- Trong khi Hà Nội gặp áp lực lớn trong việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Thủ đô thì có một thực tế là trình độ của cán bộ y tế của thành phố này rất hạn chế!
TIN BÀI LIÊN QUAN: |
Bác sỹ ít, cán bộ nhiều
Toàn ngành y tế thành phố Hà Nội hiện có 14.498 cán bộ,
trong đó, chỉ có 2.946 người là bác sỹ (đạt tỷ lệ 20,32%)!
Trong số 6.519 cán bộ y tế tuyến thành phố thì chỉ có 1.622 người là bác sĩ
(chiếm tỉ lệ 24,88%). Đặc biệt ở khối điều trị (của y tế tuyến thành phố) có
5.977 người nhưng chỉ có 1.448 người là bác sĩ, còn lại đảm nhận các công việc
khác!
Tuyến cơ sở đang thiếu bác sỹ trầm trọng (Ảnh: N.A) |
Trong khi y tế cơ sở luôn được xác định là một nhân tố
quan trọng để thực hiện giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên thì tại Hà Nội, có
thực tế là tỷ lệ bác sĩ/cán bộ ở tuyến huyện/quận và tuyến xã/phường còn thấp
hơn nữa!
Theo đó, tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉ lệ bác sĩ/cán bộ chỉ đạt 19,31% (310
bác sỹ/1.605 cán bộ). Ở tuyến phường/xã/thị trấn, tỷ lệ bác sĩ/cán bộ chỉ còn
13,4% (499 bác sỹ/3.725 cán bộ).
Một điểm đáng chú ý hơn nữa là trong số hơn 13.000 cán bộ y tế của Hà Nội thì có
đến gần 60% cán bộ có trình độ trung cấp.
Cụ thể, cán bộ y tế thành phố chỉ có 10% cán bộ (1.312 người) có trình độ sau
ĐH; 17,2% trình độ ĐH; 1,4% trình độ CĐ và có đến 58,6% có trình độ trung cấp.
Trình độ sơ cấp có 2,3% và trình độ khác đạt 10,5%.
“Nút thắt” nhân lực
Theo quy hoạch “Phát triển hệ thống y tế thành phố Hà Nội đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030”, một trong những mục tiêu đáng chú ý là xây mới 25 bệnh viện
với 8.850 giường bệnh, đồng thời quy hoạch lại toàn bộ hệ thống y tế của thành
phố. Vấn đề nhân lực đang được coi là một trong những “nút thắt” của quy hoạch
này.
Nhân lực là bài toán đau đầu trong chiến lược giảm tải bệnh viện (Ảnh: N.A) |
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cam kết sẽ xây dựng
cơ chế để thu hút thêm nhân lực. Về lâu dài, Hà Nội cần có trường Đại học Y,
Dược. Theo ông Hiền, Hà Nội sẽ cần tới 4.000 bác sĩ cho quy hoạch trên, tuy
nhiên giải pháp cụ thể để có được lượng bác sỹ “khổng lồ” như trên, đủ trình độ
khám chữa bệnh, thì Hà Nội chưa có.
Trong khi đó, hiện nay, công tác đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng yêu cầu của
công tác khám chữa bệnh.
Ngày 10/4 vừa qua, lễ khởi động nghiên cứu đánh giá công tác đào tạo nhân lực y
tế Việt Nam đã được tổ chức tại ĐH Y tế công cộng. Tại buổi lễ này, Thứ trưởng
Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay phải xem xét nghiêm túc về chất lượng đào tạo
thầy thuốc bởi hiện nay có thực tế là bác sĩ ra trường chưa làm việc độc lập
được ngay.
"Tại các bệnh viện lớn, bác sĩ ra trường 5-6 năm vẫn còn phải kèm cặp thêm về
chuyên môn", ông Tiến cho hay.
Áp lực lớn
Trong khi đội ngũ nhân lực y tế của Hà Nội còn hạn chế (cả về số lượng lẫn trình
độ chuyên môn) thì áp lực khám chữa bệnh ngày một lớn.
Cả TP chỉ có 2.755 bác sỹ, 145 dược sỹ, hơn 2.300 y sỹ, 3.670 y tá điều dưỡng,
…ở tất cả các tuyến nhưng phải đảm bảo khám chữa bệnh cho hơn 6,4 triệu dân.
Ngoài ra, các thành phần dân số khác như cán bộ ngoại giao có mặt trên địa bàn
thành phố khoảng 70 – 80 nghìn người, khách du lịch hàng năm trên địa bàn Hà Nội
khoảng gần 9.000 nghìn lượt người.
Lượng khách vãng lai như thăm người nhà, lao động thời vụ... ước tính bằng
khoảng 20 - 25% dân số nội thành, khoảng 585 nghìn người. Đối với các thành phần
dân số này cũng phải xem xét để tính các cung cấp dịch vụ đô thị trong đó có
dịch vụ y tế. Nếu thành phố không đảm bảo cung ứng được dịch vụ y tế thì chuyện
người dân thủ đô vượt tuyến lên bệnh viện truyến TƯ của Bộ Y tế là điều tất yếu.
Ngọc Anh