- Bão số 8 liên tục đổi hướng, trong chiều tối 28/10 đã quét vào 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc của Thanh Hóa sau đó tiếp tục di chuyển lên phía bắc, đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh - Thái Bình với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9.
Mời bạn đọc gửi thông tin, hình ảnh, video bão số 8 về báo VietNamNet qua địa chỉ: hotnews@vietnamnet.vn
>> Bão tăng cấp 13, Thanh Hóa di dời hơn 5 vạn dân
>> Thời sự trong ngày: Rầm rập chống bão
>> Trưa mai, bão đổ bộ vào Thanh Hóa
>> Vietnam Airlines hủy 62 chuyến bay do bão số 8
>> Bão Sơn Tinh gây mưa và gió lớn ở miền Trung
>> Bão số 8 đổi hướng, tăng lên cấp 12
Đến 4h sáng ngày 29/10, bão đổ bộ trực tiếp vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão giảm xuống còn cấp 8, cấp 9 (tức từ 62- 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Theo đường đi mới nhất của cơn bão số 8, đến ngày 29/10, bão sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh (Ảnh: NCHMF) |
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các
huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng
gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm
bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh
Hóa có gió giật cấp 6, cấp 7.
Khu vực các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình nước biển dâng cao từ 3 – 3.5m.
Theo ghi nhận, ngay trong chiều 28/10, tốc độ gió ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã đạt mức 20m/s (cấp 8), giật 26 m/s (cấp 10); Cô Tô có gió mạnh 12m/s (cấp 6), giật 15m/s (cấp 7); ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 30m/s (cấp 11); ở Cửa Ông có gió giật 19m/s (cấp 7); Thái Bình 16m/s (cấp 7), giật 23m/s (cấp 9); Văn Lý (Nam Định) 17 m/s (cấp 7), giật 30m/s (cấp 11).
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 – 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 173mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 139mm; Tà Rụt (Quảng Trị) 146mm …
Để đối phó khẩn với bão số 8, sáng 28/10, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp với BCH PCLB tỉnh Thanh Hóa, trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các địa phương vùng ven biển không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn người và phương tiện để ứng phó với mọi trường hợp, trong đó tập trung kè đắp đê để tránh bão, tuyệt đối không để thiệt hại về người.
Trong chiều 28/10, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục họp với các tỉnh Ninh Bình và Nam Định.
Theo số liệu từ VP BCĐ PCLBTƯ, đến nay Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã sắp xếp cho 57.000 tàu với 260.000 ngư dân trú bão an toàn.
Nam Định: Đổ tháp truyền hình cao nhất miền Bắc
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, tối 28/10, tháp truyền hình cao 180m của tỉnh Nam Định bị gió bão số 8 (bão Sơn Tinh) giật đổ sập ra đường. Đây là tháp truyền hình cao và hiện đại nhất miền Bắc, hoàn thành năm 2010, mới được đưa vào sử dụng.
Lúc 23h30 ngày 28/10, ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài PT-TH Nam Định, cho biết do bão số 8 bất ngờ đổi gió đã quật đổ tháp truyền hình của đài vào tối cùng ngày.
Tháp truyền hình Nam Định cao 180m, vị trí bị gãy cách đỉnh tháp 150m. Rất may do khu vực đặt tháp truyền hình không có nhiều dân cư sinh sống nên sự cố không gây thiệt hại về người.
Tại hiện trường, cột tháp nằm trong khuôn viên hàng nghìn m2 bị đổ sập, chỉ còn lại phần đế tháp. Hơn 100m tháp đổ sập ra ngoài khuôn viên, vắt ngang đường, sát một nhà dân.
Thời điểm ngọn tháp đổ toàn thành phố Nam Định đã mất điện nên các hộ dân xung quanh chỉ nghe thấy một tiếng rầm lớn như tiếng nổ. Điều này đã làm hoảng loạn nhiều người dân cho đến khi phát hiện ra cột tháp truyền hình đã bị đổ.
Cẩu bê tông làm đê chắn sóng dã chiến ở Nam Định
Tối 28/10, tại Nam Định có gió giật cấp 9, cấp 10, vùng ven biển giật cấp 11, cấp 12. Cây cối đổ nhiều nơi, nhiều khu vực bị mất điện.
