- Theo TS Bùi Quang Tề (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1), việc cụ rùa thường xuyên nổi lên mặt nước có thể do cụ bị… viêm phổi!

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.


Vì sao cụ rùa càng ngày nổi càng nhiều?

Theo số liệu thống kê của PGS.TS Hà Đình Đức (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN) tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Bảo vệ rùa Hoàn Kiếm ngày 15/2/2011 vừa qua, tổng số lần cụ rùa nổi lên mặt nước trong năm 2010 là 134 lần.

Riêng tháng 01/2011 (từ 27/11 Canh Dần đến 25/12 Canh Dần), số lần cụ rùa nổi lên mặt hồ là 14 lần.

Như thế, tần suất nổi của cụ rùa ngày càng nhiều và càng dày đặc. Có thời điểm, trong 2 ngày liên tiếp cụ rùa nổi lên mặt nước.

Rùa tai đỏ đe dọa cụ rùa Hồ Gươm. Ảnh: PGS.TS Hà Đình Đức

 

Ông Hà Đình Đức kết luận: đây là điều không bình thường. Ông Đức phỏng đoán: “Phải chăng liên quan đến sức khỏe và các vết thương cụ đang mang trên mình?”.

Chung nhận định về sức khỏe của cụ rùa, TS Bùi Quang Tề (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1) tại báo cáo tham luận của mình cho hay: Clip cụ rùa nổi ngày 12/2/2011 cho thấy cụ rùa đã lở loét ở dọc phần giữa mai lưng. Như vậy, cụ đã bị thương rất nặng, đồng thời sống trong môi trường nước bùn đen quá bẩn, việc đưa cụ rùa vào vùng nước sạch để chữa vết thương lở loét cần phải làm càng nhanh càng tốt.

“Ngoài các vết lở loét, có thể cụ rùa dễ bị viêm phổi do vi khuẩn cho nên không ở dưới nước được lâu, nên cụ rùa thường xuyên phải nổi lên tầng mặt để hô hấp” – TS Bùi Quang Tề nhận định.

Việc cụ rùa bị thương và sức khỏe của cụ đang báo động là một thực tế mà tất cả các chuyên gia đều thống nhất và thừa nhận. Nhưng, chính xác cụ đang mắc những bệnh gì và bao nhiêu bệnh, thì chưa khẳng định được.

Lý do: những nhận định về hiện trạng sức khỏe của cụ đều trên cơ sở quan sát qua những lần cụ nổi lên mặt nước, được ghi lại hình ảnh hoặc clip, trên cơ sở đó các chuyên gia mới phân tích và nhận định, từ đó đưa ra các phỏng đoán.

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, cụ rùa Hồ Gươm bị thương lần 1 từ năm 1996. Tháng 11/2002, trên bức ảnh do Trần Hải Nam chụp thấy rõ vết thương của cụ rùa đã thành sẹo.

Cụ rùa với các vết thương mới trên cổ. Ảnh: Wordpress

 

Tiếp theo, năm 2004 cụ tiếp tục bị đe dọa bởi loài rùa tai đỏ xuất hiện và sinh trưởng ồ ạt ở Hồ Gươm, trở thành mối đe dọa trực tiếp môi trường sống của cụ.

Ngày 01/8/2010, cụ rùa xuất hiện mang theo trên mình một chùm móc câu.

Ngày 18/12/2010, một con rùa tai đỏ ngỗ ngược leo lên lưng của cụ, được chụp lại hình ảnh này khi cụ nổi lên mặt nước.

Ngày 30/12/2010, người dân Hà Nội xót xa khi trên mình cụ xuất hiện các vết thương mới ở cổ, trên mai bị lở loét nham nhở.

Các chuyên gia nghiên cứu về loài bò sát sống trong môi trường nước nhận định: ngoài những vết thương do ngoại cảnh tác động (bị vật nhọn va chạm trong quá trình di chuyển, bị dính lưới quét, móc câu chum…), rùa Hoàn Kiếm còn phải đối mặt với nguy cơ các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bệnh do nấm thủy my, bệnh sinh vật bám…

Hung thủ sát thương cụ rùa

Tiến sỹ Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản (đã nghỉ hưu) đưa ra 9 nhận định về các nguyên nhân gây sát thương cụ rùa Hồ Gươm.

Trước tiên, đó là thủ phạm câu quăng (dùng cần câu quăng lưỡi chùm ném ra xa để móc và bắt mọi đối tượng thủy sản bắt gặp). "Đây là thủ đoạn đáng lên án nhất tại các hồ của Hà Nội" – ông Vĩnh khẳng định.

Ngoài câu quăng, các loại câu khác cũng có thể gây hại cho rùa, do rùa hồ Gươm cũng là loài bắt mồi như cá.

Một số ảnh chụp cho thấy rùa Hồ Gươm còn bị săn bắt bằng cách đập các vật cứng hoặc xiên bằng đinh ba hay ba tiêu. Rùa thở bằng phổi do đó trong khoảng thời gian xác định phải ngoi lên mặt nước để thở và cặp đôi khi đến mùa động dục.

Việc tìm đến các bụi cây hay hang hốc gần bờ, những bãi đất trống tĩnh mịch gần đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, gầm nhà hàng Thủy Tạ… để thực hiện các chức năng kể trên, rùa đã tự tạo cho mình nguy cơ tử vong trước các kẻ xấu.

Các nguyên nhân khác như: lở loét do ô nhiễm môi trường nước, lở loét do thiếu dinh dưỡng, lở loét do lây nhiễm từ các đối tượng ngoại lai (phỏng đoán có thể là rùa tai đỏ - TS Nguyễn Viết Vĩnh).

Vết loét sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu rùa tai đỏ cũng ăn thịt và tấn công vào những vết thương có sẵn trên cơ thể to lớn của cụ rùa Hồ Gươm (có hình ảnh một cá thể rùa tai đỏ trèo lên lưng cụ rùa hồ Gươm làm chỗ đậu phơi nắng -  ảnh chụp ngày 18/12/2010).

Ai là kẻ thù của cụ?

Ông Nguyễn Ngọc Khôi (tác giả của bức ảnh hai làn tăm song song chụp tại Hồ Gươm vào chiều 30 Tết vừa qua để dẫn đến giả thiết có 2 cụ rùa Hồ Gươm đang sống), đồng thời cũng là một chuyên gia nuôi rùa và nghiên cứu về động vật rùa, đã hướng phán đoán của mình vào rùa tai đỏ.

Theo ông Khôi, trong 100 loài xâm hại (nói về đa dạng sinh học), ngoài rùa tai đỏ còn có cá chép, cá trê, cá rô phi. Theo tài liệu của Viện Công nghệ Môi trường VN, Hồ Gươm còn có 21 loài cá, trong đó có cả những loài cá thuộc nhóm xâm hại kể trên, đang cùng chung sống trong Hồ Gươm với cụ rùa.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi rùa tai đỏ (ông Khôi hiện có 11 trang trại sinh thái nuôi trồng thủy sản, các loài rùa cạn, rùa nước…), ông Khôi cho rằng, rùa tai đỏ không thể gặm được cụ rùa Hoàn Kiếm, nhưng nếu cụ thường bị hoại tử thì chắc chắn rùa tai đỏ sẽ nhằm vào đây để ăn. Không riêng rùa tai đỏ, mà các loài xâm hại như cá chép, cá trê, cá rô phi… cũng sẽ nhằm vào cụ tấn công.

Rùa tai đỏ là loài rất phàm ăn, nếu đói chúng sẽ diệt lẫn nhau. Tuy nhiên, theo ông Khôi, rùa tai đỏ có ưu điểm là chúng ăn hết các động vật thối rữa góp phần làm trong sạch môi trường nước, nước không bị mùi hôi.

Ông Khôi phỏng đoán, Hồ Gươm có khoảng 400 – 500 cá thể rùa tai đỏ, nếu người dân không phóng sinh và bắt liên tục thì trong vòng khoảng một năm (chủ yếu vào mùa hè – thu) sẽ thu bắt được hết số lượng rùa tai đỏ ngoại lai này.

Trong lúc các chuyên gia vẫn chưa chốt được phương án khả thi để chữa chạy vết thương cho cụ rùa Hồ Gươm, thì mối quan ngại về sức khỏe của cụ rùa vẫn đang được đông đảo người dân chờ đợi.

Kiên Trung

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.