– Câu trả lời của Bộ Y tế và Sở Y tế khi bị truy vấn trách nhiệm liên quan đến các phòng khám Trung Quốc hoạt động bát nháo trong thời gian qua được đánh giá là không thỏa đáng, không thuyết phục.
>> Phòng khám TQ sai phạm, vẫn ùn ùn kéo đến
>> 2 phòng khám TQ bị phạt hơn 60 triệu đồng
>> 'Sờ gáy' nhiều phòng khám Trung Quốc
>> Bệnh nhân chết ở phòng khám Maria do sốc thuốc?
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với những người trong ngành y tế về nội dung trên.
Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam (Ảnh: Internet) |
Ông Nguyễn Xuân Hướng,
nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam: “Người đầu tiên phải chịu trách nhiệm là
người cấp phép”
- Thưa ông, trong thời gian qua,
các phòng khám Trung Quốc liên tiếp vi phạm chuyên môn trong hành nghề với các
lỗi nghiêm trọng, thậm chí làm chết người (như ở phòng khám đa khoa Maria), …
Tuy nhiên, đến nay, cả Bộ Y tế lẫn Sở Y tế đều né tránh trách nhiệm. Vụ Y dược
cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết trách nhiệm quản lý hoạt động các phòng khám thuộc
về các Sở Y tế. Còn Sở Y tế Hà Nội cho biết khi xảy ra sự cố thì người đầu tiên
chịu trách nhiệm là người đứng đầu các phòng khám. Ông thấy những câu trả lời
này có thỏa đáng không?
- Là cơ quan quản lý, khi để xảy ra sự cố (ở bất kể mức độ nào) thì người
đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước quần chúng nhân dân là những người đã đứng
ra cấp phép cho các bác sỹ và các phòng khám được hoạt động (theo quy định hiện
hành, thẩm quyền cấp phép hành nghề cho bác sỹ đông y người nước ngoài là Vụ Y
dược cổ truyền – Bộ Y tế và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt
động cho phòng khám đông y Trung Quốc là các Sở Y tế - PV).
Nói vậy để thấy họ né tránh trách nhiệm như vậy là không được. Nếu phòng
khám sai phạm hoặc không đủ điều kiện hành nghề thì cơ quan quản lý không cho
hoạt động, như vậy thì đời nào các phòng khám dám hoạt động?
Đó là về cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám. Còn vấn đề cấp phép hành
nghề cho bác sỹ người Trung Quốc (thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế - PV) hiện nay
của ta cũng làm rất qua loa, toàn hồ sơ giấy tờ phô tô mà chẳng có bản xác nhận
trình độ chuyên môn của cơ quan chức năng Trung Quốc (Cục Trung y). Trước đây,
chúng ta đã phát hiện ra rằng có hàng chục người Trung Quốc được cấp phép hành
nghề bác sỹ đông y mà chẳng qua đào tạo, học hành gì cả.
Không thể đẩy hết trách nhiệm cho một mình các phòng khám khi có sai phạm. Bởi
bản thân các phòng khám khi lập ra là họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Trách nhiệm
của cơ quan chức năng ngoài việc cấp phép còn là việc quản lý họ sao cho họ
không thể vì lợi nhuận mà làm những điều sai trái.
"Khi để xảy ra sự cố (ở bất kể mức độ nào) thì người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước quần chúng nhân dân là những người đã đứng ra cấp phép cho các bác sỹ và các phòng khám được hoạt động" - ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam |
- Câu hỏi không mới
nhưng luôn gây bức xúc là tại sao các phòng khám sai phạm nhiều lần mà không bị
đình chỉ hoặc tước giấy phép hoạt động? Lãnh đạo các Sở Y tế cho rằng không thể
cứ muốn là tước giấy phép hoạt động của phòng khám vì “sai phạm chưa đến mức
phải tước giấy phép hoặc đình chỉ”. Là người làm trong ngành y, ông thấy lý giải
này có thuyết phục không?
Tôi là người làm chuyên môn, không phải nhà quản lý nhưng theo tôi biết, ngoài
mức xử phạt hành chính (tương ứng với mức độ vi phạm) thì cơ quan quản lý có thể
áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung (như tước chứng chỉ hành nghề đối với người
hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tước giấy phép hoạt động không thời hạn hoặc có
thời hạn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty đầu tư cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh tư nhân) nếu như phòng khám đó cố tình tái phạm nhiều lần.
Có thể nói, cơ quan quản lý của ta không hiểu vì lý do gì mà không dám mạnh tay,
chỉ phạt phòng khám như “phủi bụi”, số tiền phạt không thấm vào đâu so với số họ
kiếm được trên người bệnh nên họ cứ “vô tư” mà tái phạm, khiến người dân cứ bức
xúc mãi.
- Việc kiểm tra, thanh tra cũng diễn ra nhưng không đạt hiệu quả cao. Mỗi khi
có "sự cố", cả Bộ lẫn Sở đều than việc quản lý các phòng khám "rất khó" do nhiều
nguyên nhân khách quan. Ông có đánh giá gì về điều này?
Cách kiểm tra hiện nay chẳng khác nào kiểm tra lấy lệ, kiểm tra “cho vui”, vì có
giải quyết được vấn đề gì đâu? Chưa kể là họ còn kiểm tra kiểu “chữa cháy”,
nghĩa là việc xảy ra rồi mới chạy theo kiểm tra, như vậy thì còn tác dụng gì?
Việc kiểm tra ở ta không
phát huy hiệu quả, không có tính răn đe nên đương nhiên kiểm tra xong họ lại dễ
dàng phạm lỗi.
Theo tôi, cơ quan quản lý của ta cần phải thực thi đúng pháp luật thì mới mong
thay đổi được tình hình.
Còn về việc cơ quan chức năng than "khó" trong công tác thanh tra, quản lý, tôi
cho là không nên than như thế. Người dân người ta không cần biết quản lý khó hay
dễ, chỉ biết rằng anh đại diện cho luật pháp, anh cấp phép cho người ta thì anh
phải có trách nhiệm quản lý người ta sao cho hiệu quả.
Bác sỹ Lê Thị Kim Dung (Ảnh: Internet) |
Tôi không nhớ hết mình đã khám được cho bao nhiêu người là “nạn nhân” của các phòng khám trên, chỉ nhớ một điều là lần nào khám cũng vừa thương, vừa tức.
Thương vì bệnh nhân vừa mất nhiều tiền mà bệnh không những không khỏi lại còn nặng thêm, tức vì tại sao các phòng khám này sai phạm ngang nhiên, rõ như ban ngày mà vẫn công khai hoạt động, quảng cáo rầm rộ song không bị xử phạt, khiến những người bệnh thiếu thông tin, thiếu hiểu biết cứ lao đầu vào?
Với người ngoài ngành y thì có thể họ không để ý, không biết, nhưng người trong nhành y thì chỉ cần nhìn qua cách hoạt động cũng biết họ sai phạm. Ví dụ như các phòng khám này không được phép lưu bệnh nhân qua đêm để điều trị, vậy tại sao tình trạng trên vẫn xảy ra?
Qua quan sát các sự việc xảy ra ở các phòng khám, tôi thấy các phòng khám chắc chắn là không cố ý làm chết bệnh nhân, vì làm vậy thì họ cũng không còn đường sống. Nhưng cố tình làm sai trái các quy định của pháp luật để trục lợi trên bệnh nhân thì chắc chắn là sự thực. Bằng chứng là họ đã vi phạm quá nhiều lần, xử phạt xong lại cố tình tái phạm.
Ngọc Anh (ghi)