Cho đến chiều cùng ngày, người dân cùng lực lượng bộ đội biên phòng xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) vẫn gấp rút ke lại bờ đê Cồn Xanh - đê xung yếu nhất của Nam Định.
Theo số liệu thống kê, đến tối ngày 28/10, toàn tỉnh đã hoàn thành sơ tán xong 4.417 người ở khu ngoài đê chính và các cửa sông về các điểm tránh bão.
Hải Phòng: Cứu 25 ngư dân trôi dạt trên biểnLúc 18h tối 28/10, bão Sơn Tinh đã quét qua đảo Cát Bà (Hải Phòng), với sức gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 10, cấp 11 với cột sóng biển cao từ 5-6m.
Do ảnh hưởng của bão, trong chiều cùng ngày, 5 bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực Bến Bèo (Cát Bà) đã bị đánh trôi ra phía ngoài, trên bè có 25 người, trong đó có 10 trẻ em.
Nhận được tin, lực lượng Bộ đội biên phòng TP.Hải Phòng đã điều động 8 chiến sĩ cùng 1 tàu, 1 xuồng ra khu vực trên để cứu hộ.
Theo ghi nhận, tại một số khu vực ven biển của Hải Phòng đã có nhiều nhà bị tốc mái.
Thái Bình: Gió tiếp tục mạnh lên
Dù hiện tại bão còn cách bờ biển khoảng 30km, song các huyện ven biển đã có gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, mưa ào ạt, nhiều cây cối đã bị gãy đổ. Một số khu vực trong thành phố và các vùng lân cận bị mất điện.
Trưa 28/10, 4 người dân của xã Đoàn Xá (Kiến Thụy) trên đường từ chòi nuôi ngao trở về bằng thuyền nan đã bị sóng đánh úp, trôi dạt trên biển nhưng rất may lực lượng tìm kiếm cứu nạn phát hiện kịp thời, ứng cứu thành công.
Trong ngày hôm nay, tỉnh đã di dời 560 hộ dân ở các khu vực nguy hiểm thuộc 3 huyện ven biển gồm Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương vào nơi an toàn.
Thanh Hóa: Huyện ven biển có gió giậtĐược xác định là một trong những huyện chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 8, ngay từ chiều tối tại Nga Sơn (Thanh Hóa) đã có gió giật 9, cấp 10, toàn huyện mất điện từ 9h sáng.
Tại đây có 100 hộ nuôi trồng ngao đang nằm trong tình trạng nguy cấp vì bị mất trắng. Khoảng 10 - 15% trên tổng số 7.000 ha hoa màu bị mất và sẽ không kịp gieo trồng vào vụ Đông.
Để chống ngập úng, toàn tỉnh đã đưa 99 trạm bơm với 482 máy bơm các loại sẵn sàng đóng điện bơm tiêu úng khi có mưa lớn.
Quảng Bình: Đê chắn sóng bị đánh sập, thiệt hại 30 tỷ
Chiều 28/10, ông Phạm Văn Năm, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, cho biết vào 8g sáng cùng ngày, do bão số 8 ảnh hưởng gây từng đợt sóng rất cao và mạnh ập vào bờ đã đánh sập hoàn toàn 330m đường đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La, thuộc Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Lực đập quá mạnh của sóng biển từ phía Đông dồn vào đã xé nát cả đoạn đê mà trước đó được xây dựng bằng đá, đắp thẳng dài 330m, rộng 9m và được chắn bằng những khối bê tông tản sóng nặng 25 và 16 tấn.
Đê thẳng dài đã bị sóng hất dạt thành một đường vòng cung lõm lên hướng Tây, nơi đê bị đẩy đi xa nhất là hơn 50m.
Được biết, đoạn đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La thuộc gói thầu số 2 của dự án đường nối Khu kinh tế Hòn La với Khu công nghiệp xi măng Văn Tiến, thuộc xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), do Tập đoàn Trường Thịnh (Quảng Bình) thi công.
