Giấc mộng đổi đời đã khiến hàng trăm người chạy theo cơn khát tìm trầm nhưng ít ai biết đằng sau đó không ít người phải đổ cả máu và nước mắt.

TIN BÀI KHÁC

Từ trúng thật đến tin đồn

Trong suốt tuần qua, trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) rộ lên tin đồn có môt người tên Hoàng (trú thôn An Định, xã Đại Đồng) và một người tên Lộc (trú tại thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa) đi tìm trầm tại Khánh Hòa và trúng được gần chục kg kỳ nam (loại trầm quý bậc nhất), bán được trên 55 tỷ đồng.

Sự đổi đời trong chốc lát khiến hàng nghìn người dân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… ùn ùn đổ về rừng Gộp Ngà (Khánh Sơn, Khánh Hòa) tìm… trầm.

Tuy nhiên theo khẳng định của lãnh đạo huyện Đại Lộc, chuyện người dân trúng kỳ nam hàng chục tỷ đồng chỉ là tin đồn. Hiện những người trên không có mặt tại địa phương và không ai xác nhận họ thực sự trúng kỳ nam.

Số lượng trầm ít ỏi mà một số người dân xã Đại Đồng tìm được tại thung lũng Ô Kha trong những ngày qua (Ảnh: Tuổi trẻ)

 

Sau gần một tuần đào xới, do tìm mãi không thấy vận may, nhiều người cũng đã bỏ về, nhưng đằng sau đó là câu chuyện của hàng trăm ha rừng bị đào xới, câu chuyện của nợ nần, của máu và nước mắt…

Trong vài năm trở lại đây, huyện Đại Lộc được biết đến là địa hạt của những tỷ phú giàu lên nhờ kỳ nam… Nhưng trên thực tế, số vụ trúng kỳ nam thật chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vụ trúng kỳ nam “khủng” đầu tiên xảy ra vào tháng 8/2010, khi một nhóm tìm trầm của anh Võ Quốc Tuấn (thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) tìm được 13,5kg kỳ nam tại vùng rừng núi An Khê (Gia Lai), bán được 32 tỷ đồng.

Từ đây, cơn khát kỳ nam thôi thúc hàng loạt người dân ở huyện Đại Lộc bủa xua lên các cánh rừng già ở Quảng Nam, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên để tìm vận may.

Chàng thanh niên Nguyễn Văn Sĩ - người phát hiện ra lượng kỳ nam gần 1.000 tỷ đồng (Ảnh: VTCNews)

 

Tháng 6/2011, một nhóm tìm trầm gồm 7 người của xã Đại Nghĩa lại tiếp tục vào An Khê tìm kiếm và trúng đậm trên 100kg kỳ nam, bán được gần 1.000 tỷ đồng. Đây được xem là vụ trúng kỳ nam lớn nhất từ trước đến nay. Đích thân ông Cao Văn Nhạc, chủ tịch xã Đại Nghĩa khi đó cũng đã lên tiếng xác nhận về sự thật này.

Sau khi biết tin nhóm này gặp hên, 58 người khác cũng hăm hở vào lại cánh rừng già nằm giáp ranh thị xã An Khê để “hưởng xái”. Khi đến nơi, đoàn này cũng mót được 3kg kỳ nam, về bán giá gần 20 tỷ đồng.

Để đeo đuổi giấc mộng đổi đời, những gia đình ở Đại Lộc đã huy động hầu như tất cả nhân lực để đi tìm trầm. Chỉ tính riêng xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) có gần 2.000 người rời địa phương đi tìm trầm, trong đó thôn Nghĩa Tây chiếm hơn 1.000 người. Đi sâu vào các thôn sẽ chỉ còn gặp người già và trẻ nhỏ ở nhà.

Rừng và người cùng đổ máu

Từ tin đồn, hàng đoàn người lũ lượt kéo nhau vào rừng tìm trầm. Theo thống kê của Công an huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) sau tin đồn trúng kỳ nam 55 tỷ ít ngày, cả thung lũng Ô Kha của núi Gộp Ngà thuộc huyện miền núi Khánh Sơn đã bị đào bới tan hoang.

