- Sau khi mở diễn đàn về việc tăng viện phí, VietNamNet đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Trong số những ý kiến gửi về, chủ yếu có 2 quan điểm: Một là không đồng tình tăng vì y tế là dịch vụ an sinh xã hội, tăng trong bối cảnh này là không phù hợp (ý kiến này chiếm ưu thế); Hai là đồng ý tăng, nhưng mức tăng cần phải được xem xét để không vượt quá khả năng chi trả của người dân và quỹ BHYT.
Tăng viện phí, nên hay chưa?
Để rộng đường dư luận, báo
VietNamNet mở diễn đàn về vấn đề tăng viện phí để bạn
đọc đóng góp ý kiến đa chiều về vấn đề dân sinh, thiết
thực nóng bỏng này.
|
Ngoài ra, có không ít bạn đọc đã “đề xuất” những biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế mà không cần phải tăng viện phí với mức 10-20 lần như dự thảo mà Bộ Y tế đưa ra.
Hiện nay, dự thảo về giá dịch vụ y tế vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và lấy ý kiến của các chuyên gia. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cần thực hiện chính sách này một cách thận trọng và có thể thuê chuyên gia nước ngoài để thẩm định giá viện phí mới.
Ủng hộ nhưng cần xem xét mức tăng
“Cơ bản là tôi đồng ý chủ trương tăng viện phí để bệnh viện có nguồn thu, đảm bảo cho cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và tiền lương nhân viên ngành y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì cần xem xét xem tăng viện phí vào lúc này đã phù hợp chưa?
Sở dĩ phải nói cụm từ “cần xem xét” là bởi Nhà nước luôn khẳng định kinh tế nước ta phát triển, đời sống nhân dân đã được cải thiện nhưng thực tế là ngay đến công chức cũng có không ít người sống bếp bênh vì lương quá thấp, họ chẳng có “màu mè” gì. Đó là chưa nói đến người nghèo”, bạn đọc Lam Sơn băn khoăn.
Ngay cả những người ủng hộ chủ trương tăng viện phí cũng băn khoăn 3 điểm: Mưc tăng, thời điểm tăng và lộ trình tăng. Ngay cả bệnh nhân BHYT được thanh toán đến 80%, chỉ phải đồng chi trả 20% nhưng họ rất lo trước mức giá mới |
Đồng tình với bạn đọc Lam Sơn, bạn đọc Hoàng Nguyễn cho rằng giá một số dịch vụ y tế đã lạc hậu, và việc tăng giá là chính đáng, có thể giúp người bệnh tránh được tình trạng vòi vĩnh, tiêu cực từ bác sỹ, thậm chí trách cả việc lạm dụng xét nghiệm để... tận thu.
Tuy nhiên, việc tăng viện phí phải cân đối với đời sống người dân và phải đi đôi với việc tăng chất lượng điều trị, phục vụ và kiểm soát thật tốt.
“Bộ trưởng Bộ Y tế cam kết sẽ tăng chất lượng dịch vụ, sẽ có lợi cho người dân nhưng Bộ trưởng không nói rõ lợi như thế nào và cũng không thấy Bộ trưởng đưa ra chương trình hành động cụ thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, y đức bác sỹ, vv … Nếu Bộ trưởng chỉ nói suông thì rất khó thuyết phục”.
“Tăng viện phí tôi nghĩ là nên ủng hộ, vì không kể khu vực khám theo yêu cầu thì đúng là khung thanh toán cho bệnh nhân BHYT có giá rất thấp. Y tế là một “hàng hóa, dịch vụ đặc biệt” nhưng cũng như các “sản phẩm” khác. Nếu “sản phẩm” có chất lượng và giá tăng hợp lý thì có lẽ không ai thắc mắc.
Nhưng đằng này ngành y tế chưa tìm được giải pháp đột phá để tăng chất lượng khám chữa bệnh thì đã đòi tăng viện phí.
