từng đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai vì bệnh viêm thoát vị đĩa đệm và đau đầu kinh niên. Dù là bệnh nhân BHYT và đi khám đúng tuyến nhưng khi đến Bạch Mai, chị đành “bỏ cuộc” bởi chứng kiến cảnh tượng đông đúc, quá tải của bệnh viện.

“Tôi chờ từ sáng đến trưa mới được khám. Trong khi đó, cảnh tượng tại phòng siêu âm, chụp X-quang không khác gì cảnh hành khách chen lấn lên tàu xe ngày Tết. Nhức đầu không chịu nổi, tôi bảo chồng thôi bỏ BHYT để lên khoa khám dịch vụ, chờ đợi thế này tôi ốm thêm”, chị Hà cho biết.

Sang khoa khám dịch vụ, chị được khám ngay sau khoảng 10 phút làm thủ tục. Tất nhiên, mức giá mà khoa khám dịch vụ đưa ra cũng cao hơn nhiều so với khoa khám bệnh thông thường!

Đây cũng là hiện tượng “cơm bữa” ở các bệnh viện tuyến trên, khi mà lượng bệnh nhân lên tới 2.000-3.000 người/ngày, có nơi lên tới 6.000-7.000 người/ngày.

“Nếu ít nữa viện phí tăng mà cung cách phục vụ bệnh nhân BHYT vẫn như cũ, có khi tôi không dám khám dịch vụ nữa mà phải “cam chịu” cảnh chờ đợi”, chị Hà bức xúc.

Trung thành với BHYT cũng toát mồ hôi hột

Chị Hà là đại diện cho những bệnh nhân năm thì mười họa mới dùng đến thẻ BHYT. Song có một bộ phận người bệnh rất “trung thành” với BHYT. Đó là những người mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo.

Đối với những đối tượng này, dịch vụ khám chữa bệnh BHYT có tệ đến đâu thì họ cũng vẫn cố phải theo vì không có đủ tiền để trả cho các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Tại khoa thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, quỹ BHYT thanh toán tối đa chi phí cho một lần chạy thận là 400.000 đồng. Mỗi bệnh nhân tại đây phải bỏ thêm khoảng gần 3.00 ngàn đồng cho mỗi lần chạy thận để chi phí cho tiền thuốc thang, ăn uống và khoản đồng chi trả 5%.

Đại đa số họ là những người nông dân nghèo. Vì thế, khoản tiền đồng chi trả 5% sẽ tăng mạnh nếu giá viện phí mới được áp dụng.

Chật vật vì bị khống chế trần thanh toán

Bệnh nhân BHYT mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo lo lắng với khoản đồng chi trả 5% khi tăng viện phí

Hiện nay, chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng người tham gia BHYT nhưng bỏ BHYT để khám dịch vụ. Vụ trưởng Vụ BHYT Tống Thị Song Hương khẳng định chỉ những người mắc các bệnh nhẹ, thông thường thì mới bỏ BHYT, còn khi mắc bệnh nặng người dân không bao giờ dám bỏ BHYT bởi khi đó học phải sử dụng đến những dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Tuy nhiên, thực tế lại khác. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế thì trong 4 tháng đầu năm 2011, đã có gần 300 bệnh nhân bỏ thẻ BHYT lại cho bệnh viện sau khi đến khám mà không thanh toán được viện phí.

Hầu hết những bệnh nhân này đều chụp CT và khám bệnh kỹ thuật cao, số tiền đồng chi trả (ngoài phần được BHYT thanh toán) khá lớn, họ không có khả năng chi trả…

Đây là hệ quả tất yếu của việc BHYT khống chế trần thanh toán cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sử dụng kỹ thuật cao chi phí lớn. Theo đó, dẫu có sử dụng kỹ thuật cao đến đâu thì mức tối đa họ được thanh toán là 40 tháng lương tối thiểu/1 lần điều trị (tương đương gần 30 triệu đồng).

Trên thực tế, có những bệnh nhân một đợt điều trị cũng hết đến vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng (tính theo mức giá viện phí cũ). Bởi thế, trước thông tin tăng giá viện phí, người bệnh BHYT cũng sốt ruột chẳng kém người bệnh chưa có thẻ BHYT!

Dư luận quan tâm đặc biệt

Trên các diễn đàn trực tuyến, vấn đề viện phí mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới từng con người, từng gia đình.

Bức xúc nhất là những người thường xuyên phải đi khám bệnh bằng BHYT nhưng không thể dùng thẻ BHYT để khám bệnh (vì chất lượng phục vụ, chất lượng khám quá kém).

Những đối tượng này cho biết trước khi đòi tăng viện phí, Bộ Y tế cần phải có một cuộc cải tổ trước về chất lượng dịch vụ, thái độ, y đức để nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trước chủ trương lớn này.

Ngọc Anh

TIN LIÊN QUAN: