Ngoài 3 quân nhân đã được triệu tập, cơ quan điều tra thuộc Quân đoàn 3 đang tiến hành xác minh thêm 4 người khác liên quan đến vụ giết voọc phản cảm.

>> Vụ giết voọc phản cảm: Triệu tập các quân nhân
>> Gia đình không tin con trai giết khỉ quý hiếm
>> Đã xác định được kẻ tung hình ảnh giết voọc

>> Truy tìm kẻ giết voọc, khoe ảnh phản cảm lên mạng


Theo điều tra bước đầu, 4 người này không phải là quân nhân nhưng cùng có mặt trong các bức ảnh hành hạ voọc chà vá được Nguyễn Văn Quang (20 tuổi, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) tung lên mạng.

Nguồn tin của báo PL.TPHCM cho hay, trong số 4 người dân nói trên, có 2 người liên quan trực tiếp đến việc bán và giết chết voọc.


Ngoài danh tính 3 quân nhân đã được xác định, cơ quan điều tra đang xác minh thêm 4 người dân khác liên quan đến vụ giết voọc chà vá

Hiện tổ công tác đã quay lại Kon Tum – nơi xảy ra vụ việc để tiếp tục điều tra, mở rộng.

Trước đó như VietNamNet đã đưa tin, liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra hình sự thuộc Quân đoàn 3 đã triệu tập Nguyễn Văn Quang cùng 2 quân nhân khác để lấy lời khai. Khuya ngày 19/7, nhóm quân nhân này đã được đưa về trụ sở Quân đoàn tại An Khê (Gia Lai) để lấy lời khai.

Quang và các đồng đội khai nhận họ không phải là người trực tiếp bắn, bẫy những cá thể voọc nói trên mà mua lại từ người dân địa phương, sau đó thuê họ làm thịt. Trong quá trình đó, Quang cùng một số quân nhân khác đã có hành vi hành hạ con vật rồi chụp ảnh đưa lên trang cá nhân.

Hiện chưa có kết luận cuối cùng về hình thức xử lý đối với 3 quân nhân nói trên, song theo đánh giá, hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng điều lệnh của quân đội và vi phạm pháp luật về việc tiêu thụ, giết thịt động vật hoang dã quý hiếm.

Theo đó, nặng nhất, Quang có thể bị tước quân tịch và đưa ra tòa án của Quân đoàn 3 xét xử.

Phân tích rõ thêm, trên NTNN, luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe cho biết, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 32/2006 của Chính phủ người có hành vi săn bắt, tra tấn và giết voọc, trong trường hợp có đủ căn cứ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Điều 190 Bộ luật Hình sự (năm 1999).

Người có hành vi nêu trên có thể bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng...

Minh Đức (tổng hợp)