– 7 người bị tạm giữ trong vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng tại cầu Ghềnh, tỉnh Đồng Nai đã thừa nhận trách nhiệm liên quan.

Đằng sau vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng
Ai chịu trách nhiệm bảo vệ đường sắt?
Vụ tai nạn đường sắt: Lỗi của nhân viên giữ chắn
Hình ảnh vụ tai nạn đường sắt mùng 4 Tết
Khởi tố vụ án tai nạn đường sắt kinh hoàng
Lời kể hãi hùng trong vụ tai nạn đường sắt
 
Ngày 9/2, nguồn tin riêng của VietNamNet xác nhận, 7 người bị tạm giữ vì có liên quan đến vụ tai nạn này đã thừa nhận trách nhiệm và hành vi vi phạm có liên quan. Nguồn thông tin này cũng cho biết thêm, hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục điều tra và họp bàn với các cơ quan chức năng khác để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo.
 
Những người liên quan đã thừa nhận trách nhiệm.

Cụ thể, ngay sau khi xảy ra tai nạn 7 người có liên quan bị tạm giữ hình sự. Và sau đó, cơ quan công an đã triệu tập thêm một số người khác để phục vụ công tác điều tra, trong đó Nguyễn Hùng Quốc – là tài xế taxi Vinasun BKS 56K-9697, là một trong những nhân tố gây nên ách tắc giao thông trên cầu Ghềnh, để dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng đêm 6/2.
 
 
Vụ tai nạn kinh hoàng đêm 6/2 đến nay đã làm 2 người chết, 26 người khác bị thương.

Được biết, trong quá trình làm việc với các điều tra viên của Công an tỉnh Đồng Nai, những người nói trên đã có thái độ hợp tác tốt, thành khẩn thừa nhận trách nhiệm. Theo đó Nguyễn Văn Túy (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bình Phước, là lái tàu chính) và Nguyễn Xuân Phú (lái tàu phụ của đoàn tàu SE2) đều thừa nhận đã không quan sát kỹ tín hiệu đèn báo. Do đó, tổ lái này vẫn cho tàu lưu thông vào cầu Ghềnh, gây nên vụ tai nạn.

Tuy nhiên, nguồn tin riêng của VietNamNet, qua giám định hộp đen của đoàn tàu SE2 cho thấy thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, đoàn tàu này lưu thông với tốc độ khoảng 62 – 63 km/h (trong khi đó tốc độ cho phép là 80 km/h). Ngoài ra cách vị trí cầu Ghềnh khoàng 250m, lái tàu đã điều khiển hãm phanh đoàn tàu nhưng do khoảng cách quá gần nên tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Các nhân viên giữ chắn ở 2 đầu cầu Ghềnh gồm: Bùi Văn Thuấn, Trần Văn Thời (giữ chắn ở đầu cầu Ghềnh phía P.Bửu Hoà), Trần Viết Hải, Nguyễn Văn Lương (giữ chắn đầu cầu Ghềnh phía xã Hiệp Hoà, TP.Biên Hoà)…đã thừa nhận do chủ quan nên không quan sát, không nhận được tín hiệu đèn nên không gác barrie chắn ngang đường để các phương tiện, trong đó có lượng lớn ô tô lên cầu gây ách tắc giữa cầu Ghềnh. Và khi kẹt xe nghiêm trọng, những nhân viên gác chắn không thể giải tán, đến khi đoàn tàu SE2 lao đến, họ lại không phát ra được tín hiệu chưa thông cầu nên đã dẫn đến tai nạn.
 
Hiện cơ quan CSĐT đang phối hợp cùng cơ quan chức năng giám định, điều tra có hay không thời điểm xảy ra vụ tai nạn, đèn tín hiệu đã bị hư hỏng?

Nhận định ban đầu của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai xác nhận, phần lớn lỗi dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng là do các nhân viên giữ chắn không tuân thủ quy định điều khiển đèn tín hiệu. Riêng Tô Quang Toán (là nhân viên bảo trì đèn tín hiệu) trong các buổi làm việc với các điều tra viên, thừa nhận rằng đã thiếu trách nhiệm khi không nhanh chóng khắc phục kịp thời tín hiệu đèn bị hư hỏng. Do đó khi xảy ra vụ tai nạn, đèn tín hiệu không cảnh báo được đối với đoàn tàu SE2 .

Tuy nhiên về vấn đề đèn tín hiệu có bị hư hỏng hay không? Theo lời khai của Tô Quang Toán, thì thời điểm trước khi xảy ra vụ tai nạn, trụ đèn tín hiệu cách vị trí cầu Ghềnh khoảng 800m đã bị hư, không phát được tín hiệu màu đỏ để cảnh báo. Hiện chi tiết này vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
 
Nguyên nhân vụ tai nạn và trách nhiệm của những người có liên quan cũng đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

VietNamNet tiếp tục theo dõi và sẽ thông tin đến bạn đọc.
 
Thống kê của Ban an toàn đường sắt thuộc Tổng công ty đường sắt VN, trong năm 2010, trên cả nước xảy ra 451 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 211 người chết và 284 người bị thương. Nhận định của ngành đường sắt: hầu hết các vụ tai nạn đều là do các nguyên nhân khách quan.