- Sau khi Chính phủ, Bộ GTVT đưa ra phương án hạn chế xe cá nhân (ô tô, xe máy) tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM để giảm ùn tắc giao thông nội đô. VietNamNet đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận cũng như không đồng thuận về việc hạn chế xe máy. Trong số ý kiến bạn đọc gửi về, nhiều ý kiến cho rằng: Cần hạn chế xe máy có lộ trình trong bối cảnh xe máy vẫn là phương tiện đi lại chiếm đa số của người dân nội đô.
VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên. Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết. |
Nên hạn chế xe máy
Cho rằng ách tắc giao thông của hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM đang là vấn nạn, đồng thời ủng hộ chủ trương giảm thiểu mô tô xe máy lưu thông trên đường của hai thành phố này, bạn đọc phlanhoa@... đưa ra lập luận:
Cứ mỗi xe buýt chở từ 30 – 40 người, thì có bấy nhiêu số lượng xe máy được để lại trong nhà không lưu thông ra đường.
Chỉ cần tính toán xem mỗi một ngày số lượng xe máy lưu thông trên đường phố là bao nhiêu, chia bình quân cho 30 để biết số lượng xe buýt thay thế.
Và nếu xe buýt có đủ loại lớn, nhỏ khác nhau, phục vụ tới từng đầu ngõ hẻm, với lịch trình cứ khoảng 5 đến 10 phút một chuyến khởi hành, thì có thể đủ điều kiện để thuyết phục nhân dân không đi xe máy.
Từ sự tính toán của mình, bạn đọc này cho rằng, nên cấm mô tô xe máy hoạt động. Bởi, nếu cấm xe máy sẽ giải tỏa được 3 vấn nạn cùng một lúc cho thành phố, đó là: Tắc đường; tai nạn giao thông; và ô nhiễm môi trường.
Nhiều bạn đọc cho rằng nên hạn chế xe máy để giảm ùn tắc giao thông ở nội đô Hà Nội và TP.HCM. |
Tuy nhiên, bạn đọc này cũng cho rằng: Cấm xe máy không nên quá nóng vội, mọi tính toán cần phải hết sức chi tiết, từ việc: tính số lượng xe buýt thay thế; Vẽ lại sơ đồ hoạt động các tuyến xe buýt cho phù hợp với nhu cầu đi lại; Tuyển dụng và huấn luyện đào tạo đội ngũ nhân công phục vụ…đảm bảo ra quân là phải thắng lợi thì mới thuyết phục được nhân dân hưởng ứng đi lại bằng phương tiện công cộng...
Cùng quan điểm nên cấm xe máy trong nội đô, bạn đọc Lê Hoàng Thanh ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho rằng: Cần phải loại bỏ dần xe máy trong giao thông. Bởi, chính xe máy là thủ phạm gây ra ùn tắc giao thông ở nội đô.
“Chủ trương của Bộ GTVT trước mắt giảm bớt xe máy ở đô thị là việc làm đột phá, nhưng đừng để chậm trễ. Về mặt nhận thức từ người dân cho đến cơ quan chức năng trước mắt phải quán triệt đồng thuận. Vượt qua được thói quen từ đi xe máy chuyển sang phương tiện giao thông công cộng như xe buýt sẽ gặp không ít trở ngại lúc ban đầu.
Nhưng đây chính là môi trường tham gia giao thông an toàn, thông thoáng, tiết kiệm, văn minh bền vững. Các nước tiên tiến trên thế giới họ đã và đang thực hiện đi lại trên phương tiện giao thông công cộng và đi bộ”, bạn đọc Lê Hoàng Thanh cho biết.
“Tôi đồng ý với việc hạn chế xe máy nhưng phải có lộ trình để dần đi đến cấm xe máy ở các thành phố lớn.
Trước đây đã thực hiện ngừng đăng ký xe máy ở 2 thành phố lớn HN và TP.HCM, theo tôi việc này cần được khôi phục, đồng thời hạn chế dần đến cấm xe máy ngoại tỉnh vào thanh phố.
Ngoài ra, có thể cấm nhập khẩu xe máy, hạn chế và giảm dần sản lượng SX và lắp ráp xe máy”, bạn đọc Phúc Lợi đồng thuận.
