- Nhiều vụ cháy xe khách, xe con, xe máy liên tục xảy ra trong thời gian qua và đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào từ cơ quan chức năng khiến không ít người lo lắng. Dịp cuối năm nhu cầu đi lại tăng cao, nhiều người dân đang đứng ngồi không yên vì sợ rằng mình có thể đi trên những chiếc xe không may mắn trong lần trở về quê ăn Tết.

TIN LIÊN QUAN: 

Hai xe Honda để trong nhà bỗng cháy rụi
Thêm một xe máy của Honda bị bốc cháy
Honda Việt Nam nói về các vụ cháy xe máy
Cục Đăng kiểm vào cuộc sau các vụ cháy xe
Cháy ô tô kinh hoàng tại Hòa Bình
Xe khách bốc cháy, 38 người thoát chết
Hà Nội: Mercedes cháy đùng đùng giữa phố
Xe máy Honda Lead bốc cháy trên quốc lộ 5
Chập điện: lý do khiến xe máy cháy nổ

Lo lắng vì cuối năm phải đi lại nhiều

Như vậy, tính tới thời điểm này, chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về tình trạng xe máy, ô tô bốc cháy hàng loạt. Có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng nguyên nhân cuối cùng vẫn chưa được kết luận.

Trong khi đó, xe máy, ô tô là những phương tiện vận tải thiết yếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân và cả trong các công việc kinh doanh khác.

Tình trạng này đã làm dấy lên những lo lắng đối với người dân trên cả nước, nhất là dịp cuối năm, nhu cầu đi lại tăng vọt và chủ yếu sử dụng các phương tiện vận tải công cộng.
 

Các vụ cháy xe máy, xe khách liên tục xảy ra khiến người dân lo sợ, nhất là trong dịp Tết, nhu cầu đi lại tăng vọt

Anh Hoàng, một hành khách thường xuyên đi lại tuyến Hà Nội – Vinh (Nghệ An) cho biết, sau vụ cháy xe khách ở Hòa Bình với 38 người may mắn thoát chết, anh đâm ra sợ mỗi lần bước chân lên xe.

“Loại nào tôi cũng sợ cả vì bây giờ cháy nổ không chừa loại nào”, anh Hoàng nói.

Trong khi đó, những người làm công việc chở hàng hóa bằng xe máy cũng tỏ ra lo ngại trước tình trạng xe cháy nổ thường xuyên không rõ nguyên nhân, nhất là trong thời điểm cuối năm, nhu cầu chở hàng là rất cao.

Các xe được dùng để chở hàng hóa cũng thường là xe cũ, chất lượng không đảm bảo.

Nhiều người cho biết vì sợ xe cháy nên họ đã đề phòng bằng cách bỏ hết toàn bộ các vật dụng trong cốp xe ra ngoài, đề phòng trường hợp xe có cháy nổ thì vẫn còn thời gian chạy kịp.

Ngoài ra, những mặt hàng dễ bắt lửa (như giấy, hộp xốp, vv…) được bọc cẩn thận trước khi chất lên xe, tránh gây ra những vụ cháy lớn không thể kiểm soát.

Xoay sang tàu hỏa, xe đạp

Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho thấy, từ ngày 1/12/2010 đến nay, trên địa bàn thủ đô xảy ra 42 vụ cháy ôtô, xe máy gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong đó, có 11 vụ hỏa hoạn làm cháy 13 xe máy, chủ yếu xảy ra trên đường phố trong quá trình lưu thông.

Hiện nay, với những chặng di chuyển trung bình trong vòng 200-300km, có những người cho biết đã chọn cách đi tàu hỏa thay vì đi xe khách như trước đây.

Anh Hoàng cho biết mọi năm anh đều về quê bằng xe khách, cứ lên xe lúc 10h đêm rồi ngủ một giấc là đến Vinh, nhưng năm nay anh đã đặt vé tàu hỏa để đi về quê cho an toàn.

“Cuối năm khách đông, đồ nhiều, sợ chẳng may xe có cháy thì cũng khó mà chạy được. Với tình hình này thì tôi cũng không biết nên chọn xe của hãng nào đi cho an toàn nữa”, anh Hoàng nói.

Tâm lý này cũng xuất hiện với những hành khách phải đi đường dài từ Hà Nội vào TP.HCM. Có nhiều người thay vì chọn cách đi xe khách tiết kiệm được ít thời gian thì họ đã chọn các phương tiện công cộng khác như tàu hỏa để đề phòng sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Còn tại Hà Nội, một xu hướng mới của nhiều người dân là hạn chế tối đa việc đi xe máy để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Có những người mẹ trước đây đi đâu cũng đưa con đi bằng xe máy, nhưng kể từ khi hàng loạt vụ cháy xe không rõ nguyên nhân xảy ra thì đã kịp trang bị cho mình một chiếc xe đạp để di chuyển các chặng ngắn và đưa con đi chơi gần nhà.

