– Ngày 30/5, mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Minh Tâm đã tử vong tại bệnh viện đa khoa Gia Lai. Nguyên nhân tử vong được lãnh đạo bệnh viện xác định là do thuyên tắc ối! Như vậy, trong vòng chưa đầy 2 tháng qua thì đây là trường hợp thứ 5 tử vong vì tai biến “cực kỳ hiếm gặp” này.
>> 'Sản phụ tử vong nhiều, dân căm phẫn là đúng'
>> Sản phụ liên tiếp tử vong: Y học bó tay?
>> Nhiều sản phụ tử vong: Bộ Y tế lên tiếng
>> Báo cáo Phó Thủ tướng các ca sản phụ tử vong
>> Sản phụ chết, gia đình đuối lý trước bệnh viện
Gia đình sản phụ Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1972, trú tại làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) cho hay: khi nhập viện vào ngày 29/5, chị Tâm được bác sỹ xác định là sản phụ và thai nhi bình thường.
Khi chị Tâm đau dữ đội, người đã bị thâm tím, gia đình phải đi tìm bác sỹ. Sau khi khám, bác sỹ cho hay thai nhi đã chết và mổ cấp cứu mẹ, nhưng chị Tâm đã tử vong trên bàn mổ ngay sau đó.
Nguyên nhân tử vong được bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai xác định là do thuyên tắc ối.
Nhiều sản phụ lo lắng vì các tai biến sản khoa liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây (Ảnh: VietNamNet) |
Như vậy, đây là trường hợp thứ 5 trong tổng số 10 ca tai biến sản khoa trong 2 tháng qua liên quan đến lý do thuyên tắc ối – một tai biến sản khoa “cực kỳ hiếm gặp” trên thế giới.
Nhưng điều kỳ lạ là trong thời gian gần đây, tai biến này lại thường xuyên xảy ra đối với các sản phụ Việt Nam gây nên những hoài nghi về việc các bệnh viện “vin” vào tai biến khó để trốn tránh, rũ bỏ trách nhiệm.
Hiện nay, Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu các địa phương xảy ra tai biến phải báo cáo đầy đủ về vụ việc. Tuy nhiên, tính đến ngày 29/5, mới có hai trong số sáu địa phương có tai biến sản khoa khiến sản phụ tử vong báo cáo kết luận giám định pháp y nguyên nhân tai biến nhưng báo cáo này cũng không có gì mới so với những gì đã đưa ra trước đó!
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng vụ Sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, bộ Y tế, cho biết để có số liệu tương đối chính xác về tử vong mẹ cần dựa vào điều tra nghiên cứu, và chỉ có thể làm định kỳ 5 - 10 năm một lần do tổ chức điều tra rất tốn kém.
“Bộ Y tế rất muốn có số liệu đại diện cho từng vùng sinh thái, từng địa phương nhưng muốn vậy thì cỡ mẫu sẽ rất lớn, trong thực tế không thể làm được”, ông Khê thừa nhận.
Chính vì không có những số liệu chính xác này nên không có cơ sở để phân tích nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp hạn chế tai biến sản khoa!
Sở Y tế Hà Nội triển khai biện pháp hạn chế tai biến sản khoa Nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh. Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cần giám sát, kiểm tra các phương án hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên khi cần thiết, công tác đảm bảo vận chuyển cấp cứu bệnh nhân, hỗ trợ kịp thời tuyến dưới khi có yêu cầu và phải tổ chức tập huấn, đào tạo lại cho cán bộ y tế các tuyến về chẩn đoán và xử trí cấp cứu sản khoa theo các hướng dẫn chuyên môn. Sở Y tế cũng giao Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hà Nội, Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hà Đông tổ chức tập huấn cho cán bộ mạng lưới về “hướng dẫn chẩn đoán, xử trí cấp cứu tai biến sản khoa”. Các cơ sở có hoạt động khám chữa bệnh chuyên khoa sản phụ cần tổ chức giám sát, đánh giá tình hình nhân lực (số lượng, chất lượng), trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để đảm bảo cho công tác chăm sóc sản khoa nhất là công tác cấp cứu sản khoa, các dịch vụ kỹ thuật sản phụ khoa kế hoạch hóa gia đình. |