|
Hà Tĩnh: Hơn 3000 hộ dân bị cô lập
Liên tiếp mưa kéo dài mấy ngày qua tại Hà Tĩnh, thượng nguồn các con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố mực nước dâng cao, các huyện miền như Hương Khê, Vũ Quang nhiều tuyến đường bị chia cắt, hàng ngàn hộ dân bị cô lập.
Tại huyện Vũ Quang có 6 xã
bị cô lập gồm: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Hương Thọ, Ân Phú, Đức Giang với
gần 2.900 hộ dân bị cô lập. Hiện đã có hai hộ dân tại thị trấn huyện này đã được
di dời về nơi an toàn, do nhà nằm sát bờ sông, tường bị nứt rạn.
Lũ nhấn chìm các xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Vũ Quang cho biết: Các tuyến đường huyết mạch của huyện bị ngập như, tuyến đường liên huyện Ân Phú-Cửa Rào, nước lũ cũng chia cắt khiến nhiều đoạn đường liên xã ngập sâu hơn 1 m như: Cầu Tràn (Ân Phú), cầu Giồng (Đức Giang) và tại thôn Mỹ Ngọc (xã Đức Lĩnh), cầu Cố Tiến (Đức Bồng).
Do mưa lớn kéo dài, mực nước sông dân cao hộ gia đình bà Lê Thị Loan (56 tuổi, trú tại xóm 3, thị trấn Vũ Quang) bị sập đổ, mặt tường phía trước và nửa mái ngói trôi dạt xuống dòng sông, may không thiệt hại về người.
Lũ tại xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang) |
Tại rốn lũ Phương Mỹ, Phương Điền, lũ đã gây cô lập hoàn toàn 2 xã này với thế giới bên ngoài. Hiện nước lũ đã gây ngập lụt và cô lập hoàn toàn gần 1000 hộ dân.
Tại Bản rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê cầu Tràn nối bản với đường liên xã bị nước ngập băng gần 1m, nước trên thượng nguồn đổ về mạnh khiến người dân, học sinh không dám đi lại. Mọi sinh hoạt của dân bản đều bị cô lập với bên ngoài. Hơn 1000 học sinh đã được cho nghỉ để tránh lũ.
Quảng Bình, Quảng Trị: 14 người thương vong
Mưa lũ nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Bình trong mấy ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đếm chiều tối ngày 17/10 trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình đã có 4 người chết, 8 người bị thương, gần 50.000 ngôi nhà bị ngập.
|
Hiện có 49.432 nhà bị ngập, trong đó ngập sâu hơn 1m là 32.720 nhà. Đã có 1275 hộ dân phải di dời, trong đó huyện Quảng Ninh 475 hộ, huyện lệ Thủy 350 hộ, huyện Bố Trạch 250 hộ, huyện Tuyên Hóa 200 hộ. Có 1036 ha hoa màu bị ngập, 390 ha thủy sản bị chìm.
Ngày 17/10/2011, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết liên quan đến lũ lụt.
Hai người bị nước lũ cuốn trôi đã tìm thấy thi thể tại huyện Hướng Hóa. Thêm một người tử nạn sáng nay là ông Lê Cảnh Ga (58 tuổi, trú tại thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong) bị điện giật chết trong lúc dọn dẹp nhà cửa để tránh lũ.
Hai xã Hải Phúc và Ba Lòng của huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn bị cô lập hoàn toàn, nước lũ chia cắt các thôn của hai xã trên
Trước mắt, trăm hộ dân ở vùng này đã được di dời lên nhà uỷ ban, trạm y tế, ở những điểm cao tránh lũ.Người dân các xã vùng lìa giáp sông Sê Pôn của huyện Hướng Hóa như Thanh, Thuận, Pa Tầng, A Dơi… đang di tản lên vùng cao tránh lụt.
Thừa Thiên - Huế: Nạn nhân tử vong đầu tiên vì lũ
Mưa lũ tại Thừa Thiên – Huế khiến một người chết và một người bị thương phải cấp cứu tại BV T.Ư Huế. Nhiều khu dân cư bị chia cắt do nước lũ.
Ngày 17/10, nước lũ trên sông Ô Lâu qua xã Phong Bình dâng lên rất cao. Khoảng 13g trưa, bà Nguyễn Thị Dung, thôn Vĩnh An, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế khi quay đầu ghe trong sân vườn nhà mình thì ghe bị lật úp.
|
|
Trong cơn lũ dữ và không biết bơi, bà Dung đã bị chết đuối. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy xác bà Dung.
Tại thôn Khuôn Phò, thị trấn Sịa, một người bị té ngã khi kê kích đồ đạt tránh lũ. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình phối hợp với chính quyền địa phương đưa người gặp nạn cấp cứu tại BV T.Ư Huế.
|
Tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền – nằm dọc sông Ô Lâu, từ 0g ngày 17/10, nước lũ dâng cao chóng mặt đã khiến cho 80% nhà dân trên địa bàn xã này bị ngập chìm trong nước lũ. Cá biệt, có nơi nước lũ ngập sâu trên 2m. Ngay trong đêm, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 120 hộ dân lên vùng cao tránh lũ.
Đến trưa ngày 17/10, nước
lũ trên sông Ô Lâu tiếp tục tràn về với tốc độ cực mạnh, thuyền đuôi tôm là
phương tiện duy nhất tiếp cận với các thôn. Lũ chảy rất mạnh khiến phương tiện
này di chuyển hết sức khó khăn.
|
|
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, tính đến 17g, ngày 17/10, toàn tỉnh có 10.141 nhà bị ngập, trong đó huyện Phong Điền: 1.240 nhà, Hương Trà: 850 nhà, Quảng Điền: 3.425 nhà; thành phố Huế 2.820 nhà; thị xã Hương Thuỷ 1.806 nhà.
