- Liên quan đến việc bán đấu giá cây đứng (rừng tự nhiên) tại Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (Hà Tĩnh), đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT theo chỉ đạo của Thủ tướng đã có kết quả kiểm tra, kiến nghị Bộ trưởng báo cáo với Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng việc bán đấu giá.

Vụ phá rừng lớn chưa từng có tại Hà Tĩnh xảy ra tại khu rừng thuộc quản lý Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn. Việc Cty này ngừng khai thác để bán đấu giá cây đứng theo quyết định của UBND tỉnh đã dẫn tới không có nguồn kinh phí để tái đầu tư bảo vệ rừng, trả lương cho công nhân bảo vệ.
 

Trong lúc đó, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh vẫn báo cáo rằng việc tiến hành bán đấu giá cây đứng tại Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A và Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn là hoàn toàn đúng đắn.

Và khi đoàn công tác của Bộ vừa rời khỏi Hà Tĩnh thì tỉnh này đã thực hiện ngay việc bán đấu giá tại Cty Chúc A.

Ở bài viết này xin chỉ được nhắc tới Cty Lâm nghiệp Hương Sơn, nơi mới xẩy ra vụ phá rừng lớn chưa từng có với gần 500m3 gỗ lậu được phát hiện và thu giữ.

Không có tiền đầu tư bảo vệ rừng

Trong quá trình thu thập thông tin về vụ phá rừng tàn khốc tại xã Sơn Hồng chúng tôi nhận thấy nhiều thông tin trái chiều.

Ngoài sự buông lỏng quản lý của chủ rừng và các cơ quan chức năng trên địa bàn thì thông tin đáng được xem xét là việc đóng cửa rừng để lập đề án bán đấu giá cây đứng theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khiến chủ rừng (Cty Lâm nghiệp Hương Sơn) không có nguồn kinh phí để tái đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, công nhân làm nhiệm vụ bảo vệ rừng bị nợ lương, bỏ việc.

Sau khi kiểm tra vụ “bán đấu giá cây đứng” tại Hà Tĩnh, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng việc bán đấu giá cây đứng tại Hà Tĩnh. Trong lúc đó, tại tỉnh này, việc bán đấu giá đã và đang tiếp tục triển khai.

Đầu năm 2011, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện chủ trương đóng cửa rừng ngừng việc khai thác gỗ để lập phương án bán đấu giá cây đứng tại Cty Chúc A và Lâm nghiệp Hương Sơn.

Đối với Cty Lâm nghiệp Hương Sơn, điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Cty, doanh thu giảm sút nghiêm trọng, lao động bỏ việc nhiều, số còn lại chỉ được hưởng 40% lương.

Ngày 8/3/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ban hành Chỉ thị số 08. Có nêu: "Các cấp chính quyền cơ sở (xã, huyện) phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên trực tiếp về tài nguyên rừng trên địa bàn.

 

Kể từ khi triển khai chỉ thị này, nếu còn để xảy ra tình trạng lâm tặc khai phá rừng, đốt rừng trái phép trên địa bàn xã, huyện nào thì Chủ tịch UBND xã, huyện đó phải kiểm điểm trước cấp uỷ Đảng và bị xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng.

 

Những tỉnh để xảy ra chặt phá rừng trái phép, cháy rừng nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND tỉnh phải kiểm điểm trước cấp Uỷ và báo cáo Thủ tướng, đề xuất hình thức kỷ luật về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp".

Đặc biệt, đối với lực lượng bảo vệ rừng thì gần như doanh nghiệp này không còn tiền để thanh toán lương, phải đi vay mượn ngoài để trả, nhưng cũng không thể đủ nên rất nhiều người đã bỏ việc hoặc đi làm thuê nơi khác.

Ông Lê Tiến Cát – Phó GĐ Cty Lâm nghiệp Hương Sơn cho biết: Trước năm 2011, Cty đều trích nguồn kinh phí khoảng hơn 200 triệu đồng để hợp đồng với các đơn vị chức năng “giúp sức” bảo vệ rừng. Sang đến năm 2011 thì khoản kinh phí này không còn nữa do Cty không còn được khai thác, không có tiền để tái đầu tư lại cho việc bảo vệ rừng.

Năm 2011, đã rất nhiều lần Cty có văn bản báo cáo thực trạng của doanh nghiệp lên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Sở NN&PTNT về những khó khăn mà DN đang gánh chịu kể từ sau khi ngừng khai thác gỗ.

“Đề nghị tỉnh, huyện cùng các ngành liên quan sớm có giải pháp về công tác quản lý bảo vệ rừng đối với gần 40.000 ha rừng. Đồng thời có định hướng về việc làm, giải quyết chế độ cho 90 công nhân bảo vệ rừng của Cty và gần 100 lao động khai thác chế biên gỗ và công nhân lâm nghiệp.

