– Trong 3 tuần đầu tiên của tháng 10, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW đã tiếp nhận khoảng trên 200 bệnh nhân sốt xuất huyết.

TIN LIÊN QUAN:

Trong khi đó, tổng số bệnh nhân mắc số xuất huyết trong 6 tháng đầu năm là 65 ca và cả tháng 9 đã có tới 224 ca mắc mới.
 
Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Điều đáng ngại là các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn và làm bệnh viện thêm quá tải”.

 

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW

 
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội dự báo còn diễn biến phức tạp đến hết tháng 11. Vì thế, ông Kính khuyến cáo người dân cần chủ động phòng ngừa, phát hiện để đến viện kịp thời.
 
Trong khi đó, dịch tay chân miệng tại Hà Nội cũng đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Bộ Y tế cho biết miền Nam đang có xu hướng giảm dần số mắc và chuyển “điểm nóng” ra các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung.
 
Các tỉnh miền Bắc có số mắc cao chủ yếu tại Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái, Hải Dương, không có ổ dịch lớn trong cộng đồng. Đối tượng mắc chủ yếu vẫn là trẻ em.
 
Điều đáng ngại là hiện nay người dân ở các tỉnh, thành phố đều có xu hướng chuyển con bị mắc bệnh tay chân miệng ra thẳng Hà Nội để chữa trị.
 
Tuần qua, bệnh viện Nhi TW đã tiếp nhận 11 trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng từ Thanh Hóa ra và 9 trường hợp đến từ Hải Phòng. Đây đều là các trường hợp mắc bệnh thể nhẹ, có thể tự khỏi và tự theo dõi tại nhà.
 
Khi hỏi lại các bệnh viện địa phương lý do chuyển bệnh nhân, các bệnh viện cho biết họ không tự chuyển mà vì người dân không tin tưởng vào các bệnh viện địa phương và tự ý mang con ra Hà Nội.
 
Điều này vừa khiến tình trạng của bệnh nhân nặng thêm, vừa khiến bệnh viện tuyến trên thêm quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và điều trị.

12,7% bà mẹ không biết thời điểm nào cần rửa tay với xà phòng
 
Trong khi dịch tay chân miệng đang “nóng” và Bộ Y tế liên tục phát đi các thông điệp khuyến khích người dân tự bảo vệ con mình không mắc bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay với xà phòng thì chỉ có 12,7 % số bà mẹ được hỏi kể được đầy đủ 5 thời điểm cần phải rửa tay với xà phòng
 
Đây là kết quả nghiên cứu về "Nhận thức và hành vi phòng chống dịch bệnh của bà mẹ và gia đình năm 2011" do Viện Dinh Dưỡng – Chi hội Dinh dưỡng lâm sàng vừa công bố.
 
Kết quả khảo sát cho thấy: Khi được yêu cầu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao và trí tuệ ở trẻ, tỉ lệ đánh giá của các bà mẹ như sau: gần 80% đồng ý yếu tố quyết định là di truyền từ bố mẹ và 70.7% cho chế độ ăn uống và chỉ có khoảng 47% tin rằng bệnh tật có thể làm trẻ hạn chế phát triển chiều cao và trí tuệ.
 
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy khi trẻ mắc nhiều đợt tiêu chảy hoặc bị nhiễm ký sinh trùng trong 700 ngày đầu đời, trẻ sẽ bị thấp hơn từ 3.6cm – 8.2cm lúc bé 7 tuổi so với các bé cùng tuổi và suy giảm khả năng nhận thức tương đương với việc mất khoảng 10 điểm IQ.

Ngọc Anh