HTML clipboard

- Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng: “Về căn cơ phải tách cầu đi chung, không để cho phương tiện đường bộ đi qua đường sắt. Việc cầu đường bộ đi chung đường sắt có lẽ chỉ còn tồn tại ở Việt Nam hoặc là một vài quốc gia chậm phát triển”.

Xung quanh vụ tai nạn cầu Ghềnh (Đồng Nai) cũng như những bất cập của đường sắt Việt Nam. Sáng 14/2, bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011 của Bộ GTVT, ông Thuấn đã có cuộc trao đổi với báo giới.

- Ông có thể cho biết cụ thể nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn cầu Ghềnh?

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT)
Vụ tai nạn cầu Ghềnh cho đến thời điểm này, cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân xuất phát ban đầu là do ý thức của người điều khiển phương tiện và việc hành xử thiếu văn hoá ngay tại đầu cầu đi chung với đường sắt, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

- Sau vụ tai nạn giao thông đường sắt tại cầu Ghềnh, theo ông ngành giao thông phải làm gì để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt ?

Tai nạn nghiêm trọng trên cầu Ghềnh là cảnh báo về nguy cơ đang tồn tại của đường sắt Việt Nam, chính vì vậy Bộ GTVT đã có chỉ đạo với Cục đường sắt Việt Nam cũng như Tổng Công ty đường sắt Việt Nam phối hợp với các cơ quan khác của nghành tổng kiểm tra lại toàn bộ các cầu đi chung của đường sắt . Cụ thể là kiểm tra về thiết bị an toàn, quy trình khai thác cầu đi chung và đặc biệt là nhân tố con người và phương án tổ chức điều tiết giao thông. 

Thông qua đợt kiểm tra này, ngành đường sắt sẽ có những đề xuất và phải có những bổ sung kịp thời trong tất cả các khâu đó nếu có điểm nào chưa hợp lý thì lập tức phải thay đổi tăng cường và bổ sung. Đặc biệt là phải đề ra được những giải pháp mang tính chất căn cơ để triệt để, đảm bảo an toàn cho các cầu chung trên đường sắt.

- Ông có thể cho biết rõ giải pháp mang tính chất căn cơ cụ thể như thế nào?

Các phương án căn cơ có thể là phương án rất quyết liệt. Nếu trong điều kiện cho phép thì có thể có hình thức tổ chức giao thông khác hợp lý hơn, không để cho việc đi chung giữa cầu đường bộ với đường sắt nữa. 

- Cầu đường sắt đi chung không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại nữa. Việc để tồn tại những cây cầu đi chung ngoài việc cản trở giao thông thì còn hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội. Theo ông nhu cầu cấp thiết có nên tách riêng cầu đi chung ra không?

Về căn cơ chúng ta phải tách cầu đi chung, không để cho phương tiện đường bộ đi qua đường sắt. Việc cầu đường bộ đi chung đường sắt có lẽ chỉ còn tồn tại ở Việt Nam hoặc là một vài quốc gia chậm phát triển vì ở các quốc gia giao thông hiện đại thì không còn tồn tại tình trạng cầu đi chung.

Những cầu chung đường bộ với đường sắt nếu như ở gần đó có cầu đường bộ thì nên tổ chức giao thông hướng phương tiện đường bộ đi sang cây cầu đường bộ như cầu Phú Lương, cầu Lai Vu. Trước đây ở cầu Phú Lương đã từng xảy ra những tai nạn ở chân cầu, nhưng sau khi tách ra không để cho phương tiện đường bộ đi qua cầu đi chung nữa mà đi qua cầu đường bộ riêng thì đã giải quyết được triệt để tai nạn giao thông.

- Theo ông, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, ngoài vai trò của ngành đường sắt thì địa phương có đường sắt đi qua đóng vai trò như thế nào?

Hiện nay, ở cầu chung của đường sắt chỉ có lực lượng công nhân gác chắn thực hiện việc đóng mở chắn và hướng dẫn giao thông. Với mật độ giao thông cao khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông thì khả năng giải quyết đối với công nhân gác chắn đầu cầu bị hạn chế.

Do đó, ở những cầu đi chung nào mà chúng ta chưa thể làm ngay cầu đường bộ và chưa thể cấm được phương tiện đường bộ đi chung trên đường sắt thì phải tăng cường lực lượng. Lực lượng tôi nói ở đây là lực lượng mang tính chất liên ngành. Cụ thể, đề nghị chính quyền địa phương huy động CSGT thường trực làm việc cùng với công nhân gác cầu đường sắt trong các giờ cao điểm để tổ chức hướng dẫn giao thông, thậm chí là xử lý vi phạm giao thông. Đặc biệt là tình huống ách tắc giao thông đã xảy ra như ở cầu Ghềnh. 

- Hiện cả nước có khoảng 6.000 đường ngang giao cắt đường sắt với đường bộ, trong đó có khoảng 4.500 điểm giao cắt dân sinh và nhiều điểm không có rào chắn. Nhiều người cho rằng việc có quá nhiều điểm giao cắt là nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông đường sắt?

Đường sắt của chúng ta được hình thành từ lâu. Các giao cắt đường bộ với đường sắt phần lớn là giao cắt ngang, chỉ có một số tuyến đường được nâng cấp cải tạo có cầu vượt, còn lại nhiều điểm giao cắt có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn rất cao.

Việc cầu đường bộ đi chung đường sắt có lẽ chỉ còn tồn tại ở Việt Nam hoặc là một vài quốc gia chậm phát triển
Hiện nay tai nạn giao thông đường sắt xảy ra có tới 90% là ở các lối mở ngang đường sắt. Số người chết, số phương tiện tai nạn cũng chiếm tới 90% xảy ra trên các đường giao cắt ngang, mà chủ yếu là các đường ngang bất hợp pháp, thiếu thiết bị an toàn. 

Ngành đường sắt cũng đã triển khai nâng cấp các đường ngang, tăng cường thêm các thiết bị của đường ngang, lập rào chắn giữa đường bộ và đường. Cụ thể, gần đây có làm được một đoạn thuộc phạm vi của Ngọc Hồi (Thanh Trì- Hà Nội), tuy nhiên khi làm xong và khi chính thức đóng lối mở vẫn gặp sự cản trở của của dân ở vùng ven đường sắt. Người dân vẫn chưa từ bỏ được thói quen tuỳ tiện đi qua qua đường sắt, thậm chí là điều khiển xe máy, ô tô qua lối mở tự phát.

- Vậy chế tài xử lý vi phạm giao thông đường sắt đến thời điểm này thực hiện ra sao?

Phải nói thật việc xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường sắt vẫn còn hạn chế và chưa được thực hiện một cách quyết liệt như lĩnh vực giao thông đường bộ.

- Xin cám ơn ông!

Vũ Điệp ghi