Như vậy người dân thắc mắc là chính đáng. Bây giờ chỉ có hành động và kết quả thực tế thì mới thuyết phục được người dân. Mà điều này, cho đến nay, ngành y tế vẫn chưa làm được”, bạn đọc Tuấn Vũ cho biết.
Không ủng hộ
Sôi sục nhất vẫn là những ý kiến không ủng hộ tăng viện phí bởi đời sống người dân hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Viện phí vốn đã là một cái bẫy đói nghèo (theo quan điểm của WHO) và là một lĩnh vực an sinh xã hội, nếu tiếp tục tăng thì đối tượng bị ảnh hưởng là rất lớn chứ không phải là “không bị ảnh hưởng nhiều” như khẳng định của Bộ Y tế.
“Tôi vừa đi khám BHYT về. Làm xét nghiệm nước tiểu, phải siêu âm cộng với 5 ngày thuốc lại thêm một toa mua ngoài khoảng 100.000 đồng (do danh mục thuốc của BHYT không có thuốc này - bác sỹ bảo tôi như vậy), tổng tôi phải trả 156.000đ (chưa tính tiền gửi xe, tiền nước nôi, đi lại, …). Trong 156 ngàn đó có 100 ngàn tiền thuốc mua ngoài và 20% đồng chi trả (56 ngàn).
Ý kiến không ủng hộ việc tăng viện phí ở thời điểm này chiếm áp đảo các ý kiến ủng hộ. Nhiều bạn đọc cho rằng y tế là lĩnh vực an sinh xã hội và cần một sự đầu tư đặc biệt từ Nhà nước, không nên tăng viện phí với giá cao để nguồn thu được dồi dào (dù rằng nguồn thu đó được sử dụng để tái đầu tư cho các bệnh viện) |
Với bệnh sỏi gây ứ nước trong thận, số tiền đó có thể là không lớn nhưng nếu không có BHYT thì tôi phải trả khoảng 400.000 đồng, bằng 10% thu nhập cả tháng. Như vậy nếu viện phí tăng nữa, có mục tăng cả 10 lần, thậm chí 20 lần thì dân ăn lương, buôn bán nhỏ và công nhân, nông dân kể cả̀ có BHYT cũng khó mà “kham” nổi”, một bạn đọc lo lắng.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì tình trạng lạc hậu, trì trệ của ngành y tế hiện nay bắt nguồn từ việc các bệnh viện không có kinh phí để tiến hành sửa chữa, nâng câp, mở rộng các khu vực.
Thậm chí, vì điều này mà nhiều bệnh viện còn đứng trước nguy cơ đóng cửa. Cho nên, cần phải tăng viện phí để tăng nguồn thu cho bệnh viện để bệnh viện có thể đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, …
Tuy nhiên, rất nhiều bạn đọc không đồng tình với quan điểm này. Hầu hết những ý kiến gửi về đều cho rằng y tế gắn liền với từng người dân, đặc biệt là người nghèo. Chỉ cần ốm một lần là người cận nghèo thành người nghèo. Vì thế, nguồn đầu tư cho y tế vẫn phải là nguồn thu từ thuế do dân đóng góp.
“Nếu cứ đòi hỏi tăng viện phí để có tiền làm mọi thứ thì có phải là đi ngược với xu thế? Nhiều nước thậm chí còn đạt đến độ miễn phí dịch vụ y tế cho người dân. Sao nước ta chỉ chăm chăm đòi tăng?”, bạn đọc Ngọc Thúy bức xúc.
Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết ngân sách Nhà nước cũng là một nguồn quan trọng của các bệnh viện nhưng hiện nay, tỷ trọng ngân sách Nhà nước trong tổng chi của các bệnh viện ngày càng giảm đi.
Giữa cái khó của Bộ Y tế với cái khó của người dân, rất nhiều ý kiến cho biết Nhà nước nên tìm một biện pháp để cân bằng lợi ích của người dân lẫn bệnh viện, sao cho chính sách viện phí mới vừa giải quyết được những vướng mắc của ngành vừa đảm bảo không gây xáo trộn trong đời sống nhân dân.
N.Anh