- Việc người dân ven sông phải tự giữ lấy mảnh đất “cắm dùi” của mình dường như trở thành chuyện thường ngày ở huyện Sông Lô. Nhưng gần đây, các tàu thuyền khai thác cát còn trắng trợn xả súng về phía người dân...
>>Băm nát sông Lô: Bất lực hay thao túng?
>>Băm nát dòng Lô
>>Truy tìm thủ phạm tàn phá sông Lô
LTS: Cuối năm 2011, VietNamNet đã đăng tải loạt bài phóng sự về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên dòng sông Lô đoạn chảy qua địa bàn huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.
Từ đó, dòng sông này tiếp tục bị cày xới với mức độ ác liệt hơn. Ở một khúc khác của dòng Lô giang, đoạn chảy qua các xã ven sông của huyện Sông Lô như Bạch Lưu, Hải Lựu, Yên Thạch, Đức Bác… các tàu trục, tàu quốc vẫn đang hoạt động hết công suất làm náo loạn vùng ven sông. |
Đất lở xuống sông
Về Sông Lô nghe dân ở các xã ven sông nói mới thấy hết những bức xúc đã dồn nén bấy lâu. Hơn chục năm qua, những tàu trục tàu quốc ngày đêm “cắm rễ” ra sức vơ vét cạn kiệt tài nguyên cát sỏi ở lòng sông.
Toàn huyện có gần 30 km đường sông, đoạn nào cũng có sự góp mặt của đội quân "cát tặc". |
Toàn huyện Sông Lô có gần 30km đường sông, đoạn nào có sự góp mặt của đội quân này thì lòng sông, bờ sông bị tàn phá ghê gớm, bị cày xới nham nhở. Đất ngoài bãi Soi cứ lở từng mảng xuống sông, người dân tận mắt nhìn nhưng cũng đành bất lực. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sụt lở đất bờ sông ở các xã Bạch Lưu, Đức Bác.
Bạch Lưu là xã nhỏ nằm ven huyện Sông Lô, cả xã có hơn 3.000 nhân khẩu. Tất cả các hộ dân đều có đất ở Soi, người dân ở đây quanh năm chỉ biết bám vào ruộng đồng và bãi đất ngoài bãi Soi để canh tác 2 vụ/năm sinh sống. Nhưng tình trạng khai thác cát quá ồ ạt khiến đất ven sông lở với tốc độ chóng mặt.
Theo thống kê của một vị cán bộ xã Bạch Lưu, đã có hơn 4.000m2 ruộng đất và cây trồng trên đất của người dân bị trôi xuống sông. Còn 53.000m2 bãi bồi ven sông nằm trong quản lí của chính quyền xã đang nằm trong tình trạng báo động đỏ vì sẽ bị lấn chiếm và thành đất trôi sông…
Người dân Bạch Lưu lo ngại rằng, cứ với cái đà này thì chỉ 1-2 năm nữa sẽ mất hết đất ngoài Soi. Vị cán bộ xã này dẫn tôi ra bờ sông, đứng trên bờ mà cứ lo ngay ngáy đất dưới chân mình sẽ sụp cả mảng bất cứ khi nào.
Vị cán bộ xã Bạch Lưu chỉ tay về phía bờ sông đang bị sạt lở nghiêm trọng. |
Vị cán bộ chỉ tay về phía mấy con tàu đang cắm rễ hoạt động gần đó cho biết, những tàu quốc có cần hút cắm sâu từ 25-30m, còn những tàu trục có cần sâu lên đến 40m. Nếu cứ để chúng ngoạm vào bờ hút cát thì chẳng mấy chốc lại xuất hiện những mảng đất chênh vênh, chân bị hút lõm sâu, ăn sát vào đất canh tác ven sông, chỉ cần một cơn sóng đánh mạnh là cả đoạn bờ sông sụp xuống.
“Năm nay, các tàu thuyền khai thác dữ quá, mùa này nước đang lên, khéo mất hết Soi ngoài”- bà Ngô Thị Vang, người dân thôn Anh Dũng, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô lo lắng. Ở trên bờ sông, ngay trên ruộng người dân xuất hiện nhiều vết nứt toang hoác, ngang dọc kéo dài đến 4-5m.
“Mùa tới, người dân ra bãi Soi cũng không dám trồng ngô gần ven sông nữa, lỡ đất sụp xuống thì lại mất trắng”- vị cán bộ xã cho hay.
Hành trình đuổi tàu cát
Đất canh tác đang đứng trước nguy cơ trôi sông. Nhiều năm qua, những bức xúc, phẫn nộ của người dân vùng ven sông “kêu” lên các cấp chính quyền địa phương nhưng chưa thấu.
Trước mắt, nhiều người trong làng trong thôn bảo nhau tự giữ lấy đất, lấy ruộng ngoài Soi. Thấy tàu đến gần bờ hút cát thì ném đất, ném đá đuổi tàu đi, tàu cát neo cắm bờ thì thu neo, thu giữ tàu.
Ở trên bờ sông, ngay trên ruộng người dân xuất hiện nhiều vết nứt toang hoác, ngang dọc kéo dài đến 4-5m. |
“Tàu này đi thì tàu khác lại đến, mỗi ngày có gần chục con tàu đến đây khai thác cát, không giữ được thì làm gì có đất mà làm ăn” - một người dân xã Bạch Lưu bức xúc.
Với nhiều người dân các xã ven sông, thấy những tàu quốc đến gần bờ “khoắng” cát chẳng khác nào thấy kẻ thù, hô hoán dân làng đuổi đi. Một lần cuối năm 2011, khi thấy một số tàu kéo nhau vào gần bờ sông thuộc địa phận xã Bạch Lưu hút cát, bức xúc quá, bà con nhìn thấy đã tẩm dầu vào giẻ để ném tàu.
“May lần đó có sự can thiệp kịp thời của lực lượng công an xã không thì đã xảy ra cháy”- vị cán bộ xã Bạch Lưu nhớ lại.
Chuyện người dân ven sông phải tự giữ lấy mảnh đất “cắm dùi” của mình đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Gần đây, dân phẫn nộ quá, cả mấy chục người kéo ra cùng với sự có mặt của cán bộ xã nên các đối tượng tạm thời rút đi. Nhưng đến đêm khuya, khoảng từ 1-4 giờ sáng, đội quân tàu quốc lại kéo ra hút trộm.
Chỉ loáng sau một đêm bị “khoắng” trộm, đất bờ sông lại lở ra trông thấy. |
Người dân bàn bạc tính chuyện phải thức trắng cả đêm ngoài bãi Soi để giữ đất làm ăn, khi thấy có tàu đến hút trộm cát thì hô hoán để đuổi đi.
Cho đến ngày 4/4 thì chuyện nghiêm trọng xảy ra, những người trên chiếc tàu quốc khai thác cát trộm ban đêm đã nổ súng hoa cải, bắn trọng thương 4 người dân trong làng khi ra bãi Soi giữ đất.
“Bây giờ ra giữ đất cũng sợ, nhỡ chúng dùng vũ lực mạnh hơn thì mạng sống của mình còn chưa giữ được huống chi là…”- bà Ngô Thị Vang, mẹ anh Nguyễn Đức Thắng (một trong 4 người bị “cát tặc” bắn trọng thương) hoang mang cho biết.
Anh Tuấn (còn nữa)