Vì từ 1/12/2011 Cty không còn kinh phí và không có khả năng để quản lý diện tích rừng được giao. Đề nghị tỉnh trả kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ cho Cty, trả nợ lương cho công nhân bảo vệ rừng”, trích văn bản báo cáo của Cty Lâm nghiệp Hương Sơn gửi UBND tỉnh tháng 12/2011.

Theo lãnh đạo Cty, mặc dù đã rất nhiều lần báo cáo thực trạng, khó khăn với tỉnh nhưng họ không nhận được văn bản nào chỉ đạo từ tỉnh và các ngành để giải quyết mà chỉ có chỉ đạo về việc lập đề án bán đấu giá cây đứng.

Đến gần Tết Nguyên Đán, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh mới ký quyết định cho Cty Lâm nghiệp Hương Sơn vay 100 triệu đồng để giải quyết khó khăn. Thế nhưng, số tiền trên chẳng giải quyết được gì nhiều.

Có ý kiến cho rằng, để xẩy ra vụ phá rừng tàn khốc ở xã Sơn Hồng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ rừng là Cty Lâm nghiệp Hương Sơn. Tuy nhiên cần phải xét đến các yếu tố khách quan.

Một trong những yếu tố đó là chủ trương bán đấu giá cây đứng đã dẫn tới nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Trong quá trình DN “sống dở chết dở” này, tỉnh đã không có biện pháp hỗ trợ để việc bảo vệ rừng vẫn được đảm bảo.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo dừng việc bán đấu giá cây đứng

Tháng 2/2012, nhận được chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã cử một đoàn công tác về kiểm tra vấn đề bán đấu giá cây đứng tại Hà Tĩnh, sau khi báo chí lên tiếng.

Trong báo cáo gửi lên Bộ trưởng ngày 28/3, ông Hà Công Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã nêu: Ý kiến của cán bộ công nhân viên Cty Lâm nghiệp Chúc A và Cty Lâm nghiệp Hương Sơn là hiện đại đa số lao động của Cty không có việc làm, thu nhập giảm. Riêng Cty Lâm nghiệp Hương Sơn đã giảm 50% cán bộ văn phòng, nhiều công nhân nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Để xẩy ra vụ phá rừng biên giới tàn khốc chưa từng có, ngoài trách nhiệm của chủ rừng và các cơ quan chức năng, cần xem xét đến trách nhiệm của UBND tỉnh, mà trực tiếp là người đứng đầu, theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 

Hiện hai Cty đều đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng nhưng ngân sách nhà nước không đủ trang trải. Đề nghị không nên thực hiện việc bán đấu giá cây đứng theo quyết định của tỉnh Hà Tĩnh, kiến nghị tiếp tục cho hai Cty khai thác gỗ như trước đây để có kinh phí bảo vệ và xây dựng rừng tốt hơn.

Diễn biến tư tưởng của cán bộ công nhân viên và người lao động hai Cty chưa đồng thuận với chủ trương bán đấu giá cây đứng, đời sống của họ bị ảnh hưởng do việc thực hiện chủ trương này là thực tế mà chưa có giải pháp, phương án đồng bộ.

Người dân địa phương, những người từ trước đến nay vẫn hợp đồng khai thác chế biến lâm sản với 2 Cty không đồng tính với chủ trương bán đấu giá cây đứng của tỉnh. Các chế độ BHXH, BHYT... 2 Cty còn nợ, phải vay tiền ngân hàng để duy trì công tác bảo vệ rừng và hoạt động.

Từ những thực tế trên, văn bản Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất: Đề nghị Bộ trưởng (Bộ NN&PTNT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh tạm dứng thực hiện Quy chế bán đấu giá cây đứng gỗ rừng tự nhiên đối với Cty Chúc A và Cty Hương Sơn, hai Cty này tiếp tục thực hiện việc tổ chức sản xuất kinh doanh toàn diện các ngành nghề kinh doanh, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Khi đoàn cán bộ của Bộ NN&PTNT vừa hoàn tất việc kiểm tra vụ bán đấu giá cây đứng trở theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới rời khỏi Hà Tĩnh thì vào sáng ngày 23/3, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã tổ chức mở thầu bán đấu giá cây đứng rừng tự nhiên thuộc quản lý của Cty Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A. Trong cuộc đấu giá này Cty Chúc A (chủ rừng) chỉ trúng được 1 gói, 2 gói còn lại thuộc về 2 Cty tư nhân.

Còn đối với rừng tự nhiên tại Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng khác sẽ tiến hành tổ chức đấu giá vào ngày 9/4.

Được biết, Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh đang triển khai thực thực hiện Quyết định số 1240/QĐ-TTg, ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc: “Phê duyệt đề án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Bắc Cạn”.

Mục đích nhằm biết được chính xác toàn bộ diện tích rừng; chất lượng rừng và diện tích đất chưa có có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ tháng 8/2011 đên tháng 6/2012.

 Duy Tuấn