“Chỉ lúc nào đi xa, có việc không đừng được thì đi xe máy. Đi xe tốt mà tự dưng nó cứ cháy đùng đùng nên tôi sợ lắm”, phụ huynh này chia sẻ.

Chị Yến (trú tại Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) có con gái học cấp 3 bình thường đi học bằng chiếc xe Wave cũ của gia đình nhưng kể từ khi có nhiều vụ cháy xảy ra, chị cũng yêu cầu con chịu khó đi xe đạp để đảm bảo an toàn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Có một điều rằng, sau rất nhiều vụ cháy xảy ra, chưa có một cơ quan nào nhận trách nhiệm và đưa ra nguyên nhân cuối cùng.

Khoảng 3g sáng 2/1, hai xe khách (loại 24 và 12 chỗ ngồi) đỗ trước cửa Công ty CP chè Mỹ Lâm (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) bỗng dưng phát nổ và bốc cháy dữ dội.

Cũng trong sáng 2/1, khi đang đi trên giao lộ Hồ Học Lãm - quốc lộ 1A (P.An Lạc, Q.Bình Tân), chiếc xe Dylan 150 do anh Mai Quốc Hùng (32 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh, Hóc Môn) điều khiển bất ngờ bốc cháy.

Đây là vụ cháy xe ô tô khách và xe máy gần nhất sau hàng loạt vụ cháy liên tục kéo dài từ gần 2 tháng trở lại đây gây hoang mang dư luận.

Nói về nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy, Bộ Công an cho rằng các vụ cháy, nổ xe xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với những vụ đã xác định được nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu là do sự cố về chập điện; hoặc đang để trong khu vực bị cháy nên bén lửa; một số vụ ô tô, xe máy bị cháy nổ do bị tai nạn giao thông.

Hiện chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm và công bố nguyên nhân cuối cùng gây nên tình trạng cháy nổ xe ô tô, xe máy hàng loạt

Còn ông Tô Đức Long, Trưởng phòng Kiểm định chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết: Về góc độ kỹ thuật, cháy nổ do va chạm, đâm, đổ xe; cháy nổ do nhiên liệu bị rỏ rỉ, bị trào vào các bộ phận phát tia lửa điện do người sử dụng không thực hiện tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa xe định kỳ; dùng xăng pha không đúng tiêu chuẩn làm hỏng ống cao su dẫn xăng.

Cũng có thể xe cháy nổ do cháy, chập hệ thống điện do tự ý thay đổi kết cấu, trang bị điện của xe (lắp thêm còi, đèn... ); sử dụng phụ tùng, dây dẫn điện không rõ nguồn gốc; sửa chữa, đấu nối điện không đúng kỹ thuật. Hay cháy do ống xả của xe tiếp xúc trực tiếp với vật liệu dễ cháy trên đường như túi ni lon, rơm rạ.

“Trong các nguyên nhân này, nguyên nhân thứ hai và ba là tương đối phổ biến” - ông Long chia sẻ.

Ngoài ra, theo đánh giá của một số chuyên gia do việc lưu hành xe quá cũ, quá tải, sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại; nhiều chủ phương tiện sau khi mua xe thường lắp thêm nhiều phụ kiện khác như còi, đèn, quá trình sử dụng bị hỏng, gây chập điện cũng dễ gây ra cháy nổ.

Theo Honda Việt Nam, tất cả các xe bỗng dưng phát hỏa không phải đều là sản phẩm của Honda. Với một số xe máy bị cháy một phần, kết quả kiểm tra cho thấy nguyên nhân gây cháy không phải do chất lượng và đặc tính kỹ thuật của sản phẩm.

Tuy nhiên, với những xe đã cháy hoàn toàn, Honda Việt Nam không thể xác định được nguyên nhân. Honda Việt Nam cũng khẳng định, cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra vấn đề kỹ thuật nào của sản phẩm có thể dẫn đến những trường hợp cháy nổ xe.

Phát hiện mẫu xăng không đạt chuẩn

Ngày 30/12, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết đã phát hiện mẫu xăng lấy từ một cửa hàng ở Hà Nội có hàm lượng oxy cao gấp ba lần mức quy định cho phép; lượng methanol chưa được chấp nhận.

Do tính chất ăn mòn nhôm (kim loại dùng chế tạo động cơ) cao và ảnh hưởng tới các chất đàn hồi trong hệ thống nhiên liệu mà metanol bị liên minh 12 hãng ôtô ra bản tuyên bố hạn chế sử dụng.

Tuy nhiên ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Đo lường chất lượng, cho rằng cần có kết quả kiểm tra giám định cụ thể mới đi đến kết luận chính xác đâu là nguyên nhân gây cháy xe.

Đối với vi phạm tiêu chuẩn chất lượng của cây xăng nói trên, sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng các lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

N.Anh