Trước bão, đê cũng đã được gia cố thêm bằng nhiều khối bê tông tản sóng và các rọ đá… nhưng rồi vẫn bị đánh sập. Ước thiệt hại ban đầu của việc hư hỏng đê chắn sóng này khoảng 30 tỷ đồng.
Quảng Ngãi: Sóng lớn đánh 3 người chết trôi
Do ảnh hưởng bão số 8, trưa và chiều ngày 28/10, tại khu vực tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7, biển động mạnh.
Trưa ngày 28/10, chị Võ Thị Tin ôm Trương Ngọc Ánh về thăm gia đình ngoại ở thôn Du Quang, xã Phổ Quang. Khi đến bên bờ sông Thoa, chị Tin gọi điện thoại cho cha ruột là ông Võ Văn Hùng, 57 tuổi ra đón hai mẹ con. Ông Hùng ra bờ sông lấy chiếc xuồng bơi qua bên bờ xã Phổ Minh. Hai mẹ con chị Tin cùng một xe đạp chất lên xuồng được ông Hùng chèo lại bờ Phổ Quang. Tuy nhiên khi xuồng vừa ra giữa sông, gió lớn đánh vào xuồng. Lúc này chị Tin ôm cháu Ánh trong lòng bị gió hất rơi xuống sông. Thấy thế ông Hùng bỏ chèo, nhảy theo cứu con gái và cháu ngoại. Nước sông sâu, gió lớn, ba ông cháu bị cuốn trôi chết ngay sau đó.
Đến khoảng 13h cùng ngày, người nhà không thấy ông Hùng đưa hai mẹ con chị Ánh về, biết chuyện chẳng lành vội ra sông kiếm. Tìm trên sông chỉ thấy chiếc xuồng trôi, còn người và xe đạp bị chìm
Sử dụng thuyền tìm xác
Người dân và chính quyền xã Phổ Quang đã khẩn trương tổ chức tìm kiếm. Lực lượng Công an huyện Đức Phổ cũng đã có mặt tham gia tìm xác. Đến 16h30, xác của ông Võ Văn Hùng và chị Võ Thị Tin đã lần lượt được tìm thấy. Riêng cháu Ánh vẫn chưa tìm xác.Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Phổ Quang cho biết việc tìm vớt cháu Ánh gặp không ít khó khăn khi gió lớn, mực nước sông sâu. Trong khi do cháu còn nhỏ nên người dân lặn mò và kéo lưới vẫn không tìm ra
Cho đến 19h tối ngày 28/10, lực lượng cứu hộ phải tạm dừng tìm kiếm xác cháu bé Trương Ngọc Ánh, 2 tuổi, ở thôn Sa Bình, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trên sông Thoa.
Riêng xác ông ngoại cháu bé là ông Võ Văn Hùng, 57 tuổi, ở thôn Du Quang, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ và người mẹ cháu bé là chị Võ Thị Tin, 30 tuổi đã được lực lượng cứu hộ tìm vớt xác trong buổi chiều ngày 28-10.
Do gió lớn, việc tìm kiếm xác cháu Ánh trên sông Thoa sẽ tiếp tục trong sáng ngày 29-10.
Được biết, chị Tin lấy chồng và theo về nhà chồng ở Phổ Minh sống được 3 năm nay. Do hoàn cảnh khó khăn, nửa năm qua, người chồng lên Tây Nguyên làm thuê hai cà phê.
Theo người dân cho biết, đoạn sông Thoa chảy ra cửa biển Mỹ Á, giáp ranh giữa hai xã Phổ Quang và Phổ Minh trước đây có 2 cầu tre, phục vụ người dân qua lại. Tuy nhiên, cứ hàng năm đến mùa bão, lũ, chính quyền địa phương tháo dỡ cầu tre cho đảm bảo tính mạng người dân. Không có cầu đi qua, bất chấp ảnh hưởng bão, gió lớn, nhiều người dân 2 bên bờ vẫn chèo xuồng qua lại.
Theo người dân nhận định, ông Hùng là người rất giỏi bơi lội. Tuy nhiên do cố cứu con gái và cháu ngoại nên ông Hùng cũng đã chết theo.
M.Anh - Phong Kiều Ngân - Khả Di