Bộ trưởng GTVT Đinh La
Thăng:
Sự yếu kém về cơ
sở hạ tầng là đúng, phương tiện giao thông công cộng thiếu, chất lượng
kém. Nhưng phải làm đồng thời, không thể chờ cái này trước rồi mới làm
cái kia. Vừa nâng cao ý thức người dân, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ,
vừa phát triển giao thông công cộng, vừa giảm phương tiện cá nhân.
Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia không cấm xe máy. Tất cả mọi chính sách xuất phát từ đông đảo người dân chứ không phải một nhóm bộ phận người dân. Ttrong Nghị quyết 88 của Chính phủ đã nêu ra nhiều giải pháp trong đó giao Bộ GTVT xây dựng đề án hạn chế và giảm phương tiện giao thông cá nhân phải trình và duyệt vào quý IV năm 2012. Trước thực trạng này, Bộ sẽ xây dựng và trình Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào quý IV năm nay và sang sang quý I năm 2012 sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án hạn chế 3 loại phương tiện bao gồm: ôtô, xe máy và taxi. Ở đây hạn chế cả 3 phương tiện và hạn chế dần chứ không phải cấm hẳn xe máy. Trước mắt, xe máy sẽ hạn chế ở những tuyến phố đông đúc, sau đó dần dần sẽ làm được khi mà từng tuyến phố, vành đai phát triển mạnh phương tiện vận tải công cộng phát triển. |
Cấm xe máy gây khó khăn cho người dân
Bạn đọc Phạm Văn Thành, ở TP. Vũng Tàu lại có ý kiến trái ngược khi cho rằng: Xe máy vẫn là phương tiện giao thông thuận tiện nhất cho đại đa số người dân. Trong giai đoạn hiện nay, việc cấm hay hạn chế xe máy trong các đô thị lớn sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt người dân, nhất là tầng lớp nhân dân nghèo, và là điều không thể thực hiện được.
Nhiều ý kiến cho rằng cấm xe máy sẽ gây khó khăn cho người dân nội đô trong điều kiện giao thông công cộng chưa phát triển. |
Từ sự nhận định của mình, bạn đọc Phạm Văn Thành cho rằng, cần phải chuyển các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, các đơn vị có nhiều người làm việc,...ra ngoại thành để giảm tải nội đô.
Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét đến tính hiệu quả của nó nếu không chỉ làm tăng thêm quãng đường lưu thông và đồng nghĩa với việc tăng thêm lưu lượng lưu thông trên các con đường gây ùn tắc.
Bạn đọc Phạm Hiếu cũng 'bênh' xe máy: Xe máy không phải là nguyên nhân chính gây ra tắc đường, mà đó là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau:
Thứ 1: Ô tô chiếm diện tích mặt đường khá lớn, trong khi đó xe máy lại rất nhỏ.
Thứ 2: Đường xá rất hẹp và hạ tầng giao thông yếu kém không đáp ứng nhu cầu đi lại.
Thứ 3: Những người lái ô tô các loại và cùng với đó là xe buýt, xe ben... quá kém về ý thức giao thông và văn hóa nhường đường.
Thứ 4: Khi hạ tầng giao thông công cộng còn lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân mà lại nóng vội cấm xe máy. Vỉa hè toàn dành cho "gửi xe", đường xá bụi bặm, dơ bẩn, ít cây xanh thử hỏi ai đi bộ cho được.
Và thứ 5: Nước ta là nước đang phát triển, kinh tế còn nghèo, phương tiện chủ yếu là xe máy, vừa túi tiền đa số người dân và lại cơ động.
Từ đó, bạn đọc Phạm Hiếu cho rằng: Nên giáo dục ý thức đi đường và nhường đường của người dân hơn là cấm đoán. Khi ý thức cao thì mọi người sẽ đi trật tự, giao thông sẽ giảm ùn tắc.
Ông Nguyễn Trọng Thông - Phó TGĐ Tổng Công ty Vận tải HN: Một xe buýt chở được 80 người, xe máy chở 2 người thì cần 40 xe máy. Cần phải so sánh diện tích xe máy và xe buýt chiếm bao nhiêu trên mặt đường khi cùng vận chuyển cùng số khách đó. Nếu tính ra thì diện tích giao thông động của xe máy gấp 8 lần, của xe con gấp 16 lần, lấy đâu quỹ đất? |
Vũ Điệp (tổng hợp)