- Trước cái chết của hàng loạt sản phụ và thai nhi trong hơn 1 tháng qua, GS – TS, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM và cũng là một người có công lao lớn cho nền sản khoa nước nhà đã thể hiện quan điểm của mình trong cuộc trả lời phỏng vấn VietNamNet.


- Thưa bà, vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai biến sản khoa nghiêm trọng làm chết sản phụ và thai nhi. Theo bà nếu tất cả đều nói là do rủi ro liệu có thuyết phục?

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – chuyên gia sản khoa hàng đầu tại Việt Nam - Ảnh: Thanh Huyền.
 

Những tai biến trong sản khoa đến 2/3 là không dự đoán được. Tai biến có thể dự đoán thông qua việc thăm khám thai định kỳ là sản giật. Những tai biến không dự đoán được là thuyên tắc ối, sa dây rốn…

Trong y văn thế giới có nói thuyên tắc ối mà mẹ và em bé còn sống thì không phải thuyên tắc ối. Nếu đúng sản phụ bị thuyên tắc ối, nguy cơ tử vong mẹ và em bé là 100%.

Còn những tai biến khác như vỡ tử cung, băng huyết sau sinh, sản giật vẫn có thể tránh được nếu can thiệp kịp thời.

Những trường hợp tai biến sản khoa vừa qua đăng tải trên các phương tiện thông tin tôi thấy sản phụ là những người không có nguy cơ cao (mẹ không nhỏ hơn 18 tuổi, không quá lớn tuổi, không mắc các bệnh về chuyển hoá, nội tiết, tim, phổi, huyết áp…) Như vậy, chúng ta cần kiểm tra lại từng bước xem nếu can thiệp sớm, xử trí kịp thì có cứu được chăng?

Tai biến sản khoa tuy không thể tránh được 100% nhưng ta cố gắng tránh được càng nhiều càng tốt.

Nói tóm lại, trong một ca sinh khó, để mẹ tròn con vuông cần lắm sự hợp tác giữa thầy thuốc với sản phụ và gia đình sản phụ. Thầy thuốc cần phải lắng nghe nguyện vọng của sản phụ và gia đình họ, xử trí tận tình trong giới hạn có thể.

Để tránh tử vong trong sản khoa, thầy thuốc không chỉ cần sự nhiệt tình, chu đáo, trách nhiệm mà phải có năng lực chuyên môn.

"Tai biến sản khoa tuy không thể tránh được 100% nhưng ta cố gắng tránh được càng nhiều càng tốt".


- Sau cái chết của hàng loạt sản phụ, thai nhi, người dân, nhất là thân nhân sản phụ phản ứng rất gay gắt. Họ cho rằng nguyên nhân cái chết mà bệnh viện và hội đồng y khoa đưa ra chưa thoả đáng, các bác sĩ bênh vực và bưng bít cho nhau. Bà nghĩ sao về chuyện này?


Người dân căm phẫn là có lý do. Đối với ngoại khoa, nội khoa, người ta bị bệnh mới nhập viện. Nếu chẳng may họ chết thì người nhà cũng không quá phản ứng và nghĩ chết là do bệnh nặng. Nhưng đối với sản khoa lại khác.

Có thể buổi chiều người ta vừa ăn cơm với gia đình, chồng con rồi đau đẻ. Khi nhập viện sinh nở, sản phụ vẫn mạnh khoẻ bình thường, vậy mà hai tiếng sau báo là đã chết.

Như thế tất nhiên gia đình và thân nhân phải sốc, bất ngờ, hụt hẫng. Chưa chắc bác sĩ sai nhưng lúc ấy có nói gì cũng là vô ích, người nhà sản phụ rất khó chấp nhận.

Thế nào là “thầy thuốc như mẹ hiền”? Theo tôi không phải cứ hô hào không nhận phong bao, hay tôi yêu bệnh nhân lắm thì là “mẹ hiền” đâu.

Là thầy thuốc mình phải có tâm, chịu khó trau dồi chuyên môn. Bệnh nhân người ta chết, mình phải trăn trở nghiên cứu, tìm hiểu về nguyên nhân cái chết đó để rút kinh nghiệm, tránh tử vong cho những ca bệnh khác.

Một bác sĩ ra trường sau 10 năm mà không chịu trau dồi, học hỏi thêm thì năng lực chuyên môn chỉ còn lại 50%.

Có rất nhiều bác sĩ chỉ lo làm phòng mạch, thứ 7, chủ nhật ở nhà nghỉ ngơi. Tôi từng chứng kiến không ít buổi hội thảo khoa học về chuyên môn nhưng nhiều bác sĩ không chịu đến. Như vậy thì khi xảy ra sự cố hay gặp phải những ca hy hữu, nặng nề làm sao xử trí kịp?

- Bà đánh giá sao về năng lực chuyên môn của bác sĩ sản cũng như ngành sản khoa ở tuyến cơ sở của nước ta?

Y tế sản ở tuyến cơ sở của ta còn nhiều khó khăn lắm. Tôi từng biết có những xã vài năm chẳng có ca nào đến cơ sở y tế sinh đẻ cả.

Người dân tộc họ đẻ ở nhà, người Kinh thì không tin tưởng. Những cán bộ y tế cơ sở được thực hành đâu mà có kinh nghiệm? Hiện nay vẫn còn một số huyện miền núi chưa thực hiện được kỹ thuật mổ đẻ.

Theo tôi, Nhà nước phải có chính sách để bác sĩ yên tâm về công tác tại tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, trang thiết bị cũng cần phải được đầu tư. Cán bộ y tế cơ sở có giỏi sẽ phát hiện nguy cơ tai biến sớm và bệnh nhân mới không chết.

- So với các nước trong khu vực chất lượng y tế sản khoa của nước ta như thế nào, thưa bà?

Tôi nghĩ chúng ta cũng khá đấy. Tỷ lệ tử vong của nước ta là 70/100.000 ca. Ta chỉ thua Thái Lan, Trung Quốc và Singapore. Ta tốt hơn Lào, Philippin, Malaysia, Campuchia, Indonesia.

- Xin bà cho biết một ca sinh nở mẹ tròn con vuông cần những điều kiện gì?

Có thể cho rằng tôi nói hơi xa xôi nhưng một ca sinh nở tốt đẹp không chỉ phụ thuộc vào quá trình chuyển dạ đâu.

Từ lúc vị thành niên người con gái phải biết chăm sóc mình, không để mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Người phụ nữ phải được ăn uống đủ dinh dưỡng.

Khi lập gia đình người phụ nữ phải có bước chuẩn bị cho hôn nhân, học lớp tiền hôn nhân, biết về cuộc sống vợ chồng và cuộc sống làm mẹ tương lai.

Lúc lập gia đình người phụ nữ phải biết mang thai lúc nào là thích hợp, trước khi mang thai phải khám sức khoẻ. Lúc mang thai rồi thai phụ phải đi khám thai định kỳ, làm đầy đủ xét nghiệm, tránh những chất gây độc hại, dị dạng cho thai nhi.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chứng minh việc khám thai định kỳ sẽ làm giảm tỷ lệ tai biến trong quá trình chuyển dạ.

- Xin cảm ơn bà!

Thanh Huyền (Thực hiện)