Trước tình hình này, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai di dời 1.157 hộ với 3.766 khẩu, trong đó: Phong Điền di dời 474 hộ với 910 khẩu; Hương Trà di dời 33 hộ với 126 khẩu; Quảng Điền di dời 550 hộ với 2.230 khẩu; thị xã Hương Thuỷ di dời 100 hộ với 500 khẩu đến nơi an toàn.
Mưa lũ cũng đã khiến cho Quốc lộ 1A bị sạt lở một số đoạn taluy dương với khối lượng 638 m3 đoạn qua đèo Phước Tượng; đường tránh phía Tây thành phố Huế sạt lở một số vị trí với khối lượng 800 m3.
|
Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở một số vị trí nhỏ đoạn qua đèo PêKe xã Hồng Thuỷ; Quốc lộ 49A Huế lên ALưới đoạn qua xã Hồng Hạ đến Bốt Đỏ (Km 62- Km 75) bị sạt lở một số đoạn nhỏ. Các đơn vị giao thông đã huy động lực lượng và xe máy khắc phục sạt lở đến nay đã thông xe bình thường.
Đến 15g 30 ngày 17/10, đoạn đường sắt từ Km 656+400 đến 657+100 khu gian Mỹ Chánh Phò Trạch - bị ngập khiến 02 đoàn tàu SE2, SE4 với tổng số 491 hành khách, bị kẹt tại ga Huế đã thông hoàn toàn.
Quảng Nam: Gồng mình chống lũ
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lũ đã làm nhiều khu dân cư bị chia cắt, cả tỉnh gồng mình chống chọi với lũ bất ngờ dâng cao, đã có 1 người thiệt mạng.
Điều bất ngờ nhất là tại địa bàn các xã Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp huyện Núi Thành, nước lũ dâng ngập hàng trăm nhà dân khiến huyện phải di tản dân khẩn cấp. Đây là địa bàn huyện miền núi chưa bao giờ ngập lũ.
Chiều 16/10, một học sinh lớp 9 (thôn 5, Tam Mỹ Tây) trên đường đi học về bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn đã được cứu sống.
Ông Nguyễn Tiến, Bí thư huyện ủy Núi Thành cho biết: Huyện phải huy động lực lượng bộ đội sơ tán khẩn cấp gần 30 hộ dân Tam Mỹ Tây ra khỏi vùng lũ ngập đến nơi an toàn. Hiện nước đang dần rút xuống. Nhưng nguy cơ nước ngập nếu trời mưa, lũ trên sông đổ về vẫn sẽ xảy ra làm ảnh hưởng tính mạng, tài sản nhân dân vùng này.
Chính việc thi công cầu đường sắt An Tân qua sông cạnh QL 1A (do Cty CP CD CT Trường Lộc đảm nhiệm) thuộc dự án quốc gia đã tuỳ tiện chặn cả dòng sông khiến lũ không có đường thoát gây ngập lũ, nguy hiểm đến người dân địa phương.
Ông Tiến cho biết: “Địa phương cực lực phản đối việc thi công vô trách nhiệm như vậy, gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Địa phương đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công cần nhanh chóng tạo đường thông của sông, thoát lũ, nếu không thì nguy cơ ảnh hưởng tính mạng dân sẽ tiếp tục xảy ra vào mùa lũ này”.
Mưa lũ đã làm 1 người chết. Tối 16/10, anh Doãn Viết Tuấn (25 tuổi quê ở huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, công nhân Cty Thái Dương, là đơn vị thi công tuyến đường Nam Quảng Nam đoạn tránh thị trấn huyện núi Nam Trà My) bị lũ cuốn chết đã được tìm thấy thi thể tại xã Trà Tập.
Hiện có 30 hộ dân thôn Kala, xã Dang, huyện vùng cao Tây Giang đang đối mặt với nguy cơ cơ sạt lỡ đã được di dời. Riêng huyện núi Tây Giang, tuyến đường 37km từ trung tâm huyện lên 4 xã biên giới A Xan, Ga ry, Ch’um, Tr’hy đang thi công nhiều chỗ bị hư hỏng và ách tắt giao thông hoàn toàn.
Tại huyện Đại Lộc, nước
sông Vu Gia, sông Côn đã đạt mức báo động 2 gây ngập tại các xã Đại Lãnh, Đại
Hưng, Đại Nghĩa...
Tuyến đường ĐT 609 đi xã Đại Lãnh và xã Đại Hưng bị ngập sâu trong nước, giao thông ách tắc, mọi phương tiện đi lại phải đi bằng thuyền đò tự phát của người dân với giá đắt đỏ. Riêng tại xã Đại Lãnh, có 15 hộ dân với 40 khẩu tại thôn Tân An chìm sâu trong nước từ 2-5 m trong suốt 3 ngày qua.
Đến 17h chiều 17/10, thủy điện A Vương (Đông Giang) tiến hành xả lũ, với lưu lương 100m2/giây, theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt để tránh lũ như mọi năm. Tuy nhiên, việc thủy điện A Vương xã lũ không thông báo rộng rãi cho người dân vì lưu lượng xả nhỏ chưa ảnh hưởng đến ngập lũ của hạ lưu.
Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Phước Thanh cho biết: “UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị ưu tiên tập trung cho công tác phòng chống lũ, hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản.
Riêng đối với các vùng vẫn thường xuyên bị chia cắt cô lập do lũ, tỉnh đã đưa gạo dự trữ cùng lực lượng ứng cứu chủ động, sẵn sàn ứng phó với tình huống nguy cấp.
Vũ Trung – Đăng Khoa – Duy Tuấn