– Đại diện Bộ GTVT nhận định rằng, không chỉ riêng nút giao thông cầu Ghềnh mà các điểm giao giữa đường sắt và đường bộ khác trên cả nước đều khá phức tạp về chuyện phương tiện qua lại; nhưng đó không chỉ là trách nhiệm của Bộ mà còn là của cả Chính phủ.


 

Từ chuyện của cầu Ghềnh

 

Liên quan đến vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng xảy ra vào đêm mùng 4 Tết (ngày 6/2 dương lịch) như VietNamNet đã thông tin, ngày 8/2,cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, vẫn đang giám định chi tiết hộp đen của đoàn tàu SE2, lấy lời khai của những người có liên quan để điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của những người có liên quan.

 

Ông Nguyễn Văn Công – Chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên của Bộ GTVT xác nhận với VietNamNet vào chiều 8/2, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng, Bộ đã thành lập đoàn công tác để kiểm tra.

 

“Việc giám định hộp đen có những gì? Tốc độ đoàn tàu SE2 trước lúc xảy ra tai nạn như thế nào? Các nhân viên giữ chắn có lơ là hay không? Tín hiệu đèn báo của đường sắt có bị hư hay không? Hiện là công việc, trách nhiệm của cơ quan CSĐT. Riêng chúng tôi vẫn chưa có thông tin gì về những việc này. Tất cả đang chờ kết luận của cơ quan công an” – ông Công cho biết thêm.

 

Theo thông tin riêng của VietNamNet, ở thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, đoàn tàu SE2 đang lưu thông với tốc độ 62km/h. Theo xác nhận của ông Lê Đăng Nghĩa – Đội trưởng đội quản lý đường sắt Biên Hoà lúc xảy ra vụ tai nạn, các cơ quan chức năng đã có kiểm tra, giám định và lập biên bản về việc vị trí cách cầu Ghềnh không 800m, một đèn tín hiệu bị hư, không phát được tín hiệu đèn đỏ để cảnh báo cho đoàn tàu.

 

Người dân đi xe 2 bánh lưu thông bát nháo giữa lòng cầu Ghềnh, trong khi vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng vừa xảy ra trước đó chỉ 2 ngày
Theo nhiều nhân chứng là những người thoát chết từ vụ tai nạn, trước thời điểm đoàn tàu tử thần ập đến, họ không thấy bất kỳ tín hiệu đèn đỏ nào báo động ở 2 đầu cầu Ghềnh, barrie không chắn ngang đường để cấm các phương tiện qua lại dẫn đến cảnh xe ô tô, xe gắn máy vô tư lên cầu, tạo nên cảnh ùn tắc. Và chuyện chuyện gì đến đã đến khi đoàn tàu SE2 lao đến. Nhiều người dân xác nhận, khi đoàn tàu đến, họ cũng không nghe thấy tiếng rúc còi tàu từ xa.

 

Cũng như thông tin mà người dân đã phản ánh với P.V VietNamNet rằng, trong những ngày tết các nhân viên giữ chắn ở 2 đầu cầu Ghềnh hay tụ tập đánh bạc, nhưng khi P.V xác thực về thông tin này thì ông Nguyễn Văn Phúc (một nhân viên giữ chắn tại đầu cầu Ghềnh phía P.Bửu Hoà, TP. Biên Hoà) bác bỏ “làm gì có chuyện đó”.

 

Được biết, hiện công an TP Biên Hoà đang làm rõ nghi vấn là thời điểm xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng các nhân viên giữ chắn có lơ là nhiệm vụ hay bỏ ca trực hay không?

 

Ông Nguyễn Văn Công xác nhận với VietNamNet: “Nếu trong quá trình điều tra hoặc có kết luận điều tra của cơ quan công an có tình tiết nào chưa xác thực thì lúc đó chúng tôi mới chính thức lên tiếng. Hiện tất cả đang trong quá trình điều tra. Nếu ai sai thì sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật”.

 

Đến chuyện bất cập ngành đường sắt

 

Trở lại cây cầu “tử thần” sau 2 ngày xảy ra vụ tai nạn, VietNamNet ghi nhận là tình trạng giao thông của cây cầu dành cho đường bộ kiêm đường sắt này khá là bát nháo. Được biết cây cầu “cổ” này được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có chiều dài 238m bắt qua sông Đồng Nai, nối liền P.Bửu Hoà và xã Hiệp Hoà của TP.Biên Hoà.

 

Hiện hiện trạng của cây cầu này là lòng cầu chính dành cho xe ô tô lẫn tàu hoả lưu thông, 2 bên là dành cho xe 2 bánh các loại. Tuy nhiên, người dân đi xe gắn máy vẫn ngang nhiên đi vào phần đường khá nguy hiểm. Theo đó, khi chưa có tàu hoả qua lại, thì ô tô chỉ được lưu thông một chiều qua cầu; đến khi hết xe thì chiều còn lại mới được lưu thông.

 

Tai nạn đường sắt bao giờ cũng có thiệt hại “khủng khiếp” về người và tài sản.
Nhưng điều đáng nói là thông thường ở 2 đầu cầu, mặc bên nào bên đó lưu thông, chính vì thế cũng thường xuyên dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông trên cầu và vụ tai nạn kinh hoàng đêm 6/2 cũng bắt đầu từ đây.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tính (SN 1953, người dân sinh sống tại P.Bửu Hoà, TP.Biên Hoà) thì nhiều khi đoàn tàu chạy băng băng, một số xe gắn máy vẫn ngang nhiên đi kế cận. Còn P.V VietNamNet ghi nhận, chỉ cần 1 xe ô tô đi trên mặt cầu thì toàn bộ cây cầu “cổ” này rung lên bần bật đến hãi hùng.

 

Ngoài ra, hiện nay nhiều nút giao thông giao giữa đường bộ - đường sắt ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn khá nguy hiểm, đặc biệt là trong khu vực nội thị TP.HCM như: tuyến đường Quốc lộ 13 (nút giao thông dưới chân cầu Bình Triệu), Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi… đặc biệt những nơi này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Đặt trường hợp nếu đoàn tàu ập đến trong lúc kẹt xe nghiêm trọng thì tai nạn thảm khốc xảy ra là điếu khó tránh khỏi.

 

Ông Nguyễn Văn Công – Phát ngôn viên của Bộ GTVT chia sẻ, đó không chỉ là thực trạng của riêng nút giao thông cầu Ghềnh mà là vấn đề đau đầu ở nhiều nút giao thông đường bộ giao đường sắt trên toàn đất nước này. Ông Công nhấn mạnh, tương lai cũng sẽ tính đến chuyện tách tuyến đường bộ ra khỏi tuyến đường sắt, nhưng đó là chuyện tương lai xa, kinh phí làm việc đó không nhỏ và sẽ là bài toán của cả Chính phủ.