- Cục Kiểm lâm vừa có báo cáo khẳng định tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến trong Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) như các cơ quan báo chí phản ánh là đúng sự thật.

Ngày 2/7/2012, Cục Kiểm lâm đã có báo cáo số 354/BC-KL-ĐN gửi Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về tình hình khai thác, vận chuyển gỗ lậu trái phép xẩy ra tại khu vực Vườn quốc gia Ba Bể.

Theo như báo cáo này, thì sau khi VietNamNet có loạt bài điều tra về vấn nạn khai thác và vận chuyển gỗ nghiến trái phép xảy ra tại Vườn quốc gia Ba Bể, Cục Kiểm lâm đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra thực tế.

Đồng thời, Cục đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thống kê, đo đếm số cây và khối lượng gỗ bị chặt hạ trái phép, báo cáo về Cục Kiểm lâm, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục Kiểm lâm vừa có báo cáo khẳng định tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến trong Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) như các cơ quan báo chí phản ánh là đúng sự thật.

Quá trình kiểm tra hiện trường và làm việc với các cơ quan chức năng, Tổ công tác của cục Kiểm lâm đã đi đến kết luận: tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến trong Vườn quốc gia Ba Bể như các cơ quan báo chí phản ánh là đúng sự thật.

Về thông tin các đầu nậu buôn gỗ đã vượt qua 'thập diện mai phục' của kiểm lâm để vận chuyển về xuôi, tổ công tác cho rằng hiện chưa có căn cứ khẳng định. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp một số cán bộ làm ngơ, né tránh hoặc tiếp tay cho các đối tượng tham gia vận chuyển gỗ nghiến trái phép.

Liên quan đến những “ông trùm” trong giới buôn lậu gỗ nghiến, theo báo cáo của Cục Kiểm lâm thì trên địa bàn khu vực chợ Đồn, chỉ có Doanh nghiệp chế biến gỗ Đức Mạnh do Nguyễn Quốc Tuấn làm giám đốc là có quy mô lớn.

Về nguyên nhân để xảy ra tình trạng này, theo như lãnh đạo Cục là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt; các ban, ngành, đoàn thể chưa tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng phá rừng; có nơi còn biểu hiện bao che, hoặc né tránh, ngại va chạm…..

Cục Kiểm lâm cũng đề nghị Tổng Cục Lâm nghiệp yêu cầu Sở NN&PTNN và Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn xem xét, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm các cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn được phân công quản lý; Tiến hành đánh giá, bố trí sắp xếp lại cán bộ, thuyên chuyển vị trí công tác theo quy định để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phát huy hiệu quả công tác. Lập chuyên án điều tra, xác minh, triệt phá các đầu nậu, đường dây mua, bán lâm sản trái phép trên địa bàn…

Về số lượng gỗ nghiến bị lâm tặc triệt hạ, theo như báo cáo của Tổ công tác thì từ đầu năm 2012 đến nay có đến 144 cây gỗ nghiến (657,909m3) bị khai thác trái phép.

Trước đó, cũng trong báo cáo của lực lượng Kiểm lâm thì từ cuối năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 134 cây gỗ nghiến với khối lượng 536m3 bị chặt hạ. Trong đó, 2 khu vực có diện tích rừng nghiến bị tàn phá nhiều nhất là Vườn quốc gia Ba Bể (48 cây, 160m3 gỗ) và khu rừng xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông (52 cây, 226m3 gỗ).

Như vậy, có sự “vênh” nhau quá lớn về khối lượng gỗ nghiến bị lâm tặc triệt hạ trong thời gian từ đầu năm 2012 đến nay. Và nếu như con số 144 cây gỗ nghiến với khối lượng 657,909 bị lâm tặc triệt hạ từ đầu năm 2012 đến nay là chính xác thì chứng tỏ tốc độ “tận diệt” rừng nghiến nhanh đến chóng mặt.

Và, chẳng mấy chốc mà rừng nghiến ở Ba Bể bị cạn kiệt bởi chính sự thờ ơ và buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền.

Cũng cần nói thêm rằng, số luợng gỗ nghiến mà lực lượng chức năng kiểm tra được, chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm'. Số lượng gỗ nghiến bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển về xuôi trót lọt  còn lớn hơn rất nhiều.

Hoàng Sang