Số liệu thống kê trên báo Tiền Phong cho biết cả một khoảnh rừng nguyên sinh rộng trên 3.000 m2 ở khu vực Gộp Ngà đã bị chặt phá. Trong đó có nhiều cây lớn đường kính 30-50cm cũng bị đốn hạ, đất đá bị xới tung như bãi chiến trường…

Rừng Gộp Ngà bị đào xới, nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ, banh gốc nham nhở (Ảnh: Thanh niên)

 

Trước thực trạng đáng báo động, UBND huyện Khánh Sơn đã phải họp khẩn, tổ chức lực lượng liên ngành gồm công an, quân sự, kiểm lâm, quản lý rừng… để vận động, thuyết phục người dân ra khỏi rừng.

Tuy nhiên nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng có mặt thì người tìm trầm đã bỏ trốn vào rừng sâu để ẩn nấp, tiếp tục đợi chờ vận may.

Trong những cuộc càn quét tìm trầm, bên cạnh việc để lại hậu họa cho môi trường sinh thái, bản thân những người tìm trầm cũng phải đối mặt với không ít những thử thách, đong đầy cả máu, nước mắt và đôi khi cả tính mạng.

Việc phải trèo dốc, leo núi, vượt suối, sống chung với vắt, muỗi là chuyện mà ai cũng phải trải qua khi đi tìm trầm. Nhưng chừng đó chưa thấm vào đâu so với việc phải bám víu đói khát trên các thân cây nhiều ngày ròng khi bất ngờ có lũ. Trong đó, có nhiều người thiếu may mắn đã vĩnh viễn không thể trở về.

Theo nguồn tin của báo Công an TP.HCM, vào tháng 5/2006, trong lúc đi làm trầm ở cánh rừng già Tây Nguyên, anh Nguyễn Kít (38 tuổi, trú xã Đại Nghĩa) đã bị nước lũ cuốn trôi. Sau 2 ngày huy động lực lượng tìm kiếm, người nhà mới phát hiện xác của anh nằm vắt trên một thân cây.

Bất chấp nguy hiểm, hàng nghìn người vẫn cố bám trụ nơi rừng sâu mong thực hiện giấc mơ đổi đời (Ảnh: Tiền phong)

Lặn lội tìm trầm đã khó, khi trở về người dân lại phải nơm nớp lo sợ bị đầu gấu cướp giật, xin đểu. Nhiều gia đình buộc phải đóng cửa im ỉm không dám ra khỏi nhà.

Chia sẻ trên Dân Việt, anh Võ Quốc Tuấn, một trong 9 người trúng kỳ nam 32 tỷ đồng cho biết: “Sau khi biết tin chúng tôi trúng trầm, nhiều kẻ bặm trợn, xa lạ không biết ở đâu cứ tìm đến nhà xin tiền. Ngày nào chúng cũng đến, ném đá, dọa đánh, dọa giết, canh từng bước chân chúng tôi. Không thể sống nổi, tôi phải đưa vợ con đi lánh nạn nơi khác suốt mấy tháng trời, thấy yên yên mới dám quay về”.

Sau khi trúng kỳ nam hơn 1 tỷ đồng, gia đình anh Nguyễn Thành Công (39 tuổi, xã Hòa Xuân Đông, Đại Lộc) cũng liên tiếp bị đầu gấu “khủng bố”. Sáng 10/5/2011, chúng hung hăng đòi giết, buộc gia đình phải đưa cho bọn chúng 20 triệu đồng. Chưa dừng lại, ngày hôm sau đầu gấu lại tiếp tục quay lại đòi thêm 25 triệu đồng.

Đỉnh điểm vụ việc xảy ra vào chiều 23/6, sau khi biết anh em ông Trần Liệu trúng kỳ nam, có một nhóm người đến nhà ông Liệu gây áp lực để xin tiền. Nếu không cho liền bị hăm dọa sẽ đốt nhà, giết người thân buộc lực lượng công an phải có mặt, can thiệp, bắn chỉ thiên để giải tán.

Tình hình an ninh địa phương theo đó cũng diễn biến phức tạp, khiến nhiều người dân mất ăn mất ngủ.

Ngoài ra điều đáng lo nhất theo ông Trương Hữu Mai, Chủ tịch xã Đại Đồng là cứ sau mỗi tin đồn nhiều nông dân lại vay mượn tiền, thậm chí cắm cả sổ đỏ để mua lương thực thực phẩm vào rừng săn tìm kỳ nam. “Lộc rừng” chưa thấy đâu nhưng hàng loạt gia đình lâm vào cảnh khốn khó, nợ nần chồng chất.

Đ.Tâm (tổng hợp)